Tiêm phòng lao cho trẻ và những vấn đề mẹ cần biết

     Tiêm phòng là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ để tránh được các bệnh tật. Nhưng trước khi đưa con đi tiêm phòng các mẹ cần biết trong những trường hợp nào không nên đưa trẻ đi tiêm.

     Tiêm phòng là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ để tránh được các bệnh tật. Nhưng trước khi đưa con đi tiêm phòng các mẹ cần biết trong những trường hợp nào không nên đưa trẻ đi tiêm.

    Bệnh nhi bị hoại tử các ngón tay không liên quan đến vắc xin 
     
    Vừa qua, trường hợp bé Khuất Tiến Minh tiêm thuốc phòng lao tại trạm y tế xã được ba ngày, cánh tay trái của bé bị tím tái, các ngón tay có dấu hiệu bị hoại tử đã gây xôn xao dư luận trong các ngày qua. 
     
    Chị Nguyễn Thị Sen (SN 1987 ở xã Hợp Thịnh, Kỳ Sơn Hòa Bình) đưa con trai là bé Khuất Tiến Minh 18 ngày tuổi (sinh ngày 16/2/2014) lên trạm y tế xã để tiêm phòng lao. Sau khi tiêm về được một ngày, bé Minh có biểu hiện khó chịu, bỏ ăn, quấy khóc suốt đêm. Quá lo lắng, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cháu được chuyển thẳng vào khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương.
     
    Tiêm phòng lao cho trẻ và những vấn đề mẹ cần biết 1
    Bé Tiến Minh đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương.
     
    Theo TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái, ngừng thở, suy tuần hoàn. Ngay khi thăm khám bác sĩ chẩn đoán bé Minh bị nhiễm khuẩn huyết toàn thân rất nặng nề, phải thở máy, bị rối loạn đông máu nội mạc. 
     
    Tuy nhiên, nguyên nhân của nhiễm khuẩn huyết không phải là do vắc xin, bởi biến chứng tiêm phòng lao không gây biểu hiện lâm sàng như thế mà trẻ thường sốt liên tục, có ổ ápxe tại chỗ tiêm, nặng hơn thì nổi hạch lao... Mà vị trí tiêm vắc xin hoàn toàn bình thường, trong khi bé bị hoại tử ở các ngón tay. Phim chụp Xquang không cho thấy trẻ bị nhiễm lao, trẻ cũng không có biểu hiện của phản ứng sau tiêm vắc xin. Do đó có thể khẳng định bệnh nhi bị hoại tử các ngón tay không liên quan đến vắc xin – bác sĩ Hà cho biết thêm
     
    Một số điều cần biết khi đưa con đi tiêm phòng vắc xin lao
     
    Theo bác sĩ Lê Thị Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn), thời điểm tiêm phòng lao cho trẻ thường trong vòng tháng đầu tiên kể từ khi sinh ra, tiêm càng sớm càng tốt. Mà khi tiêm phòng lao thường tiêm dưới ở da, không tiêm vào mạch máu, không tiêm vào các cơ nên không thể xảy ra các biến chứng như trường hợp trên.
     
    Để tiêm phòng đảm bảo an toàn trước tiên bố mẹ cần biết rõ tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi đi tiêm. Nếu trẻ đang có bệnh thì cần khai với bác sĩ để bác sĩ quyết định xem bé có cần hoãn tiêm không. Những trẻ có bệnh mãn tính thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang điều trị cho trẻ về việc khi nào có thể tiêm chủng và cơ sở y tế tiêm chủng thích hợp cho trẻ vì những trẻ này có khả năng bị phản ứng phụ nặng hơn trẻ khỏe mạnh, cần tiêm chủng ở nơi có đủ điều kiện cấp cứu. 
     
    Việc trả lời cẩn thận các câu hỏi sàng lọc trước khi tiêm cũng rất quan trọng vì một số tình trạng dị ứng thuốc, thức ăn, dị tật bẩm sinh, các thuốc đang sử dụng hoặc việc truyền máu, globulin miễn dịch là chống chỉ định (không được tiêm) đối với một số vắc-xin.
     
    Không nên tiêm phòng cho trẻ khi trẻ đang sốt, trẻ đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi ...), trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức, trẻ đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma), trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân...
     
    Tiêm phòng lao cho trẻ và những vấn đề mẹ cần biết 2
    Để tiêm phòng đảm bảo an toàn trước tiên bố mẹ cần biết rõ tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi đi tiêm. 
      
    Trước khi tiêm các bà mẹ không nên cho trẻ ăn, bú quá no, tuy nhiên cũng không để trẻ đói để tránh tình trạng trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm. Cha mẹ nên vệ sinh thân thể cho bé sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng. Khi tiêm phòng, cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, không mặc quần áo quá bó chặt, ủ ấm quá nhiều…
     
    Khi tiêm, bố mẹ cần lưu ý theo dõi trẻ, sớm phát hiện những điểm bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời. Bố mẹ nên cho trẻ ở lại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi xem trẻ có những biểu hiện dị ứng với thuốc không. Về nhà, tiếp tục theo dõi trẻ trong vòng 24 đến 48 giờ sau tiêm. Nếu trẻ sốt trên 39 độ C, co giật, tím tái, khò khè, khó thở, khóc thét, khóc dai dẳng không dứt, bỏ bú, chỗ tiêm sưng to, tấy đỏ… thì bố mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị.
     
    Còn trường hợp nếu sau khi tiêm trẻ sốt nhẹ các mẹ cần lau mát cho trẻ bằng nước ấm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu có sưng đau tại chỗ tiêm có thể chườm lạnh tại nơi tiêm bằng cách dùng khăn thấm nước lạnh sạch chườm vào chỗ tiêm. Cho trẻ bú mẹ, ăn uống bình thường, uống nước nhiều hơn. 
     
    Các mẹ không xát chanh hoặc đắp bất kỳ loại thuốc nào vào chỗ tiêm vì có thể gây kích thích chỗ tiêm khiến bị sưng, đau và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho vết tiêm. 
     
    Theo afamily.vn