Nguyên nhân gây bệnh suy thận mạn tính
Suy thận gặp ở các lứa tuổi. Với người cao tuổi (NCT), suy thận mạn càng cần được lưu tâm để chữa trị, phòng bệnh, không được chủ quan, bởi vì sức đề kháng đã suy giảm nhiều.
Suy thận gặp ở các lứa tuổi. Với người cao tuổi (NCT), suy thận mạn càng cần được lưu tâm để chữa trị, phòng bệnh, không được chủ quan, bởi vì sức đề kháng đã suy giảm nhiều.
Mỗi một con người có hai quả thận (thận trái và thận phải), mỗi một quả thận có cùng nhiệm vụ là loại bỏ các chất thừa (muối, chất điện giải, nước) và các chất thải từ máu ra khỏi cơ thể và kiểm soát các chức năng khác của cơ thể (điều hòa huyết áp…). Khi thận bị suy, mọi chức năng của chúng đều bị suy giảm, cho nên một lượng lớn dịch, chất điện giải, chất thải, chất độc…bị tích lũy gây rối loạn các cơ chế nội sinh của cơ thể.
Một số nguyên nhân
Khác với suy thận cấp (xảy ra một cách nhanh chóng và bất ngờ), suy thận mạn là chức năng thận suy giảm một cách từ từ trong một thời gian dài (quá trình này có thể kéo dài 5 - 10 năm hoặc lâu hơn tùy theo từng trường hợp cũng như số lượng giảm sút các đơn vị chức năng của thận).
Nguyên nhân của suy thận mạn rất đa dạng, nhưng thông thường hay gặp là ở bệnh nhân bị bệnh thận đa nang (nhiều u nang thận), người mắc bệnh tự miễn (bệnh lupus ban đỏ rải rác), mắc bệnh xơ vữa động mạch (trong đó có làm tổn hại các mạch máu trong thận), các nguyên nhân tắc nghẽn đường tiểu (u, sỏi tiết niệu, viêm bàng quang…) gây nhiễm trùng ngược dòng hoặc gặp ở người dùng quá nhiều loại thuốc đào thải qua thận. Tuy nhiên, theo một số nhà chuyên môn, nguyên nhân suy thận mạn còn có thể tùy theo từng nước (Mỹ và Anh bệnh gây suy thận mạn nhiều nhất là do biến chứng của bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp trong khi đó ở Trung Quốc nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn là do viêm cầu thận…).
Như vậy, một trong những biến chứng do bệnh đái tháo đường hoặc cao huyết áp là gây tổn thương đến các mạch máu nhỏ trong cơ thể, trong đó có các mạch máu trong thận bị ảnh hưởng và dẫn đến suy thận.
Lời khuyên của thầy thuốc
NCT khi bị suy thận, nên có chế độ ăn ít chất đạm (có thể ăn cá, tôm, trứng gà), hạn chế ăn mặn (thậm chí phải ăn nhạt). Nên ăn giá đỗ, bầu bí, dưa chuột, mướp, bắp cải (các loại rau chứa ít muối), miến dong, khoai sọ, khoai lang và các loại trái cây có thể ăn như: na, đu đủ, xoài (nếu bị đái tháo đường, không nên ăn).
Theo SKDS