Ðể say nắng, say nóng không hỏi thăm
Khi lao động trong môi trường khí hậu nóng, tới một mức độ nào đó, cơ thể không thích nghi được sẽ dẫn đến rối loạn trung khu điều hoà nhiệt, gây nên các tai biến: nhức đầu, chóng mặt, khó thở, nặng nhất là say nóng - say nắng. Vậy làm thế nào để phòng tránh say nắng - say nóng?
Khi lao động trong môi trường khí hậu nóng, tới một mức độ nào đó, cơ thể không thích nghi được sẽ dẫn đến rối loạn trung khu điều hoà nhiệt, gây nên các tai biến: nhức đầu, chóng mặt, khó thở, nặng nhất là say nóng - say nắng. Vậy làm thế nào để phòng tránh say nắng - say nóng?
Biểu hiện khi bị say nắng - nóng
Say nóng - say nắng là chỉ sự khác nhau về nguyên nhân, còn cơ chế và triệu chứng say nắng và say nóng thì như nhau. Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt (do rối loạn trung khu điều hoà nhiệt của cơ thể), cơ thể lên tới 40-41oC, có trường hợp 42-43oC hoặc hơn, mạch tăng nhanh 150-170lần/phút (l/ph), tần số hô hấp tăng và khó thở. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi (khi mất mồ hôi sẽ kèm theo mất các chất điện giải, vitamin, làm tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, nồng độ clorua huyết tương giảm), hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh...
Các vị trí chườm mát cho người bị say nắng.
Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.
Làm gì để thích nghi với môi trường khí hậu nóng?
Mức thích nghi ngắn ngày với khí hậu nóng được hình thành khoảng 10-15 ngày. Mỗi ngày, nếu chúng ta rèn luyện chịu đựng lao động trong môi trường khí hậu nóng khoảng 2 giờ thì sau 2 tuần chúng ta sẽ có được sự thích nghi khá tốt và khả năng lao động cũng được đảm bảo, mồ hôi bài tiết nhiều, nhiệt độ cơ thể và tần số mạch sẽ giảm. Đặc biệt là ngưỡng ra mồ hôi sẽ hạ thấp, có nghĩa là ở nhiệt độ da 32,7oC thì người thích nghi đã ra mồ hôi và cảm thấy được, còn người chưa thích nghi nhiệt độ da lên tới 34,5oC mới nhận thấy được sự ra mồ hôi.
Các biện pháp phòng ngừa say nắng, say nóng
Những người lao động trong điều kiện nắng nóng nên mặc quần áo bảo hộ lao động may bằng vải dễ thấm nước và có hiệu suất bay hơi mồ hôi cao. Cần được uống đủ nước, ít nhất cũng phải được uống 2-3 lít nước trong ca lao động 8 giờ vào mùa nóng. Để tránh say nóng, say nắng, mọi người nếu làm việc, đi ngoài môi trường nắng gắt thì phải đội mũ, uống nhiều nước và tốt nhất là uống nước có pha muối theo công thức 4-5 gam muối ăn cho 1 lít nước hoặc nước oresol. Những người làm việc ở nơi nóng - nắng cần có hệ tim mạch tốt, những người có hệ tim mạch yếu thì không nên lao động ngoài trời hay nơi có nguồn nhiệt cao để tránh xảy ra say nóng.
Lao động ngoài trời nắng nên đội mũ nón rộng vành.
Sơ cứu người bị say nắng nóng
Trước một trường hợp say nắng - say nóng, cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu sau:
Việc đầu tiên cần làm đối với bệnh nhân say nắng, say nóng là đưa người bệnh vào nơi râm mát, thoáng gió, cởi bớt áo quần. Cho uống nước mát có pha muối (4-5g muối ăn trong 1 lít nước) hoặc uống dung dịch oresol cho đến khi hết khát. Dùng khăn dấp nước mát đắp lên người bệnh nhân, tập trung ở các vị trí như trán, gáy, ngực, nách, cánh tay, đùi. Phải dấp nước liên tục, không để khăn nóng lên. Chườm đá cũng là việc có thể làm bởi đá có thể làm nhiệt độ hạ nhanh, tuy nhiên lại làm co mạch ngoài da. Chính vì thế, nếu chườm thì phải thay đổi vị trí. Sau khi sơ cứu, nếu bệnh nhân còn tỉnh, tự uống được hoặc sau chườm lạnh thấy nhiệt độ cơ thể hạ xuống thì tiếp tục điều trị tại chỗ và theo dõi.
Nếu nạn nhân hôn mê, không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật, phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.
Theo SKDS