Paracetamol có thực sự an toàn?
Hiểu rõ tác dụng và nguy cơ của paracetamol sẽ giúp bạn sử dụng thuốc paracetamol đúng cách, không bị quá liều và đặc biệt là biết cách giải độc khi không may uống thuốc quá liều.
Hiểu rõ tác dụng và nguy cơ của paracetamol sẽ giúp bạn sử dụng thuốc paracetamol đúng cách, không bị quá liều và đặc biệt là biết cách giải độc khi không may uống thuốc quá liều.
Thuốc hạ nhiệt, giảm đau
Hiểu rõ tác dụng và nguy cơ của paracetamol sẽ giúp bạn sử dụng thuốc paracetamol đúng cách, không bị quá liều và đặc biệt là biết cách giải độc khi không may uống thuốc quá liều.
Theo quy định của Bộ Y tế, paracetamol là loại thuốc hạ nhiệt giảm đau thông thường mua không cần kê đơn, dùng trong các trường hợp cảm cúm, sốt nhẹ, nhức đầu hay đau người và được cho là khá an toàn. Thuốc được dùng phổ biến cho trẻ em, có thể dùng cho người mắc bệnh đau dạ dày, người sốt xuất huyết, sốt do virut. Liều tối đa đối với paracetamol: người lớn mỗi ngày không quá 4g (tương ứng 8 viên paracetamol 500mg). Liều thường dùng từ 1 đến 2 viên x 3 đến 4 lần/ngày. Liều dùng đối với trẻ em tính theo trọng lượng cơ thể của trẻ: 10mg đến 15mg paracetamol/1kg thể trọng của trẻ.
Tuy nhiên, khi dùng quá liều paracetamol có thể gây ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong. Hiểu rõ tác dụng và nguy cơ của paracetamol sẽ giúp bạn sử dụng thuốc paracetamol đúng cách, không bị quá liều và đặc biệt là biết cách giải độc khi không may uống thuốc quá liều.
Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Chống độc BV Bạch Mai, mỗi năm tại đây tiếp nhận hàng trăm trường hợp ngộ độc paracetamol.
Ngộ độc paracetamol
Paracetamol được xem là loại thuốc tương đối an toàn so với các thuốc cùng nhóm như aspirin nếu dùng đúng liều chỉ định. Tuy nhiên, paracetamol lại rất nguy hiểm là gây ngộ độc cho gan khi dùng liều cao. Khi vào cơ thể, paracetamol sẽ được hấp thu vào máu gần như hoàn toàn và chuyển hóa qua gan thành nhiều dẫn chất, trong đó có một chất rất độc. Khi dùng paracetamol liều cao hoặc khi gan bị suy yếu thì có thể dẫn đến nhiễm độc gan, đưa tới hoại tử tế bào gan.
Với phụ nữ mang thai, nếu dùng quá liều paracetamol có thể gây độc với thai nhi vì thuốc này dễ dàng truyền qua nhau thai. Việc điều trị chậm trễ tình trạng ngộ độc paracetamol có thể dẫn đến tử vong cho bào thai.
Với những người hay uống rượu, khi dùng quá liều paracetamol sẽ có nguy cơ ngộ độc cao hơn và một số nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường vì paracetamol và rượu đều cùng gây hại cho gan, phá hủy tế bào gan, làm mức độ nguy hại tăng lên nhiều lần.
Tại sao hay dẫn đến ngộ độc paracetamol?
Có hai trường hợp dễ gây quá liều paracetamol cần lưu ý:
Thứ nhất là trên thị trường có rất nhiều biệt dược dù tên gọi khác nhau nhưng chứa cùng một hoạt chất là paracetamol (ví dụ: panadol, bivinadol 325, frantamol, vinaralgin 325mg, tiphadol 500, anogin...). Nếu không cẩn thận sẽ uống cùng lúc 2 hay nhiều thuốc cùng hoạt chất.
Thứ hai là có một số thuốc khi dùng chung với paracetamol sẽ làm tăng độc tính của paracetamol (như thuốc chống lao isoniazid, hay các thuốc chống co giật như phenyltoin, barbiturat, carbamazepin…) và có thể gây ngộ độc đối với người nghiện rượu.
Ngoài ra có nhiều biệt dược không chỉ chứa mình paracetamol mà còn kết hợp với nhiều hoạt chất khác để tăng hiệu quả điều trị. Điển hình là kết hợp paracetamol với thuốc kháng histamin (như với clorpheniramin, diphenhydramin...) dùng trong trường hợp bị cảm cúm, làm giảm triệu chứng dị ứng; với thuốc co mạch chống sung huyết (như pseudoephedrin, phenyl ephedrin...) để trị sổ mũi. Những thuốc chứa 3 loại hoạt chất trên thì chúng ta phải lưu ý khi dùng cho những người tăng huyết áp vì chất co mạch chống sung huyết sẽ làm gia tăng huyết áp; hoặc với thuốc kháng histamin sẽ gây buồn ngủ, rất nguy hiểm khi người bệnh phải vận hành máy móc, tàu xe.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc paracetamol
Dấu hiệu ngộ độc cấp paracetamol ở trẻ em xuất hiện khi trẻ dùng quá liều là đau bụng, nôn mửa, mặt xanh tái, khó thở... Trong trường hợp này, phải đưa ngay trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu và trẻ sẽ được dùng acetylcystein (ACC) để giải độc.
Đối với người lớn, thường ít xảy ra ngộ độc cấp mà là bị ngộ độc trường diễn và các dấu hiệu ngộ độc cũng tương tự như ở trẻ em nhưng không rõ rệt. Khi sử dụng quá liều paracetamol ta phải dùng thuốc giải độc paracetamol có tên acetylcystein để giúp gan tự phục hồi. Nếu gan đã bị tổn thương nặng thì sẽ không thể tự hồi phục và dẫn tới suy gan, có thể tử vong.
Những lời khuyên giúp sử dụng paracetamol hợp lý, an toàn
Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
Không dùng thuốc khi không đau nhức, không sốt cao trên 38,50C. Đặc biệt lưu ý với trẻ em: chỉ dùng khi trẻ sốt trên 38,5oC, có nguy cơ co giật. Không dùng paracetamol điều trị đau nhức, cảm sốt quá 5 ngày ở trẻ em và quá 10 ngày ở người lớn trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Trong các trường hợp đau đầu, đau răng, đau khớp, đau do ngã, chấn thương... bắt buộc phải uống paracetamol thì cần lưu ý là thuốc có tác dụng sau khi uống khoảng 15 - 30 phút và tác dụng tối đa trong vòng 3 - 4 giờ. Vì vậy, phải dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4 giờ. Thuốc được chuyển hóa ở gan thành dẫn chất hòa tan trong nước và thải trừ ra ngoài qua nước tiểu, do vậy nên uống nhiều nước.
Khi dùng thuốc không được uống bia, rượu hoặc các loại thuốc khác có khả năng làm tăng độc tính của paracetamol (ví dụ như isoniazid hay các thuốc chống co giật như phenyltoin, barbiturat, carbamazepin...)
Không dùng paracetamol với những người mẫn cảm với thành phần của thuốc, người say rượu, người có bệnh tim mạch, phổi, thận, gan hoặc thiếu men G6DP.
Khi có dấu hiệu ngộ độc paracetamol cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm để giải độc đặc hiệu bằng acetylcystein (ACC).
Theo SKDS