Những điều cần lưu ý khi chọn kính cận cho con
Hiện nay, nhiều trẻ em bị cận thị nhưng không được phát hiện sớm đã làm cho các em khó khăn trong cuộc sống và học tập, thậm chí sa sút học tập và dẫn đến tâm lý sợ học, ngại đến trường, giảm sự giao tiếp với bạn bè.
Hiện nay, nhiều trẻ em bị cận thị nhưng không được phát hiện sớm đã làm cho các em khó khăn trong cuộc sống và học tập, thậm chí sa sút học tập và dẫn đến tâm lý sợ học, ngại đến trường, giảm sự giao tiếp với bạn bè.
Theo Bs Trần Thu Thủy, việc chọn mua kính cho con hoàn toàn không phải việc dễ dàng. Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra bối rối trước bạt ngàn gọng kính bày la liệt ở cửa hàng. Làm thế nào để chọn được chiếc gọng vừa ý bé mà lại đủ bền?
Một kính lắp đúng với gọng vừa vặn và đẹp về thẩm mỹ sẽ vô cùng quan trọng với trẻ. Gọng kính đeo phải thoải mái và đảm bảo đúng tâm kính với tâm đồng tử. Dưới đây là những lời khuyên sau đây sẽ giúp cha mẹ tự có thể chọn cho con mình một chiếc kính đẹp, phù hợp:
Phù hợp với tuổi: Gọng kim loại thường mềm dẻo hơn và nhẹ hơn nhưng lại hay bị cong. Nếu con bạn tuổi còn rất nhỏ hoặc khá mạnh tay với đồ chơi thì nên cân nhắc chọn gọng nhựa cứng cáp.
Đối với mắt kính dày: Nếu trẻ cần đeo kính số cao và mắt kính rất dày thì cha mẹ nên chọn loại gọng nhỏ nhất để mắt kính sau khi mài không còn quá dày. Ngoài ra, mắt kính càng được mài nhỏ thì độ quang sai ở mép kính càng giảm, khiến hình ảnh ngoại vi ít bị mờ hay méo mó.
Gọng phải vừa khít với sống mũi; Giữ cho kính nằm cố định trên khuôn mặt là điều đặc biệt quan trọng với trẻ em vì khi kính bị trễ, nhiều bé sẽ chẳng buồn đẩy kính trở lại vị trí cũ mà cứ để vậy và nhìn không có kính (nhìn vượt lên mép trên của mắt kính).
Ở đa số trẻ em, mũi còn chưa phát triển hoàn chỉnh, sống mũi chưa đủ cao để ngăn gọng nhựa tụt xuống dưới. Ngày nay đa số các nhà sản xuất đã tính đến điều này và thiết kế gọng nhựa phù hợp với trẻ nhỏ. Ngoài ra, gọng kim loại cũng thường được chế tạo cùng cầu tì mũi có thể điều chỉnh, giúp kính vừa khít với mũi của trẻ và không bị tụt xuống.
Cần chọn và thử gọng trước khi lắp mắt kính. Khi đeo gọng, hãy yêu cầu trẻ lắc đầu ở nhiều vị trí khác nhau, gọng phù hợp sẽ vừa vặn, cố định trên khuôn mặt. Chú ý quan sát xem gọng có khớp với sống mũi không. Nếu có khoảng trống, dù là nhỏ, giữa cầu của gọng và sống mũi của trẻ thì không nên chọn gọng kính này vì sau khi lắp, sức nặng của mắt kính sẽ khiến kính bị trượt xuống xa hơn. Nếu bé rất thích chiếc gọng cứ bị trôi tuột xuống dưới, hãy hỏi xem có loại gọng tương tự với cầu tì mũi hay gọng cỡ nhỏ hơn không.
Gọng có chốt lò xo: Chốt lò xo làm tăng độ mềm dẻo của gọng kính, giúp phần càng doãi rộng ra phía ngoài mà không làm hỏng gọng. Điều này rất tốt đối với trẻ em vì các bé thường tháo kính vội vã hoặc chỉ dùng một tay tháo kính, khiến hai càng của gọng bị dão và hỏng. Chốt lò xo khiến giá thành tăng chút ít nhưng lại giúp tiết kiệm khoản chi để sửa gọng hay thay kính mới. Chốt lò xo cũng giúp cha mẹ dễ dàng tháo kính cho con khi bé ngủ quên.
Đối với mắt kính thủy tinh có ưu điểm không trầy và giữ được độ trong suốt lâu nhưng lại nặng hơn và dễ vỡ. Mắt kính nhựa tổng hợp nhẹ và không vỡ nhưng lại dễ trầy xước và giảm độ trong suốt sau một thời gian sử dụng. Đa số trẻ em thường quăng quật kính của mình khá mạnh tay, vì vậy nên chọn mắt kính có lớp bảo vệ chống xước. Mắt kính chống xước tuy có giá thành cao hơn nhưng lại kinh tế hơn vì giúp kéo dài tối đa thời gian sử dụng mỗi cặp mắt kính.
Khi nào cần đeo kính? Nếu cha mẹ phát hiện trẻ có những dấu hiệu của các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, lệch khúc xạ), cần đưa trẻ đi khám tại các chuyên khoa mắt. Khám mắt toàn diện sẽ giúp cho thầy thuốc nhãn khoa xác định được trẻ có cần đeo kính hay không.
Theo vnmedia.vn