Ngưu tất trị rong kinh, đau bụng kinh
Ngưu tất còn có tên là hoài ngưu tất (Achyranthes bidentata Blume). Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, hiện được trồng ở các vùng miền núi, trung du và đồng bằng ở các tỉnh phía Bắc...
Ngưu tất còn có tên là hoài ngưu tất (Achyranthes bidentata Blume). Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, hiện được trồng ở các vùng miền núi, trung du và đồng bằng ở các tỉnh phía Bắc...
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ khô. Trước khi dùng, có thể chế biến bằng cách sao cám hoặc ngưu tất tẩm với rượu trắng (30-35 độ) rồi sao khô, cũng có thể tẩm với muối ăn, sao khô. Theo YHCT, ngưu tất có vị đắng, chua, tính bình. Quy vào 2 kinh can, thận, với công năng bổ can thận, cường gân cốt, thông kinh, hoạt lạc, trục ứ.
Một số bài thuốc trị bệnh có ngưu tất:
Bài 1: Với tính chất thông kinh, phá huyết, tiêu tích trong các trường hợp bế kinh, kinh có hòn cục hoặc khi có kinh đau bụng: ngưu tất (chích rượu) 12g, ích mẫu 16g; hương phụ (tứ chế), đào nhân, uất kim, tạo giác thích (gai bồ kết), mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2- 3 lần trước bữa ăn 1-2 giờ và uống vào lúc sau kỳ kinh khoảng 7-10 ngày, uống liền cho tới khi thấy kinh lần sau. Có thể lặp lại vài liệu trình.
Bài 2: Chữa rong kinh: ngưu tất, bạch truật, mỗi vị 12g, cỏ nhọ nồi 12g; phục linh, bán hạ (chế), trần bì, hương phụ, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần trước bữa ăn 1-2 giờ. Uống liền 2-3 tuần sau khi hết kinh của lần trước. Uống lặp lại vài liệu trình.
Bài 3: Đau xương khớp, thấp khớp: ngưu tất 12g, hy thiêm 16g; thổ phục linh, cẩu tích, cốt toái bổ, mỗi vị 10g; trần bì 6g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần trước bữa ăn 1-1,5 giờ. Uống liền 2-3 tuần.
Cây ngưu tất.
- Viêm đa khớp dạng thấp: ngưu tất, phòng phong, tang ký sinh, độc hoạt, tục đoạn, ý dĩ, đương quy, thục địa, bạch thược, đảng sâm, mỗi vị 12g; tần giao 10g; quế chi, xuyên khung, mỗi vị 8g; tế tân, cam thảo mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần trước bữa ăn 1-2 giờ. Uống liền 2-3 tuần. Nghỉ 1 tuần. Tùy theo tình hình có thể lắp lại liệu trình mới.
Trong thực tế sử dụng, nhiều người thường nhầm lẫn vị thuốc ngưu tất nói trên với vị cỏ xước, hay còn gọi là ngưu tất nam (Achyranthes aspera L.). Khác với ngưu tất là cây nhập nội, cỏ xước là cây mọc hoang ở hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng, trung du và vùng núi thấp nước ta.
Về mặt sử dụng lâm sàng, cả hai loài ngưu tất và cỏ xước đều trị đau xương khớp, hạ huyết áp, lợi tiểu… Tuy nhiên, ngưu tất tác dụng mạnh hơn. Do đó, liều dùng ngưu tất chỉ cần 6-12g/ngày, còn cỏ xước phải tới 12 - 40g/ngày. Đương nhiên về giá trị kinh tế, ngưu tất vẫn có ưu thế hơn nhiều so với cỏ xước.
Theo SKDS