Phòng ngộ độc rau muống bẩn
Rau muống là loại rau được nhiều người ưa thích vì dễ ăn, dễ chế biến thành nhiều món, có vị ngọt, tính mát, giải độc, sinh da thịt, nhuận tràng, lợi tiểu. Tuy nhiên, rau muống cũng có thể làm nhiễm giun sán, ký sinh trùng và ngộ độc nếu như ăn không đúng cách.
Rau muống là loại rau được nhiều người ưa thích vì dễ ăn, dễ chế biến thành nhiều món, có vị ngọt, tính mát, giải độc, sinh da thịt, nhuận tràng, lợi tiểu. Tuy nhiên, rau muống cũng có thể làm nhiễm giun sán, ký sinh trùng và ngộ độc nếu như ăn không đúng cách.
Nhiều người bị ngộ độc
Rau muống chứa nhiều vitamin và khoáng chất như chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C, threonin, valin, leucin... Đây là những axit amin cần thiết cho cơ thể, tốt cho những người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm.
Nguồn sắt dồi dào trong rau muống tốt cho những người mắc bệnh thiếu máu và phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, rau muống còn có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, hiệu quả với người bị táo bón. Nhưng cũng vì món rau này mà đã có không ít người phải nhập viện do ngộ độc, thậm chí đã có người tử vong do ăn rau muống.
Không ăn rau muống sống để phòng nhiễm sán.
Gần đây nhất, ngày 2/8/2014, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) đã tiếp nhận 2 nạn nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm do ăn rau muống là ông Võ Đức V. (47 tuổi), và vợ là bà Nguyễn Thị P. (47 tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Hai nạn nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, nhiễm độc nặng. Theo người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 1/8, sau bữa ăn có món rau muống chấm chao, 4 người trong gia đình ông V. có triệu chứng đau bụng, tiêu phân lỏng, yếu liệt các chi, suy hô hấp và hôn mê. Cả 4 người đã được chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu, nhưng do bị ngộ độc quá nặng nên cô con gái 14 tuổi đã tử vong tại bệnh viện.
Có thể nhiễm sán
Rau muống được trồng tại các, ao, hồ, sông… nguồn nước bị ô nhiễm nên rất bẩn và ô nhiễm có nguy cơ chứa rất nhiều những loại giun sán, ký sinh trùng. Trong rau muống có một loại ký sinh trùng sán lá ruột lớn là Fasciolopsis buski. Nếu ăn rau muống sống, các ký sinh trùng này sẽ vào cơ thể người, bám vào trong ruột chui qua thành ruột, chui vào trong máu và theo máu đến các bộ phận trong cơ thể… Sau một thời gian, trứng sẽ nở thành giun sán nằm ở đó và gây hại cho cơ thể. Nếu không được giải quyết kịp thời, các triệu chứng nhẹ có thể gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Để phòng nhiễm sán, tốt nhất là không ăn rau muống sống.
Ngoài ra, do rau muống dễ trồng, hợp mọi thời vụ và được nhiều người ưa chuộng nên nhiều chủ ruộng đã tham lợi nhuận mà sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, thu hoạch rau không đúng hạn đem bán ra thị trường. Người ăn phải rau muống chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao sẽ bị ngộ độc.
Cách chế biến rau muống an toàn
Rửa sạch từng ngọn rau muống. Ngâm rau muống vào nước muối loãng trước khi nấu. Tốt nhất là rửa sạch rau muống sau đó để ráo nước cho vào túi bảo quản trong tủ lạnh vài ngày thì ăn (lúc này lượng thuốc sâu sẽ bị phân hủy bớt). Ăn rau chín kỹ (không ăn rau muống luộc, nấu vẫn còn tái).
Những người bị viêm đau, nhức khớp, bệnh gout (thống phong) và các viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, tăng huyết áp không nên ăn rau muống. Những người đang điều trị các bệnh nội khoa, ngoại khoa cũng không nên ăn rau muống…
Cách chọn rau ngon
Khi chọn mua rau muống, không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường. Ngoài ra, cũng không nên chọn loại rau khi tươi bẻ thấy quá giòn, lá màu xanh sẫm, nhìn từ xa mặt trên của lá rất bóng và mướt, vì loại rau này người trồng dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá, khi luộc, nước rau luộc nóng có màu xanh nhạt, khi nước nguội biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen.
Đặc biệt, khi rửa rau muống nếu thấy nổi bong bóng quá nhiều cũng không nên dùng vì có nguy cơ rau bị nhiễm hóa chất.
Theo Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), rau muống là loại rau dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, chứa rất nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu… Việc sử dụng các loại rau có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mạn tính, giãn thể miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Theo SKDS