Sốc nhiễm trùng nguy hiểm hơn bạn nghĩ
Nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng là một nguyên nhân gây sốc nhiễm trùng, trong đó viêm gan, mật, đặc biệt chú ý là viêm đường dẫn mật
Nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng là một nguyên nhân gây sốc nhiễm trùng, trong đó viêm gan, mật, đặc biệt chú ý là viêm đường dẫn mật
Sốc nhiễm trùng là một bệnh rất nặng, không đơn giản như bạn nghĩ. Bởi vì, đó là biến chứng của bệnh nhiễm trùng, nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân
Sốc nhiễm trùng xảy ra chủ yếu do nhiễm trùng một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể, tác nhân gây bệnh là vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm, virút), trong đó có thể gặp nhiễm trùng tiết niệu do sỏi (sỏi thận, niệu quản, bàng quang) hoặc do thủ thuật thuộc đường tiết niệu (mổ lấy sỏi, tán sỏi, nong niệu đạo), nhiễm trùng các bộ phận lân cận lây lan sang hệ tiết niệu như: viêm tiền liệt tuyến (nam giới), viêm phần phụ (nữ giới).
Nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng là một nguyên nhân gây sốc nhiễm trùng, trong đó viêm gan, mật, đặc biệt chú ý là viêm đường dẫn mật, viêm túi mật do nhiễm trùng ngược dòng hoặc từ máu đi tới hoặc viêm do sỏi hoặc do giun chui ống mật. Sỏi đường mật, sỏi túi mật gây viêm đường dẫn mật, túi mật rất dễ gây các biến chứng, trong đó nhiễm trùng phúc mạc là hết sức nguy hiểm dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
Khi người bệnh bị tụt huyết áp, cần nâng huyết áp bằng cách truyền dịch và dùng thuốc
Ở nữ giới, các thủ thuật nạo phá thai, đặc biệt là nạo phá thai không đảm bảo vô trùng tuyệt đối (phá thai chui), đẻ khó cũng là những nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết gây sốc nhiễm trùng. Ngoài ra còn có thể gặp sốc nhiễm trùng gây ra bởi nhiễm trùng bệnh viện bởi các thủ thuật như: nong niệu đạo, thông đái, nong cổ tử cung, nội soi phế quản, màng bụng, đặt catheter tĩnh mạch. Nhiễm trùng ngoài da (mụn nhọt, chốc lở hoặc nhiễm trùng bỏng) hoặc các ổ áp-xe (áp-xe cơ hoành, áp-xe cơ, áp-xe phổi) là những loại nhiễm trùng rất dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Tác nhân gây sốc nhiễm trùng hay gặp nhất các loại vi khuẩn đường ruột (E.coli, liên cầu đường ruột), trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu, vi khuẩn kỵ khí. Trong đó, đáng sợ nhất là sốc bởi vi khuẩn đường ruột hoặc trực khuẩn mủ xanh hoặc tụ cầu vàng vì độc tố mạnh và đa kháng kháng sinh.
Biểu hiện của bệnh
Thường xuất hiện sau nột cơn sốt cao, rét run hoặc hạ thân nhiệt đột ngột (có trường hợp không sốt hoặc thân nhiệt giảm dưới 37oC), đồng thời có nhịp tim nhanh, thở nhanh, kích thích, giãy dụa hoặc mất định hướng, tứ chi lạnh, nổi vân đá ở da đầu gối (vằn hổ), thiểu niệu do rối loạn tuần hoàn thận. Thông thường giai đoạn đầu do tăng cường hoạt tính giải phóng histamine làm giãn mạch, da khô, nóng, đầu chi ấm (còn gọi là sốc nóng).
Sau đó các đầu chi, da lạnh do co mạch ngoại biên, móng tay, mũi, tai tím tái, trên da xuất hiện các mảng tím và chi (gọi là sốc lạnh). Nếu nặng có thể hoại tử trên da, ấn vào da màu sắc da không phục hồi ngay (do truỵ mạch ngoại biên) trước khi có mảng xám.
Triệu chứng hạ huyết áp vẫn thường thấy nhưng xuất hiện chậm hơn do ở giai đoạn đầu cơ thể còn có khả năng bù trừ (ở gia đoạn đầu của sốc, huyết áp có thể tăng, dễ làm sai lệch chẩn đoán). Đồng thời mạch nhanh (trên 90 lần/phút), nhỏ, khó bắt hoặc bị rối loạn vận mạch (mạch lúc nhanh, lúc chậm), tay chân lạnh (đầu chi, gan bàn chân, bàn tay). Người bệnh tiểu ít (có thể do sốt hoặc có thể ảnh hưởng mạch máu thận làm giảm áp lực lọc ở cầu thận) hoặc vô niệu (suy thận cấp). Có thể xuất hiện phù, bụng trướng,
Hầu hết bệnh nhân tỉnh, chỉ vật vã, lo lắng, thở nhanh. Nếu sốc nhiễm trùng phát hiện và xử trí quá muộn có thể bị hôn mê do thiếu oxy não quá lâu và tử vong.
Một số trường hợp có đau cơ dữ dội, lan tỏa, chuột rút, do thiếu oxy tổ chức (có thể nhầm với các bệnh ngoại khoa, uốn ván…). Trong trường hợp có tổn thương phổi cấp, xuất tiết màng phổi gây khó thở từ nhẹ đến nặng.
Xét nghiệm máu sẽ thấy bạch cầu tăng cao (trên 12.000/ml hoặc có thể giảm dưới 4000/ml). Số lượng bạch cầu có thể không tăng nhưng bạch cầu đa nhân và bạch cầu non tăng >10%, tiểu cầu giảm (dưới 100.000/µl). Phản ứng CPR dương tính. Tăng đường huyết, men gan (SGOP. SGPT, GGT), bilirubin (bilirubin toàn phần > 4 mg/dl hoặc 70 µmol/l), creatin tăng (> 0,5 mg /dl hoặc 44,2 µmol/l), urê máu tăng. Cấy máu có thể xác định được vi khuẩn hoặc vi nấm gây bệnh.
Nguyên tắc điều trị và dự phòng
Các biện pháp nhằm nâng huyết áp khi huyết áp tụt cần được lưu ý hàng đầu, bằng cách truyền dịch và thuốc nâng huyết áp (nếu thấy cần thiết). Điều trị chống nhiễm trùng là công việc không thể thiếu được bằng hình thức dùng kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế. Nếu sốc nhiễm trùng không rõ nguồn gốc có thể dùng Meropenem hoặc Piperacillindo; nếu có cấy máu tìm vi khuẩn thì nên dùng kháng sinh thích hợp với từng loại vi khuẩn, ví dụ, căn nguyên vi khuẩn là S.pneumoniae hoặc H.influenzae, K.pnemoniae, hoặc tụ cầu thì dùng Ceftriaxone… Sau khi có kết quả kháng sinh đồ thì nên dựa vào đó để lựa chọn kháng sinh thích hợp nhất.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để tránh mắc sốc nhiễm trùng, cần điều trị tích cực khi mắc một bệnh nhiễm trùng nào đó (hô hấp, tiêu hóa, ngoài da, áp-xe…), không chữa trị dở dang hoặc dùng thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ khám bệnh.
Theo SKDS