Thời tiết chuyển mùa: cẩn trọng với bệnh hô hấp
Thời tiết giao mùa từ thu sang đông khiến người lớn và trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh hô hấp.
Thời tiết giao mùa từ thu sang đông khiến người lớn và trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh hô hấp.
Trẻ con, người lớn nhập viện vì chuyển mùa
Tại khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, chị Đức Hạnh (Bà Triệu, Hà Nội) đưa con trai 2 tuổi tới khám. Chị tâm sự: “Thời tiết mấy ngày hôm nay nóng lạnh thất thường, tối đêm đến rạng sáng lạnh nhưng trưa lại rất nóng. Hai hôm nay, thấy bé Bi có nhiều nước mũi, ho có nhiều đờm, sáng lại sốt 38 – 39 độ, kèm tiêu chảy nên để yên tâm, mình cứ cho cháu đi khám. May tới khám kịp, bác sĩ bảo chỉ chậm chút nữa là Bi bị viêm phổi”.
Chị Phan Hằng (Tây Sơn, Hà Nội) cho con đến bệnh viện trong tình trạng ho nhiều, không ăn được gì, cứ ăn vào là nôn nao, khó chịu, đi ngoài. Bé Mít nhà chị vừa tròn 3 tuổi, gửi nhà trẻ được 2 tuần mà bé đã ốm. Nghĩ con bị cảm thông thường chị cho con uống thuốc nhưng 2 hôm không đỡ thậm chí con còn có dấu hiệu nặng lên, ngực thở phập phồng. Lo lắng, tới ngày thứ 3 con sốt, chị mới đưa con tới viện. Vào viện chị tá hỏa khi con bị viêm phổi cấp.
Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng dễ nhiễm bệnh. Tại bệnh viện Lão Khoa Trung Ương, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Anh – Trưởng khoa khám bệnh cho biết, tiết trời chuyển mùa cũng khiến người lớn, người già nhập viện nhiều. Chị Mai Trang 45 tuổi vào viện trong tình trạng đột quỵ. Nguyên nhân được biết là do buổi sáng chị thường dậy sớm và tập thể dục ngoài trời lạnh.
Phòng tránh bệnh hô hấp lúc chuyển mùa
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Trưởng Khoa khám, bệnh viện Lão khoa Quốc gia cho biết, thời tiết chuyển mùa là thời điểm nhiều bệnh nhân bị các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, đột quỵ... tăng lên.
Đặc biệt, thời điểm này rất nguy hiểm đối với những đối tượng có tiền sử tăng huyết áp, viêm phổi, hen phế quản… Thời tiết này khô khiến hốc miệng, mũi dễ bị khô, dịch nhầy vón cục, gây khó chịu, cảm giác đau, dễ chảy máu cam, viêm mũi cấp và mãn tính.
Các bệnh nhân khi gặp những dấu hiệu lạ về sức khỏe, không nên tự bắt mạch kê đơn mà cần đến bác sĩ thăm khám và chỉ định thuốc hợp lý và kịp thời. Mọi người đặc biệt là người cao tuổi cần lưu ý tránh mặc phong phanh ra đường vào sáng sớm, tối muộn. Trước khi ra đường, cần trang bị đủ các đồ dùng cá nhân để giữ ấm như khẩu trang, áo có cổ, áo khoác.
Bạn chú ý bổ sung những đồ ăn giàu vitamin, dinh dưỡng (thịt, cá, trứng, rau xanh) trong các bữa ăn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng. Người lớn tuổi tránh đi ra ngoài hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt ngoài trời đột ngột, thêm vào đó bạn cần tạo cho mình thói quen nghỉ ngơi có giờ giấc, ngủ đủ.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây số bệnh nhi vào viện tăng đáng kể so với những thời điểm khác. Bác sĩ khuyên, thời tiết này rất dễ khiến thức ăn lên men, hỏng nhanh vì vậy ngoài bị bệnh về hô hấp, cũng kéo theo trẻ bị bệnh tiêu hóa cũng khá nhiều. Cha mẹ cần lưu ý không nấu thức ăn đi nấu thức ăn lại, bảo quản đồ ăn nơi thoáng, sạch, đun chín uống sôi không đun thức ăn bằng lò vi sóng vì dụng cụ này không khiến vi khuẩn bị tiêu diệt.
Trẻ mắc bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ hội học hỏi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của cha mẹ do phải dành nhiều thời gian, tâm trí để chăm sóc con nhiễm bệnh. Những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm nhiễm đường hô hấp là ho có thể kèm theo sổ mũi, hắt hơi, sốt,... Thậm chí, bé có thể bị khó thở, thở khò khè...
Ra đường nên cho trẻ đeo khẩu trang, mặc áo đủ ấm. Thời tiết này, nhiều người đặc biệt là trẻ nhỏ bị nhiệt với triệu chứng người nóng, miệng khô, loét miệng dẫn tới quấy khóc, chán ăn.
Cha mẹ cần khuyến khích con giữ gìn tay chân, răng miệng thường xuyên tránh nhiễm virus, tránh nhiễm cúm. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc. Nếu trẻ sốt cao cần hạ sốt đúng cách, cặp nhiệt độ theo dõi thường xuyên. Không để trẻ đặc biệt là trẻ sơ sinh bị ốm sốt kéo dài. Không cho trẻ đi chơi dưới trời lạnh hoặc đi quá khuya; tắm trẻ bằng nước ấm.
Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý tăng cường miễn dịch tự nhiên cho trẻ thông qua dinh dưỡng. Cha mẹ cần bổ sung cho con một số chất quen thuộc như sắt, kẽm, DHA, omega 3,… trong bánh mì, một số loại nấm, hạt ngũ cốc… Trẻ đang bệnh thường khó ăn và dễ bị nôn ói, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa và chia nhiều bữa trong ngày, nhưng vẫn phải đảm bảo năng lượng đủ.
Một điểm nữa, sai lầm của cha mẹ là cứ khi nào thấy con ho, cha mẹ thường cho con uống siro ho để trị dứt con ho. Họ không biết rằng ho là một phản ứng có lợi, giúp tống đẩy toàn bộ đờm nhớt trong cổ họng của bé. Khi dùng siro đồng nghĩa với việc ức chế phản ứng có lợi này khiến đờm ứ trong họng, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Theo afamily.vn