Những việc bố nên làm để bảo vệ thai nhi trong 9 tháng thai kỳ
5 việc làm dưới đây sẽ rất có lợi cho sức khỏe thai nhi nếu bố mẹ biết cách phối hợp với nhau.
5 việc làm dưới đây sẽ rất có lợi cho sức khỏe thai nhi nếu bố mẹ biết cách phối hợp với nhau.
Nấu ăn
Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng nhà máy, đường phố bụi bặm là nơi có mật độ khí độc hại lớn nhưng trên thực tế, một điều bất ngờ là chính phòng bếp trong ngôi nhà của bạn lại có mức độ ô nhiễm đáng kể. Khí ga sau khi bị đốt cháy trong quá trình nấu ăn, khói khí khi đun chiên, rán các loại thức ăn… là những tác nhân chính gây nên sự ô nhiễm này, đặc biệt là với phòng bếp không thoáng khí.
Chính vì vậy mà các bác sĩ khuyên mẹ bầu không nên ở lâu trong bếp để tránh gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng, đồng thời hạn chế thấp nhất một số “thương tích” có thể gây ra trong quá trình nấu nướng.
Hiểu được điều này, các ông bố nên đảm nhiệm vai trò nấu ăn cho cả nhà, còn mẹ bầu phối hợp lên thực đơn và sơ chế thực phẩm (nhặt, rửa rau, thái thịt…) trong thời gian mang thai.
Làm việc nhà
Một số chất hóa học có tác dụng tẩy rửa, khử trùng có trong nước cọ rửa nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp… và ngay cả trong bột giặt có thể gây hại cho mẹ bầu và thai nhi. Trong 9 tháng thai kỳ, mẹ bầu nên hạn chế tuyệt đối tiếp xúc với các chất tẩy rửa này.
Công việc vệ sinh phòng tắm, toilet, giặt quần áo tạm thời thuộc về các ông bố tương lai, còn mẹ bầu phụ trách việc một số việc như quét nhà, lau chùi đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa… là sự phân công hợp lý.
Các ông bố tương lai có thể chưa quen và cảm thấy hơi vất vả trong thời gian đầu nhưng bù lại bạn sẽ có người vợ khỏe mạnh và một em bé đáng yêu.
Sex
Ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ là thời kỳ cần kiêng sex để tránh các kích thích gây ra co thắt tử cung có thể dẫn đến vỡ ối sớm, sảy thai (trong 3 tháng đầu), sinh non. Ba tháng giữa thai kỳ là khoảng thời gian khá an toàn để bố mẹ có thể “yêu” mà không gây ảnh hưởng cho em bé trong bụng.
Tuy nhiên, cả hai vợ chồng cần tìm hiểu các tư thế hợp lý để không tạo ra lực tác động đến thai nhi, đồng thời cần sử dụng bao cao su để ngăn chặn một số chất có trong tinh dịch gây ra các cơn co thắt mạnh xâm nhập vào tử cung. Nếu sức khỏe của mẹ bầu không cho phép thì ngay cả trong thời gian an toàn này, hai vợ chồng cũng không nên gần gũi.
Tìm hiểu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh
Đây là một trong những việc thường gây được sự hứng thú lớn cho mẹ bầu. Nếu các ông bố tương lai có thể cùng nhập cuộc thì mẹ bầu chắc chắn sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc hơn. Điều này các tác động tốt tới sự phát triển tâm lý thai nhi, đồng thời tạo sợi dây gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và em bé.
Về kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh, bố mẹ bé có thể tìm hiểu qua sách, báo, Internet và kinh nghiệm của những người xung quanh. Nếu có điều kiện, bố mẹ bé nên đăng ký theo học một lớp dạy cách chăm con.
Làm quen với sự thay đổi tâm lý của mẹ bầu
Sau khi mang thai, mẹ bầu không chỉ thay đổi về thể chất mà cả về tâm lý. Mẹ bầu trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Nếu có nhiều điều không như ý trong cuộc sống, đặc biệt là về chồng, mẹ bầu rất dễ nảy sinh tâm trạng cáu kỉnh hoặc trầm cảm, gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Vì vậy, mẹ bầu cần tìm hiểu và chuẩn bị kỹ cho sự thay đổi này để tìm cách tiết chế cảm xúc, cử chỉ, hành động cũng như hạn chế thấp nhất hậu quả có thể gây ra. Cùng với đó, các ông bố tương lai cũng cần có hiểu biết nhất định về giai đoạn nhạy cảm này để có những ứng xử phù hợp, quan tâm vợ chu đáo hơn và thường xuyên có những lời khen, động viên tinh thần mẹ bầu.
Làm được như vậy, mẹ bầu sẽ dễ dàng vượt qua sự thay đổi của tâm lý hơn, đồng thời tình cảm vợ chồng càng thêm thắm thiết, rất có lợi cho sự phát triển tâm lý, tư duy của em bé trong bụng.
Theo afamily.vn