Sự nguy hiểm của virut Ebola

     Dịch Ebola xuất hiện trở lại ở Tây Phi từ tháng 3/2014 và đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia lo ngại.

     Dịch Ebola xuất hiện trở lại ở Tây Phi từ tháng 3/2014 và đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia lo ngại.

    Dịch Ebola xuất hiện trở lại ở Tây Phi từ tháng 3/2014 và đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đến nay đã có hơn 1.300 ca mắc và 887 trường hợp tử vong.  Hiện chưa có vaccin phòng bệnh do virut Ebola nên việc nâng cao nhận thức và phòng tránh là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong.

    Chỉ 4 tháng trôi qua kể từ ca mắc bệnh đầu tiên do virut Ebola (tháng 12/2013 tới 31/7/2014) virut này đã lan tới 4 nước Tây Phi, bao gồm: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria, với số người nhiễm bệnh lên đến hơn 1.300 người và số người tử vong là 887 người. Bệnh do virut Ebola hay còn được biết đến như bệnh sốt xuất huyết do virut Ebola được phát hiện lần đầu tiên tại Sudan và Cộng hòa Congo vào năm 1976. Đây là một trong những chủng virut nguy hiểm nhất thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo tỷ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%.

    Vì sao mắc bệnh?

    Lâu nay chúng ta thường biết đến bệnh sốt xuất huyết do virut Dengue gây nên, nhưng hiện nay ở tận bên kia trái đất, một số nước ở châu Phi đang mắc căn bệnh sốt xuất huyết Ebola cực kỳ nguy hiểm. Đây là một bệnh hết sức trầm trọng, nan giải vì chưa có thuốc đặc trị, cũng chưa có vaccin phòng bệnh, trong khi đó tỷ lệ tử vong rất cao mà căn nguyên gây bệnh là do virut Ebola.


    Hình ảnh virut Ebola qua kính hiển vi.

    Virut Ebola có 4 týp huyết thanh phân lập được ở 4 nước khác nhau nên được đặt tên cho các týp huyết thanh đó là Ebola-Zair, Ebola-Sudan, Ebola-Bờ biển Ngà và Ebola-Reston). Virut Ebola có sức đề kháng khá tốt, chúng có khả năng tồn tại một thời gian khá lâu ở nhiệt độ phòng nhưng có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60oC trong 30 phút. Vật chủ mang mầm bệnh gây chết người này trong môi trường tự nhiên là loài động vật có vú, đặc biệt là loài linh trưởng (khỉ), người bị bệnh sốt xuất huyết Ebola. Virut lây thông qua tiếp xúc với máu, chất tiết, bộ phận cơ thể hoặc dịch thể khác của người, động vật bị nhiễm bệnh. Hiện nay bệnh chưa có vaccin dự phòng.

    Triệu chứng điển hình

    Thời kỳ nung bệnh (khoảng từ 2 - 21 ngày) thì sốt cao đột ngột, đau đầu, đau các khớp xương, đau cơ, mệt mỏi. Tiếp đến những ngày sau đó là xuất hiện hội chứng nhiễm độc nặng như thân nhiệt tăng cao đến 40oC, tiêu chảy nặng, rối loạn tâm thần. Kèm theo là biểu hiện của xuất huyết dưới da và niêm mạc (ban đỏ, mắt đỏ). Có thể xuất hiện nổi ban ở vòm họng, amiđan, sưng hạch cổ. Các ban xuất huyết thường mọc từ cổ, mặt, rồi lan xuống thân mình và các chi. Nặng hơn sẽ có xuất huyết nội tạng như chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu thận, âm đạo (nữ giới) và có thể tử vong vào ngày thứ 8 - 16. Nếu qua khỏi thì sang tuần thứ 2 của bệnh, thân nhiệt sẽ giảm dần và một số triệu chứng khác vẫn tồn tại như gan, lách to, phù mặt, nguy hiểm hơn là có thể bị viêm cơ tim, viêm tụy tạng.

    Thời kỳ hồi phục là sau 3 - 4 tuần, người bệnh hồi phục nhưng có thể để lại di chứng như rụng tóc, rối loạn tâm thần.

    Sở dĩ có dịch bệnh sốt xuất huyết Ebola là do người đầu tiên mắc bệnh bởi tiếp xúc với động vật hoặc thịt, sản phẩm từ thịt bị nhiễm virut Ebola mà chưa nấu chín, sau đó virut lây sang người lành khác thông qua sự tiếp xúc với máu, dịch tiết của cơ thể (mồ hôi, nước bọt, đờm...) và những người tiếp xúc với các dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng cá nhân của người bệnh, hoặc dùng bơm kim tiêm đã được sử dụng cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết Ebola xảy ra có thể do các dụng cụ y tế không đảm bảo vô khuẩn và xử lý chất thải bệnh viện không tốt làm cho mầm bệnh lây lan ra cộng đồng, tạo nên các vụ dịch.

    Phòng bệnh sốt xuất huyết Ebola như thế nào?

    Nhiều người mong muốn biết biện pháp dự phòng nếu đi đến các nước đang có dịch bệnh này.

    Vấn đề phòng bệnh sốt xuất huyết Ebola hiện tại còn gặp nhiều khó khăn do vaccin đặc hiệu và thuốc điều trị chưa có. Thêm vào đó vật chủ mang mầm bệnh trong tự nhiên là loài động vật có vú nên rất khó khăn để loại trừ mầm bệnh tồn tại ở chúng. Vì vậy, ở những nước đã và đang có dịch sốt xuất huyết Ebola thì cần phát hiện và chẩn đoán sớm để cách ly người bệnh càng nhanh càng tốt. Để phòng bệnh, mọi người dân cần thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn trước khi ăn, sau khi tiếp xúc hoặc chế biến thực phẩm. Cần tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, chất thải của người, động vật nhiễm bệnh (không cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó). Nếu phải tiếp xúc với người bệnh thì cần thực hiện nghiêm ngặt: mặc áo choàng, đeo khẩu trang, đội mũ, đi găng vô khuẩn. Các dụng cụ y tế dùng trong khám, chữa bệnh cho bệnh nhân cần khử khuẩn một cách hệ thống, đảm bảo tuyệt đối vô trùng. Trong trường hợp đặc biệt thì các nhân viên y tế đã và đang tiếp xúc với người bệnh sốt xuất huyết Ebola cũng phải được cách ly không được tiếp xúc với người lành để tránh lây lan mầm bệnh ra cộng đồng. Nếu các bạn đi du lịch ở nước có dịch mà xuất hiện sốt, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau bụng, phát ban, đỏ mắt, cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời. Sau khi về nước, cần báo cho y tế cơ sở nơi đang sinh sống biết để được tư vấn, theo dõi bệnh.

    Theo SKDS