Nhiễm độc chất wafarin từ đâu?
Một tuần qua, sự việc hàng chục người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị mắc chứng chảy máu liên tục không cầm được, phải nhập Viện Huyết học và Truyền máu TW điều trị khiến cho người dân hoang mang, lo lắng. Việc “bỗng dưng” chảy máu không cầm được có quá lo ngại? Phóng viên báo SK&ĐS đã gặp các chuyên gia để tìm hiểu sự việc này.
Một tuần qua, sự việc hàng chục người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị mắc chứng chảy máu liên tục không cầm được, phải nhập Viện Huyết học và Truyền máu TW điều trị khiến cho người dân hoang mang, lo lắng. Việc “bỗng dưng” chảy máu không cầm được có quá lo ngại? Phóng viên báo SK&ĐS đã gặp các chuyên gia để tìm hiểu sự việc này.
Bệnh không phải hiếm gặp
ThS.BS. Nguyễn Thị Mai - Trưởng khoa Điều trị bệnh Hemopholia (bệnh máu khó đông) cho biết, kết quả lấy mẫu máu của bệnh nhân (BN) gửi đi xét nghiệm ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy trong máu của những BN này có chứa chất wafarin gây chảy máu liên tục. Qua đây, ThS. Mai cũng khẳng định bệnh này không phải hiếm gặp, không phải bệnh lạ. Người dân không nên hoang mang.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương (HHTMTW) cũng khuyến cáo, người dân cần phải hiểu đúng đắn về bệnh, đồng thời có cách xử trí thông tin đúng mực, khoa học, tránh đồn thổi thông tin không chính xác, gây hoang mang trong dư luận và người dân. Trên thực tế, bệnh rối loạn đông máu (chảy máu) có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ khi nào nếu người nào đó không may tiếp xúc phải những độc tố và bị nhiễm. Để điều trị dứt điểm, cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân nhiễm độc chất wafarin từ nguồn nào. Thời gian qua, Viện HHTMTW cũng đã tiếp nhận các ca bệnh giống như trường hợp ở Bắc Giang, các BN ở Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn và một vài huyện ở ngoại thành Hà Nội...
Ở góc độ chuyên gia chống độc, PGS.TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cũng khẳng định, bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được. Khi nào người dân có triệu chứng chảy máu bất thường hay bị ngộ độc, cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ xâm lấn, gây tổn hại tới sức khỏe người bệnh. “Để thải độc chất của wafarin, các bác sĩ sẽ dùng vitamin K1. Tuy nhiên, quá trình điều trị phải được theo dõi liên tục, BN phải tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc, không được bỏ dở, nếu bỏ dở lại chảy máu”, PGS. Duệ nói.
Để chủ động đề phòng, ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường sống sạch sẽ trong sinh hoạt cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, người dân cần thận trọng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt chuột nói chung và wafarin nói riêng. Vì wafarin có trong thành phần thuốc diệt chuột, mà thuốc diệt chuột lại có ở khắp nơi, rất phổ biến trong các hộ gia đình. Do đó, quá trình bảo quản loại thuốc này cũng cần hết sức lưu ý, không nên để chung với những vật dụng khác mà cần được bảo quản ở chỗ riêng biệt, có khóa đậy kín. Người trong gia đình có bẫy chuột nên thông báo cho các thành viên trong gia đình biết để phòng, đặc biệt là quản lý tốt trẻ nhỏ. Bởi nếu không bảo quản tốt sẽ làm lây lan ra ngoài môi trường, nguồn nước...
Hiện tại, trong số 10 BN được điều trị tại Viện HHTMTW thì đã có 8 BN được ra viện để về nhà theo dõi và điều trị ngoại trú. Còn 2 BN đang điều trị tại Viện đã hết các triệu chứng của rối loạn đông máu, tuy nhiên, các BS vẫn phải tiến hành theo dõi và thăm khám kỹ lưỡng hơn.
Vì sao wafarin có trong bả chuột?
Ngay sau khi sự việc xuất hiện chùm ca bệnh ở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên và huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang nhập viện điều trị bệnh rối loạn đông máu, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác gồm Viện HHTMTW, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), Cục YTDP, Cục ATTP đã trực tiếp đến Bắc Giang làm việc với những gia đình có người bị mắc chứng rối loạn đông máu, đồng thời lấy mẫu nước sinh hoạt của các gia đình có người bị bệnh để tiến hành các xét nghiệm. Tại đây, Viện HHTMTW cũng đã tập huấn kiến thức về rối loạn đông máu do thiếu hụt các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K cho các BS từ tuyến huyện trở lên của tỉnh Bắc Giang. Theo GS.TS. Nguyễn Anh Trí việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh không dễ dàng, bởi có rất nhiều giả thuyết như BN cùng ăn, cùng tiếp xúc với một loại thuốc hay một loại thức ăn nào đó. Thế nhưng, qua xét nghiệm sơ bộ cho thấy BN bị nhiễm độc do wafarin và chất này có trong bả chó, chuột. Để biết chính xác đòi hỏi phải trải qua rất nhiều xét nghiệm khác mới cho kết quả được.
BS. Trương Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, hiện tại, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở TN-MT, NN-PTNT... tiến hành lấy mẫu nhằm xác minh đường vào để giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu biết về căn bệnh, tránh hoang mang lo lắng, ảnh hưởng xấu đến các gia đình có người bị mắc. Ngoài ra, tăng cường kiểm soát các ca bệnh (người mắc bệnh cũ, chưa đào thải hết độc tố có khả năng nhiễm độc trở lại và ca mắc mới), nếu bất thường sẽ kịp thời hỗ trợ, điều trị nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Wafarin là thuốc kháng vitamin K, được sử dụng như là một thuốc để chống đông, dành cho những người bệnh có tiền sử bị huyết khối, những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim hoặc bệnh nhân phải thay van cơ học... Vì vậy, việc sử dụng wafarin cần có sự quản lý, giám sát rất chặt chẽ bởi người có chuyên môn, vì nếu lạm dụng quá liều sẽ gây chảy máu và nếu sử dụng không đủ thì lại gây ra tắc mạch...
Theo SKDS