Thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn

    Đau thần kinh liên sườn là hội chứng bệnh lý hay gặp. Đau thần kinh liên sườn do nhiều nguyên nhân gây nên, cũng có khi không tìm thấy nguyên nhân gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.

     Đau thần kinh liên sườn là hội chứng bệnh lý hay gặp. Đau thần kinh liên sườn do nhiều nguyên nhân gây nên, cũng có khi không tìm thấy nguyên nhân gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.

    Nguyên nhân và triệu chứng

    Nguyên nhân gây bệnh thường là do các bệnh lý ở cột sống, tủy sống hay một số bệnh toàn thân khác như đái tháo đường, nhiễm độc hoặc tổn thương tại dây thần kinh liên sườn.

    Đau dây thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn (cúm, lao, thấp khớp), các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan) hay tổn thương ở đốt sống lưng (lao, ung thư nguyên phát hay di căn, thoái hóa, u tủy). Nhiều trường hợp bệnh nhân đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác đau tăng khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế. Nhiều trường hợp đau do zona liên sườn (virut tấn công vào dây thần kinh). Biểu hiện ban đầu là đau, sau đó phát ban đỏ, mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Cuối cùng xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức. Bệnh nhân cần chú ý không để vỡ mụn nước vì sẽ làm dải ban đỏ - mụn nước lan rộng, gây chèn ép nhiều nơi.

    Đau dây thần kinh liên sườn thường do các bệnh lý ở cột sống, tủy sống.

    Điều trị

    Trước hết cần điều trị các bệnh toàn thân là nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn.

    Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát

    Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, diclofenac... Các thuốc này có ưu điểm là rẻ tiền, dễ mua nhưng hiệu quả kém, có hại cho gan và có thể gây viêm loét đường tiêu hóa. Cần thận trọng dùng paracetamol cho người có tiền sử bệnh lý gan, nghiện rượu... Diclofenac không dùng cho người có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng. Thuốc uống sau bữa ăn, chia làm 2- 3 lần trong ngày.

    Thuốc điều trị đau thần kinh: nhóm gabapentin. Bản chất là các thuốc chống co giật, nhưng được phát hiện có tác dụng giảm đau trong các trường hợp có tổn thương dây, rễ thần kinh. Vì có tác dụng lên thần kinh trung ương nên trong một số trường hợp bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng sau uống thuốc. Thường dùng liều nhỏ, tăng dần tới khi có tác dụng, nên uống thuốc trước khi đi ngủ hoặc nghỉ trưa, có thể dùng kéo dài vài tháng.

    Thuốc giãn cơ vân: myonal, mydocalm... chỉ dùng cho các trường hợp đau nhiều, cảm giác co rút vùng sườn tổn thương. Nên dùng liều thấp, sau bữa ăn, thận trọng cho người có bệnh lý dạ dày - tá tràng, trẻ em và người già (do hệ thống cơ vân yếu). Không dùng cho bệnh nhân có bệnh nhược cơ.

    Uống vitamin nhóm B (B1, B6, B12) là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin. Tuy nhiên cũng nên dùng theo chỉ định của thầy thuốc, không nên coi nó là thuốc bổ mà lạm dụng.

    Ngoài ra, có thể dùng phương pháp phong bế cạnh sống, tuy nhiên, thực hiện phương pháp này phải do bác sĩ chuyên khoa.

    Điều trị đau thần kinh liên sườn do zona

    Ở giai đoạn cấp, có thể bôi tại chỗ hồ nước, xanh methylen. Không được sử dụng các thuốc mỡ bôi lên vùng tổn thương. Dùng thuốc kháng virut acyclovir, không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Ngoài ra có thể dùng thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin, thuốc kháng histamin (có tác dụng giảm phù nề tại vùng tổn thương). Tuy nhiên cũng có tác dụng an thần nhẹ, nên chỉ dùng vào buổi trưa và tối, thận trọng dùng đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Bên cạnh đó có thể bổ sung vitamin nhóm B: B1, B6, B12.

    Thuốc an thần được dùng khi đau nhiều gây mất ngủ, thường dùng các thuốc an thần nhẹ như rotunda, rotundin...

    Giai đoạn di chứng có thể dùng thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin, bổ sung vitamin nhóm B: B1, B6, B12 và dùng thuốc an thần khi bị đau nhiều.

     

    Việc chẩn đoán và điều trị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát không quá khó nhưng để tìm ra nguyên nhân gây đau thứ phát phải cần được khám bệnh tại các cơ sở chuyên khoa để loại trừ các nguyên nhân thực thể về cột sống, tủy sống và các bệnh lý khác.

    Theo SKDS