Thuốc điều trị bệnh viêm kết mạc

      Bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) thường bùng phát vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa.

      Bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) thường bùng phát vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa.

    Thời gian qua tại Hà Nội, bệnh viêm kết mạc lây lan rất nhanh trong gia đình, trường học, công sở... với nguy cơ trở thành “dịch bệnh đau mắt đỏ”.

    Tìm hiểu bệnh viêm kết mạc

    Bệnh viêm kết mạc (VKM) thường gây ra cảm giác khó chịu ở mắt và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.

    Bệnh viêm kết mạc là một bệnh thông thường hay gặp ở nước ta, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như: loét giác mạc...

    Nguyên nhân:

    Bệnh viêm kết mạc thường được gây ra bởi các nguyên nhân sau:

    Do nhiễm khuẩn bởi các loại vi khuẩn trong điều kiện vệ sinh kém.

    Do nhiễm virút với các chủng virút: Adenovirus, Enterovirus.

    Do dị ứng với phấn hoa, bụi, phấn trang điểm…

    Do kích ứng với các hóa chất như: chất chlorine trong hồ bơi, khói thuốc lá, dầu gội đầu…

    Bệnh viêm kết mạc do nhiễm khuẩn và nhiễm virút thường lây lan rất nhanh từ người này sang người khác.

    Triệu chứng:

    Bệnh viêm kết mạc thường có các triệu chứng sau:

    Kết mạc đỏ (kết mạc là màng niêm mạc bao phủ phía trước của mắt và phía bên trong của mi mắt).

    Xuất hiện ghèn dính chặt hai mi mắt lại với nhau sau khi ngủ dậy.

    Tăng sự nhạy cảm với ánh sáng.

    Chảy nước mắt nhiều.

    Ngứa mắt, xốn mắt.

    Mắt mờ…

    Thuốc điều trị

    Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh viêm kết mạc bao gồm những loại thuốc viên, thuốc nhỏ mắt, thuốc tiêm... Tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc, các thầy thuốc sẽ chọn lựa loại thuốc thích hợp để điều trị. Người bị bệnh viêm kết mạc cần phải tuận theo chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc, tránh việc tự ý sử dụng vì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến mắt!

    Thuốc kháng sinh: thường được sử dụng để điều trị viêm kết mạc do nhiễm khuẩn. Trong thành phần của thuốc là các kháng sinh phổ rộng như: cloramphenicol, neomycin, tobramycin, offloxacin, sulfocetamid, polymycin B…

    Cần lưu ý: với loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh không được sử dụng với thời gian quá một tuần.

    Thuốc kháng viêm: thường được sử dụng để làm giảm bớt triệu chứng sưng, đỏ ở mắt do viêm kết mạc. Trong thành phần của thuốc là các corticosteroid như: Dexamethason, fluoromethason, prednisolon... hay chất kháng viêm non-steroid (NSAID) như: Diclophenac, Indomethacin…

    Cần lưu ý: khi sử dụng trong một thời gian dài, với thuốc kháng viêm ở dạng viên sẽ gây ra các tác dụng phụ như viêm loét dạ dày - tá tràng, cao huyết áp… Với thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp...

    Thuốc kháng histamin H1: thường được sử dụng để điều trị viêm kết mạc do dị ứng. Trong thành phần của thuốc là các kháng histamin H1: chlorpheniramin, antazoline, diphenhydramin...

    Cần thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc kháng histamine H1 với người bị tăng nhãn áp hay viêm tiền liệt tuyến.

    Thuốc nhỏ mắt kháng kích ứng: thuốc nhỏ mắt mà thành phần là các chất bôi trơn và nước mắt nhân tạo: Glycerin, Polyvidon, Polyvinyl alcohol... giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt hay chất co mạch cục bộ: naphazoline,tetrahydrozoline có tác dụng chống sung huyết mắt do kích ứng

    Thuốc nhỏ mắt kết hợp: trong thành phần là sự kết hợp hai hay nhiều nhóm thuốc với nhau như kháng sinh, kháng viêm corticosteroid… giúp tăng hiệu quả điều trị.

    Đối với bệnh viêm kết mạc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh: tránh tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, không dùng chung khăn mặt, không sử dụng nước rửa mặt không đảm bảo vệ sinh, không chạm tay bẩn lên mắt, mang kính để bảo vệ mắt... là hết sức quan trọng giúp bảo vệ mắt khỏi bị bệnh viêm kết mạc.

    Theo SKDS