Thuốc dự phòng hen phế quản ở trẻ em
Theo thống kê dịch tễ học ở Việt Nam, năm 2011 có 3,2% trẻ em bị mắc hen.
Theo thống kê dịch tễ học ở Việt Nam, năm 2011 có 3,2% trẻ em bị mắc hen. Ở những trẻ này, sau khi đã được chẩn đoán chắc chắn và điều trị đợt cấp sẽ được dùng các thuốc để dự phòng gồm 3 nhóm sau: ICS (inhaled corticosteroid), LTRAs (Leucotrien Receptor Antagonists) và Cromones.
ICS
Là các thuốc steroid dạng khí dung như pulmicort, flixotide, seretid gồm ICS kết hợp với LABA (thuốc giãn phế quản tác dụng dài) có tác dụng kép.
ICS giúp cho việc duy trì kiểm soát cơn hen: Sử dụng ICS làm giảm tỉ lệ tử vong do hen, giảm tỉ lệ nhập viện, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân hen.
Dùng ICS sớm ở người hen dai dẳng có chức năng phổi giảm sẽ giúp cải thiện chức năng phổi, phòng ngừa sự tắc nghẽn đường thở không hồi phục.
Cần hướng dẫn cho trẻ đúng kỹ thuật hít thuốc.
Thuốc có hiệu quả rõ rệt trên nhóm trẻ bị hen dị ứng.
Khi sử dụng ICS cần lưu ý một số điểm sau:
ICS có tác dụng phụ, có nghiên cứu cho biết dùng ICS dài ngày ở bệnh nhân giãn phế quản mạn tính có thể gia tăng nguy cơ bị viêm phổi. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng ICS, chỉ dùng theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
Trẻ phải có dụng cụ hoặc kỹ thuật hít phải đúng.
Liều ICS hàng ngày phải phù hợp với lâm sàng và chức năng hô hấp của bệnh nhân.
Điều quan trọng là phải cân bằng giữa hiệu quả của thuốc và tác dụng phụ do thuốc gây ra. Việc này do các bác sĩ chuyên khoa quyết định, người bệnh không được tự ý thay đổi thuốc và liều dùng thuốc cũng như cần tuân thủ đúng, chính xác các kỹ thuật dùng bình xịt.
LTRAs
Là các thuốc đối kháng leucotrienes như montelukast. Nhóm này có thể dùng an toàn cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Thuốc đã được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép dùng cho trẻ nhỏ. Montelukast được cơ thể hấp thu nhanh, thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là 3 - 4 giờ.
Thuốc thường được chỉ định trong phòng các triệu chứng ban ngày, ban đêm của hen phế quản thể nhẹ; Phòng ngừa co thắt phế quản khi gắng sức; Giảm tình trạng khò khè ở trẻ bị hen phế quản do virut.
Thuốc thường được kết hợp với các thuốc steroid dạng khí dung ICS khi các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài LABA không dung nạp tốt hoặc không kiểm soát được cơn hen ở trẻ.
Ưu điểm của nhóm thuốc này là dùng đường uống 1 lần/1ngày, phòng được cơn hen khi gắng sức, ít tác dụng phụ, có tác dụng cả trên hen phế quản và viêm mũi dị ứng.
Cromones
Nhóm này có các loại thuốc như sodium cromoglycat, nedocromil sodium... Các thuốc làm ổn định tế bào mast, do đó ngăn cản giải phóng các chất trung gian hóa học gây co thắt phế quản, có tác dụng ngăn ngừa cơn hen sau, không có tác dụng cắt cơn hen cấp.
Hiện nay, tại Mỹ hoặc châu Âu còn sử dụng cho trẻ từ 6 - 12 tuổi bị hen nặng và dai dẳng loại thuốc kháng immunoglobulin như omalizumab. Các thuốc này là kháng thể đơn dòng của người kháng lại IgE. Thuốc ức chế sự gắn IgE với receptor ái lực trên bề mặt tế bào mast và bạch cầu ưa kiềm làm cho các tế bào này không bị hoạt hóa dưới tác động của dị nguyên nên không giải phóng ra các hóa chất trung gian gây viêm như histamin, leucotrien, interleukin... do đó không gây ra các biểu hiện dị ứng và hen trên lâm sàng. Thuốc được chỉ định trong bệnh hen dị ứng thể trung bình ở trẻ lớn.
Ưu điểm của thuốc kháng IgE: Dùng omalizumab làm giảm đáng kể liều ICS; Dùng omalizumab có tác dụng ở trẻ hen phế quản khó kiểm soát mặc dù đã dùng liều cao ICS, trẻ thường xuyên hoặc dùng kéo dài corticoid dạng uống; Khi phối hợp thuốc kháng IgE với ICS sẽ làm giảm nguy cơ gây cơn hen cấp.
Và một điều quan trọng là các bậc cha mẹ có con bị hen phế quản cần lưu ý ngoài yếu tố thời tiết còn nhiều yếu tố thúc đẩy cơn hen như các loại bọ nhà, nấm mốc, khói thuốc lá, phấn hoa... nên việc thực hiện đầy đủ chỉ định của bác sĩ cho dự phòng hen phế quản là rất cần thiết.
Theo SKDS