Nguy hiểm do bệnh xơ phổi
Bệnh xơ phổi là tình trạng tổn thương mạn tính mô ở sâu bên trong phổi làm cho mô phổi bị dày lên, cứng hơn do mất tính đàn hồi (tính co giãn) và tạo sẹo.
Bệnh xơ phổi là tình trạng tổn thương mạn tính mô ở sâu bên trong phổi làm cho mô phổi bị dày lên, cứng hơn do mất tính đàn hồi (tính co giãn) và tạo sẹo. Chính các sẹo này gọi là xơ phổi. Vì phổi bị xơ sẹo và cứng hơn gây hạn chế khả năng hít thở của bệnh nhân.
Những nguyên do gây xơ phổi
Các nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân gây ra xơ phổi gồm: thứ phát sau các bệnh lao phổi, viêm phổi, nhồi máu phổi; Do mắc bệnh bụi phổi vì hít phải các chất như silica, asbestos (a-mi-ăng), bụi than ở hầm mỏ, beryl; Bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai như: bệnh phổi do nấm, người nông dân hít phải nấm mốc rơm rạ, người nuôi chim gà, vịt, ngan, ngỗng...; Do nhiễm các hóa chất, hơi độc, khí dung…; Mắc bệnh mô hạt sarcoidosis; Do dùng các loại thuốc: aminodarone, busulfan, methotrexate, penicilamine và các chất gây kích thích như cocain, heroin… Do tiếp xúc với tia xạ; Mắc các bệnh: xơ cứng bì, luput ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm gan siêu vi C, hội chứng suy giảm miễn dịch…; Do di truyền, trong gia đình có người thân mắc các bệnh xơ phổi vô căn, bệnh u xơ cứng…
Tổn thương trong bệnh xơ phổi trên phim Xquang.
Các nhà chuyên môn cho biết có một số yếu tố nguy cơ gây xơ phổi là: do dùng thuốc, do môi trường và nghề nghiệp; người hút thuốc lá, thuốc lào, hay có tiền căn hút thuốc trước đây; Bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, mắc các bệnh nhiễm khuẩn; Do di truyền…Độ tuổi thường gặp là 50-70 tuổi; Nhưng bệnh nhân mắc các bệnh phổi mô kẽ như sarcoidosis, bệnh lý mô liên kết và các bệnh phổi do di truyền thì thường trẻ tuổi.
Xơ phổi có thể xuất hiện sau một số bệnh lý nên gọi là xơ phổi thứ phát, hay cũng có thể không tìm thấy bệnh lý nào trước khi xảy ra xơ phổi (gọi là xơ phổi vô căn). Có 3 dạng xơ phổi là: xơ phổi thứ phát sau khi có tổn thương phổi như sau lao phổi, viêm phổi, nhồi máu phổi; xơ phổi khu trú do hít phải các chất gây kích thích như bụi than, silica; bệnh phổi mô kẽ lan tỏa, xơ phổi vô căn và bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai (còn gọi là bệnh viêm phổi tăng cảm).
Cần phân biệt bệnh xơ phổi với bệnh lý phổi khác
Một bệnh nhân mắc xơ phổi thường có các dấu hiệu tùy thuộc bệnh lý nền có sẵn. Bệnh có thể xuất hiện cấp tính với đợt bùng phát rồi sau đó thuyên giảm. Hoặc cũng có thể xuất hiện bán cấp với các đợt bệnh tái phát rồi thuyên giảm nhiều lần. Có khi bệnh cũng có thể xuất hiện âm ỉ, mạn tính, tiến triển từ từ. Các dấu hiệu chính là: khó thở, thở mệt; ho kéo dài; khò khè; ho ra máu; đau ngực. Nếu nghe phổi phát hiện ran nổ nhỏ hạt cuối thì hít vào. Bệnh nhân có dấu hiệu tím trung ương, ngón tay dùi trống, tăng áp phổi, suy tim phải nếu bệnh ở giai đoạn muộn. Một số bệnh nhân được phát hiện bệnh tình cờ qua kiểm tra Xquang phổi và đo hô hấp ký, chẳng hạn như kiểm tra sức khỏe ở những người có nguy cơ bệnh do nghề nghiệp.
Xét nghiệm công thức máu có thể có thiếu máu nhẹ; phát hiện được kháng thể tự miễn: kháng thể kháng nhân... Làm khí máu động mạch: thường thấy giảm độ bão hòa ôxy máu. Kiểm tra chức năng phổi có thể thấy: hội chứng hạn chế, giảm trao đổi khí… Chụp phim Xquang phổi có thể thấy tổn thương nốt hay lưới, tổn thương dạng tổ ong ở giai đoạn trễ và khi tình trạng bệnh đã nặng.
Bệnh xơ phổi cần phân biệt với các bệnh phổi khác có dấu hiệu giống với xơ phổi như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; hen; giãn phế quản; suy tim sung huyết; bệnh ung thư phổi…
Can thiệp để cải thiện chất lượng sống của người bệnh
Đến nay, hầu như không có điều trị hiệu quả cho bệnh xơ phổi. Một số can thiệp có thể làm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Việc điều trị thay đổi tùy theo từng bệnh nhân, cần can thiệp vào nguyên nhân gây ra tình trạng xơ phổi.
Các biện pháp hỗ trợ trong điều trị xơ phổi gồm: ngưng thuốc lá; tránh các yếu tố môi trường hay yếu tố nghề nghiệp là nguyên nhân gây ra bệnh (tránh nhiễm các hóa chất, khói, bụi); ngưng dùng các thuốc có liên quan hay là nguyên nhân gây ra bệnh; tiêm phòng bệnh cúm và phòng bệnh do phế cầu; sử dụng oxy liệu pháp đối với bệnh nhân thiếu oxy máu; phục hồi chức năng hô hấp; thực hiện một chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Phẫu thuật ghép phổi là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh xơ phổi. Tuy nhiên, phẫu thuật ghép phổi có nhiều nguy cơ và biến chứng và chỉ áp dụng được cho số ít bệnh nhân.
Phòng bệnh vẫn là tốt nhất
Xơ phổi gây tổn thương khó hồi phục và không thể điều trị hiệu quả. Cho nên mọi người cần tích cực phòng tránh bệnh. Các biện pháp phòng bệnh gồm: phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn như lao phổi, viêm phổi, nấm phổi… Người lao động cần đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ lao động để tránh hít phải vi nấm, bụi than, hóa chất… Điều trị tích cực các bệnh xơ cứng bì, luput ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm gan siêu vi C, hội chứng suy giảm miễn dịch… Tránh hoặc hạn chế dùng các chất kích thích như cocain, heroin… Bỏ hút thuốc lào, thuốc lá.
Theo SKDS