Sức khỏe tuổi 50 và những sự suy giảm đáng chú ý

    Tuổi 50 vẫn còn có nhiều việc phải làm, nhiều vai trò phải giữ vững, điều này làm nên ý nghĩa cuộc sống nhưng cũng đòi hỏi họ phải có đủ sức khỏe.

    Nhưng, nhiều người ở lứa tuổi 50 chưa thực sự nghĩ về sức khỏe bản thân, bởi họ cho rằng đây vẫn là tuổi cường tráng. Thực tế là mọi biến đổi trong nội tại cơ thể ở lứa tuổi này bắt đầu theo biểu đồ đi xuống, nghĩa là quá trình lão hóa bắt đầu tăng tốc. Để làm chậm quá trình lão hóa, cần chú trọng chế độ dinh dưỡng hợp lý.

    Cơ thể con người của cả nam lẫn nữ đến năm 25 tuổi phát triển gần như hoàn chỉnh. Trong khoảng 20 năm tiếp theo, sự lão hóa đã bắt đầu diễn ra nhưng chậm, không đáng kể. Đến cột mốc tuổi 50, cơ thể bắt đầu có sự thoái hóa rõ rệt, thể hiện ở các cơ quan: da, tóc, xương khớp, cơ… cùng sự suy thoái của hệ nội tiết sinh dục với hoóc môn testosterone ở nam và oestrogen ở nữ.

    Những thay đổi không mong muốn

    Giảm khối cơ và sức cơ: từ sau 40 tuổi, cơ thể sẽ giảm 1% khối cơ mỗi năm. Nguyên nhân là tăng dị hóa protein, giảm đồng hóa protein từ đó dẫn đến tình trạng giảm khối cơ. Lúc đầu chỉ giảm khối cơ, kế đến là giảm cả khối cơ và sức cơ, nặng thì giảm luôn cả khả năng hoạt động. Suy giảm khối lượng cơ dẫn đến điều dễ nhận thấy, ở cả nam lẫn nữ là hiện tượng nhão sệ bắt đầu bộc lộ, cơ bắp giảm thay vào đó là lượng mỡ thừa tăng lên.

    Tăng khối mỡ: từ sau tuổi 35, trung bình cơ thể tích lũy khoảng 0,7kg chất béo mỗi năm. Chất béo tăng - hệ cơ giảm sút, khoảng 200g khối cơ/ năm. Cơ là dạng mô rất năng động, 500g cơ có thể tiêu hao 35 calo/ngày chỉ với nhiệm vụ giúp cơ thể tồn tại. Chất béo là “trọng lượng chết” vì 500g chất béo chỉ tiêu hao có 2 calo/ngày. Điều này lý giải vì sao người lớn tuổi có khuynh hướng thừa cân, béo phì.

    Giảm khối xương: khi còn trẻ, tốc độ tạo xương lớn hơn tốc độ huy động chất khoáng từ xương. Sự tạo xương thường đạt tới đỉnh điểm ở khoảng 30 tuổi. Sau thời kỳ này quá trình phân hủy cấu trúc xương cũ diễn ra mạnh hơn quá trình tạo mô xương mới làm mất dần cấu trúc xương. Mỗi năm giảm từ 0,5% - 2% xương xốp và 1% xương chắc.

    Giảm trí nhớ: số lượng tế bào não trung bình của mỗi người là khoảng 100 tỉ nơron và bắt đầu giảm đi từ tuổi 20. Khi 50 tuổi, mỗi ngày có khoảng 10.000 nơron lão hóa dẫn đến hội chứng suy giảm trí nhớ... Trong các tế bào não có loại tế bào thần kinh có tên là Purkinje là cấu trúc cơ bản của tiểu não bị thoái triển theo thời gian, đến tuổi già sẽ xuất hiện run, động tác kém chính xác thường xuất hiện cùng lúc với sự suy giảm trí nhớ.

    Theo PGS. TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM), ở người tuổi 50 trở lên, mạch máu não cũng có nhiều thay đổi và xơ mỡ động mạch gây ra những biểu hiện thiếu máu đến nuôi não cũng góp phần làm tiến triển nhanh hơn sự suy giảm trí nhớ. Lưu lượng máu qua não bình thường khoảng 750 - 1.000ml/phút, tức là khoảng 50 - 52ml/100g não/phút; khi dưới 30ml/phút sẽ bị thiếu máu não cục bộ.

    Hệ tiêu hóa kém dần: tương tự như các cơ quan khác, hệ tiêu hóa của người từ sau 50 tuổi cũng suy giảm nhưng khó nhận biết hơn. Bác sĩ CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư (Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) cho biết, từ sau 50 tuổi bắt đầu xuất hiện tình trạng giảm vị giác nên ăn kém ngon. Cơ quan tiêu hóa cũng hoạt động kém đi: sức nhai giảm, dịch vị giảm và lượng men tiêu hóa cũng giảm dẫn đến kém hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn. Nhu động của ruột giảm dễ gây táo bón.

    Làm gì để khắc phục?

    Điều đầu tiên các thầy thuốc khuyên người ở lứa tuổi này: tiếp tục sống lạc quan yêu đời, chấp nhận quy luật của tuổi tác. Đây là quãng thời gian có thể thực hiện những chuyến du lịch dài ngày, thư giãn bên con cháu, hoặc tham gia các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, yoga…

    Tuy về mặt sinh lý, sự lão hóa là điều tất yếu, nhưng ở khía cạnh khác, chúng ta vẫn có thể tác động để duy trì sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa và hạn chế bệnh tật nguy hiểm khi về già, đó chính là chăm sóc sức khỏe chủ động, hướng đến phòng ngừa hơn điều trị.

    - Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: huyết áp, xét nghiệm cholesterol, triglyceride và đường máu, đo tỉ trọng xương, chụp tuyến vú ở nữ, xét nghiệm TSH trong máu (hoóc - môn kích thích bài tiết hoóc - môn giáp trạng)… để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị trong giai đoạn sớm.

    - Rèn luyện thể lực với các hoạt động phù hợp như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp, yoga…

    - Sống lành mạnh: luôn giữ trạng thái vui vẻ lạc quan, không rượu bia, thuốc lá.

    - Chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng hằng ngày với nguyên tắc đầy đủ và cân đối, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch.

    Bằng sự chăm sóc sức khỏe từ sớm bao gồm chế độ ăn uống có lợi cho sức khoẻ, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc sẽ giúp chúng ta làm giảm tác động của quá trình lão hóa lên cuộc sống.

    Vẫn tiếp tục sống lạc quan yêu đời, chấp nhận quy luật của tuổi tác

    Nếu bạn gặp 1 trong những dấu hiệu sau có thể bạn đang bị suy giảm sức khỏe:

    - Hay cảm giác mệt mỏi trong người.

    - Giảm sức nắm.

    - Giảm các hoạt động thể lực, giảm tốc độ đi bộ.

    - Cảm giác khó thở khi .gắng sức: leo cầu thang, lên dốc, khiêng vật nặng.

    - Ăn uống khó tiêu,

    chán ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa.

    - Đau nhức các vùng cơ xương khớp, đau lưng.

    - Thỉnh thoảng có những cơn đau thắt vùng ngực.

    - Nhức đầu, chóng mặt, trí nhớ suy giảm.

    - Hay bị cảm lạnh, ho khi thay đổi thời tiết.

    - Sụt cân không chủ ý.

    Theo SKDS