Nhận biết và phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ
Thời tiết đầu mùa thu, nhiệt độ đang nóng chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát sinh, trong đó viêm tiểu phế quản là bệnh phổ biến hàng đầu ở trẻ dưới 2 tuổi và dễ diễn biến nặng do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.
Thời tiết đầu mùa thu, nhiệt độ đang nóng chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát sinh, trong đó viêm tiểu phế quản là bệnh phổ biến hàng đầu ở trẻ dưới 2 tuổi và dễ diễn biến nặng do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Do đó cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh cũng như cách phòng ngừa viêm tiểu phế quản cho trẻ.
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các phế quản kích thước nhỏ hay còn gọi là các tiểu phế quản do virut hô hấp gây ra, đứng hàng đầu là virut hợp bào hô hấp (virut Respiratoire Syncytial), chiếm 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh. Virut này có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh dễ lây lan.
Ở người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm virut này nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản.
Hình ảnh viêm tiểu phế quản ở trẻ.
Dấu hiệu nhận biết
Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản, thường có biểu hiện ban đầu là ho, chảy nước mũi trong, sốt nhẹ,… trong khoảng 2 ngày đầu. Sau đó trẻ có triệu chứng khò khè, thở nhanh nông, bú càng ngày càng kém… Nếu không được điều trị bệnh sẽ diễn tiến nặng, trẻ khó thở, bỏ bú, tím tái, viêm phổi xẹp phổi, suy hô hấp và có thể tử vong.
Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi xẹp phổi viêm tai giữa. Thành của các tiểu phế quản này không có sụn chỉ có cơ trơn nên dễ bị co thắt, xẹp lại khi bị viêm. Đặc biệt, đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch thì nguy cơ bệnh kéo dài, diễn tiến nặng càng cao và nhiều biến chứng hơn, nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Đây là những trường hợp cần được cho nhập viện sớm khi bị viêm tiểu phế quản.
Các biện pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ
Để phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ cần chăm sóc trẻ đúng cách, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cụ thể:
- Cho trẻ bú mẹ ngay từ lúc mới sinh đến 2 tuổi. Điều quan trọng là người mẹ cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh nhằm đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng. Trong suốt thời kỳ cho con bú, cần lưu ý đặc biệt tới các loại thực phẩm giàu canxi như các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc nguyên cám, rau lá xanh, các loại hạt hay các loại cá. Các chế phẩm bổ sung vitamin sẽ giúp tăng thêm nguồn vitamin trong sữa mẹ.
- Khi trẻ được 6 tháng, cần cho trẻ ăn dặm đúng cách. Tùy thể trạng từng trẻ, có thể tập cho trẻ ăn dặm từ từ, bắt đầu từ 5 - 6 tháng tuổi trở đi, bữa ăn của trẻ phải bao gồm đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng chính: Tinh bột; chất đạm; rau, trái cây; dầu thực vật. Cho trẻ uống đủ nước.
- Chú ý mặc quần áo thích hợp cho trẻ, thoáng mát về mùa hè, giữ ấm trong mùa đông, khi thời tiết giao mùa chuyển nóng hoặc lạnh đột ngột cần thường xuyên thay quần áo phù hợp, không để trẻ bị lạnh hay ra quá nhiều mồ hôi.
- Giữ cho môi trường trẻ ở được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ vì virut gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp. Tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với trẻ lớn, người lớn đang bị viêm đường hô hấp cũng như các trẻ bệnh khác.
- Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Đối với trẻ bị bệnh tim, phổi bẩm sinh càng cần được chăm sóc và lưu ý kỹ hơn vì trẻ dễ mắc bệnh và tiến triển xấu. Đối với trẻ bình thường, khi có những biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, bú kém, bỏ bú… cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản tại nhà
Khi bị viêm tiểu phế quản, trẻ cần được khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ðối với các trường hợp viêm tiểu phế quản nhẹ, không có biến chứng, trẻ không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Cách chăm sóc như sau:
Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Có thể chia nhỏ thành nhiều cữ bú, bữa ăn để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước và làm loãng đờm, dịu ho.
Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ.
Cho trẻ dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của thầy thuốc. Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc vì nếu dùng không đúng có thể làm trẻ bệnh nặng hơn hay có thể có tác dụng có hại, nhất là ở trẻ nhỏ.
Tái khám đúng hẹn theo lịch hẹn của bác sĩ và chú ý phát hiện những dấu hiệu cần cho trẻ đi khám lại ngay.
Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ có một trong những dấu hiệu sau: Tím tái, bú kém, bỏ bú, không uống được, trẻ ngủ li bì, khó đánh thức, thở khó khăn (thở nhanh, thở co kéo lồng ngực),…
Theo SKDS