Những nguy cơ hiếm gặp có thể xảy ra khi tiêm chủng
Trong thời gian qua, nhiều trẻ em đã có phản ứng sau tiêm chủng khiến cho các gia đình và cộng đồng lo lắng, không yên tâm khi đưa con em đi tiêm vắcxin, đặc biệt là đối với vắcxin Quinvaxem (5 trong 1).
Trong thời gian qua, nhiều trẻ em đã có phản ứng sau tiêm chủng khiến cho các gia đình và cộng đồng lo lắng, không yên tâm khi đưa con em đi tiêm vắcxin, đặc biệt là đối với vắcxin Quinvaxem (5 trong 1).
Trước tình trạng này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, mục tiêu của tiêm chủng để bảo vệ cá nhân và cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm phòng được bằng vắcxin. Mặc dù vắcxin là an toàn, nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ. Phản ứng sau tiêm chủng có thể sẽ xuất hiện sau khi sử dụng vắcxin. Hầu hết các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, một số trường hợp phản ứng có thể do vắcxin hoặc do sai sót trong việc bảo quản, vận chuyển, sử dụng, chỉ định và tiêm chủng vắcxin. Vắcxin thường được tiêm chủng trong thời gian đầu đời khi trẻ cũng thường mắc các bệnh truyền nhiễm và các bệnh khác, trong đó có cả những bệnh tật hay tình trạng thần kinh bẩm sinh. Do đó, có thể gặp rất nhiều sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên; trong đó có cả tử vong được cho là do vắcxin do có liên quan với thời điểm sau tiêm chủng.
Phản ứng sau tiêm chủng là bất kỳ sự kiện sức khỏe nào xảy ra sau tiêm chủng và được phân loại thành phản ứng phổ biến, nhẹ hoặc phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng. Hầu hết các phản ứng vắcxin là nhẹ và tự khỏi. Phản ứng nghiêm trọng là rất hiếm gặp. Phản ứng tại chỗ (bao gồm đau, sưng hoặc đỏ tại chỗ tiêm) có thể chiếm khoảng 10% số đối tượng đã được tiêm chủng và phản ứng hệ thống (như là sốt) cũng chiếm khoảng 10% đối tượng được tiêm chủng.
Một phản ứng sau tiêm được coi là nghiêm trọng nếu nó gây ra tử vong, đe dọa tính mạng, đòi hỏi phải nhập viện điều trị hoặc kéo dài thời gian nằm viện, làm kéo dài hoặc đáng kể tình trạng khuyết tật/tàn tật, hoặc đã phải can thiệp để ngăn chặn tổn thương vĩnh viễn. Sốc phản vệ là một sự kiện nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Hầu hết các phản ứng vắcxin nặng và hiếm gặp (động kinh, giảm tiểu cầu, hội chứng giảm trương lực, giảm phản xạ, khóc thét kéo dài) không thành bệnh mãn tính.
Biện pháp để đảm bảo an toàn tiêm chủng
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, Bộ Y tế đã tiến hành triển khai một cách quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, tránh những sai sót có thể xảy ra trong thực hành tiêm chủng như tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc; tập huấn cho cán bộ tiêm chủng; quy định số trẻ tiêm chủng không quá 50 trẻ/buổi tại mỗi điểm tiêm; thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc trước tiêm, tư vấn theo dõi sau tiêm; truyền thông về an toàn tiêm chủng, các điểm tiêm chủng tại các bệnh viện phải có tủ bảo quản vắc xin riêng cũng như bàn tiêm riêng... chỉ điểm tiêm chủng nào đạt được quy định của Bộ Y tế mới được phép tiến hành tiêm.
Có thể nói rằng việc triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem trong Tiêm chủng mở rộng thời gian vừa qua được sự quan tâm rất lớn, không chỉ của các bậc cha mẹ, cán bộ y tế mà còn của cả cộng đồng. Các gia đình có con em đi tiêm chủng đã phối hợp rất tốt với ngành y tế trong việc theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm, phát hiện kịp thời các trường hợp phản ứng dù là nhẹ và đưa trẻ đến cở sở y tế để được theo dõi, xử trí.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động sau:
- Chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ các điểm tiêm chủng trên địa bàn, khắc phục những tồn tại, chỉ những điểm tiêm chủng đủ điều kiện mới được phép tiến hành tiêm chủng. Các cơ sở chưa đạt điều kiện phải hoàn thiện đủ các điều kiện mới tiến hành tiêm chủng.
- Tăng cường giám sát hỗ trợ các điểm tiêm chủng, các đoàn của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tiếp tục tiến hành đi các địa phương để kiểm tra và hướng dẫn các địa phương triển khai tốt các hoạt động đảm bảo an toàn tiêm chủng.
- Chỉ đạo tổ chức tập huấn về khám sàng lọc và hỗ trợ các điểm tiêm chủng trong việc khám sàng lọc trước khi tiêm chủng. Hướng dẫn các bà mẹ theo dõi chăm sóc trẻ sau tiêm.
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm để đảm bảo trẻ em được tiêm chủng an toàn.
- Trong quá trình tiến hành tiêm chủng cần báo cáo kịp thời về Cục Y tế dự phòng những vấn đề cần giải quyết và Bộ Y tế cũng sẽ rút kinh nghiệm để chỉ đạo công tác tiêm chủng ngày một tốt hơn.
Theo Vnmedia