Sử dụng nitroglycerin trong điều trị bệnh tim mạch

    Trong điều trị bệnh lý tim mạch, nhóm thuốc nitroglycerin được sử dụng hết sức rộng rãi, đặc biệt với bệnh nhân bị bệnh thiếu máu cơ tim (cả cấp tính như nhồi máu cơ tim hay cơn đau thắt ngực không ổn định, lẫn mạn tính) và suy tim.

     Trong điều trị bệnh lý tim mạch, nhóm thuốc nitroglycerin được sử dụng hết sức rộng rãi, đặc biệt với bệnh nhân bị bệnh thiếu máu cơ tim (cả cấp tính như nhồi máu cơ tim hay cơn đau thắt ngực không ổn định, lẫn mạn tính) và suy tim.

    Thuốc có tác dụng gì?

    Khi bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch ngoại vi dẫn đến ứ đọng máu ở ngoại vi và trong các phủ tạng, giảm lượng máu lưu hành do đó giảm lượng máu trở về tim với các hậu quả là giảm áp lực dồn máu về thất, giảm áp lực và thể tích cuối thì tâm trương của thất, nói một cách khác là giảm tiền gánh.

    Nếu bệnh nhân bị giãn các tiểu động mạch sẽ dẫn đến giảm sức cản ngoại vi, giảm hậu gánh với hậu quả là giảm huyết áp động mạch nhất là huyết áp tâm thu.

    Chú ý khi sử dụng nitroglycerin

    Chú ý khi sử dụng nitroglycerin

    Như vậy, tác dụng của các thuốc nhóm này có tác dụng giảm cả tiền gánh và một phần hậu gánh. Do vậy sẽ làm giảm công của cơ tim, giảm mức tiêu thụ ôxy của cơ tim giúp cho cung và cầu về ôxy được cân bằng sẽ cắt cơn đau thắt ngực nhanh chóng và đối với bệnh nhân suy tim, thuốc giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng một cách rõ rệt.

    Đối với động mạch vành, thuốc còn có tác dụng làm giãn động mạch vành nhưng chỉ những động mạch vành vùng thượng tâm mạc và chưa bị xơ cứng; tác dụng này xuất hiện rất sớm nhưng nhanh hết. Sử dụng các nitroglycerin còn giúp phân bố lại máu trong các lớp cơ tim, tăng cường khả năng tưới máu cho lớp cơ dưới nội tâm mạc (là lớp cơ tim bị ảnh hưởng sớm nhất và nhiều nhất khi cơ tim bị thiếu máu). Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng phát triển tuần hoàn bàng hệ trong cơ tim khi được dùng lâu dài, làm mất các hiện tượng co thắt mạch vành đột ngột xảy ra một cách tự phát hay do các căn nguyên gây nên.

    Những tác dụng không mong muốn

    Khi sử dụng thuốc làm giãn mạch ngoại vi khiến da bừng đỏ nhất là ở ngực và mắt; giãn các mạch máu trong mắt dễ gây tăng tiết dịch và làm tăng nhãn áp; giãn các mạch máu trong não có thể gây tăng áp lực trong hộp sọ và gây đau đầu.

    Thuốc cũng gây hạ huyết áp khi đứng. Đặc biệt hiện tượng choáng váng, chóng mặt hay xảy ra khi dùng thuốc cho bệnh nhân có huyết áp thấp, nhất là người cao tuổi.

    Thuốc nên dùng cho trường hợp nào?

    Thuốc được chỉ định cho các trường hợp bị thiếu máu cơ tim (biểu hiện lâm sàng bằng triệu chứng đau thắt ngực), đây là chỉ định chủ yếu nhất của các thuốc nhóm này. Đối với cơn đau cấp tính, dạng thuốc ngậm hoặc xịt dưới lưỡi có tác dụng cắt cơn rất nhanh chóng. Chính vì vậy, đối với bệnh nhân bị đau thắt ngực hoặc có tiền sử đau thắt ngực, cần thường xuyên có lọ thuốc xịt dưới lưỡi (hoặc viên ngậm dưới lưỡi) sẵn sàng trong người để sử dụng ngay khi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của đau thắt ngực. Thuốc cũng được sử dụng một cách lâu dài để dự phòng cơn đau thắt ngực tái phát và thấy có kết quả trong thể cơn đau thắt ngực ổn định làm cơn đau không hoặc ít xuất hiện trở lại, cho phép bệnh nhân làm được nhưng gắng sức lớn hơn.

    Trong nhồi máu cơ tim, thuốc được sử dụng sớm ngay từ đầu bằng dạng tiêm tĩnh mạch (thường sử dụng bằng bơm tiêm điện với liều lượng đáp ứng theo mức độ huyết áp của bệnh nhân). Nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc có thể làm thu hẹp diện thiếu máu và hoại tử của tế bào cơm tim, dự phòng suy tim và các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên phải hết sức thận trọng trong sử dụng vì thuốc có thể gây hạ huyết áp và truỵ tim mạch rất nguy hiểm (do vậy cần theo dõi liên tục huyết áp và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp với từng bệnh nhân), hơn nữa, phải đánh giá chính xác khu nhồi máu cơ tim, vì với bệnh nhân có nhồi máu cơ tim thất phải, thuốc gây giảm lượng máu về thất phải do vậy giảm cung lượng tim và dẫn đến sốc tim rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

    Sử dụng thuốc như thế nào cho an toàn?

    Sử dụng thuốc tại nhà trong tình huống cấp cứu có các dạng tác dụng nhanh như viên ngậm dưới lưỡi hoặc dạng xịt.

    Nitroglycerin dạng viên 0,5- 0,75mg ngậm dưới lưỡi, bắt đầu có tác dụng sau 0,5-2 phút, kéo dài tới 30 phút. Nitroglycerin là loại thuốc được dùng khá phổ biến trong cấp cứu, có thể dùng nhiều lần trong ngày nếu không thấy có tác dụng phụ phiền phức.

    Nitroglycerin dạng phun bao gồm các biệt dược như natispray, lenitral spray, nitroglycerin spray mỗi lần phun đưa được 0,4mg thuốc vào miệng. Dùng xịt dưới lưỡi, liều sử dụng cũng tương tự như dạng ngậm. Có thể dùng nhiều lần trong ngày.

    Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc cấp cứu tại nhà để bệnh nhân qua cơn nguy hiểm, cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện, nơi có chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt để có những chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc đúng, nhằm tránh những tai biến khác có thể xảy ra.

    Ngoài ra còn các dạng bào chế viên nang uống có tác dụng chậm, kéo dài hoặc các dạng dán vào da vùng ngực trái. Thuốc dưới dạng tiêm như lenitral phải được sử dụng tại bệnh viện, nơi có nhân viên y tế thực hiện và theo dõi diễn biến bệnh tình của bệnh nhân. Cần theo dõi huyết áp của bệnh nhân để điều chỉnh liều lượng thích hợp. Không được dùng nếu nghi ngờ hoặc xác định có nhồi máu cơ tim thất phải.

    Khi dùng thuốc nhóm này, không được uống rượu vì rượu làm tăng tác dụng của thuốc.

    Với người già, người có thể trạng huyết áp thấp cần lưu ý đặc biệt vì thuốc gây hạ huyết áp và có thể gây tụt huyết áp tư thế đứng dẫn đến các triệu chứng của thiếu máu não.

    Không dùng dạng phóng thích chậm để ngậm dưới lưỡi vì tác dụng xuất hiện chậm (nhiều người nhầm lẫn sử dụng dạng chậm để ngậm dưới lưỡi khi xuất hiện cơn đau thắt ngực).

    Ngoài các chống chỉ định chung như dị ứng hay quá mẫn với thuốc, các trường hợp bệnh nhân không được dùng thuốc này là: huyết áp tâm thu <100 mmHg; tăng nhãn áp.

    Theo SKDS