Tiểu ra máu: không nên chủ quan

    Tiểu ra máu có thể do nguyên nhân từ đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo) hoặc do nguyên nhân ngoài thận.

     Tiểu ra máu có thể do nguyên nhân từ đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo) hoặc do nguyên nhân ngoài thận.

    Tiểu ra máu là một triệu chứng của nhiều bệnh, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng với người có tuổi thì càng không được chủ quan bởi vì nó có thể là trọng bệnh.

    Tiểu ra máu có thể do nguyên nhân từ đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo) hoặc do nguyên nhân ngoài thận.

    Nguyên nhân

    Ở đường tiết niệu thì tiểu ra máu hay gặp nhất là do sỏi thận (ở một quả thận hay cả 2 quả thận), sau đó là sỏi niệu quản (một hoặc hai bên), sỏi bàng quang, thậm chí có sỏi niệu đạo (do sỏi từ bàng quang đi xuống mắc kẹt lại).

    Sỏi tiết niệu có nhiều dạng khác nhau, nếu sỏi có nhiều góc cạnh, xù xì (sỏi san hô) thì càng dễ gây cọ xát và gây chảy máu càng mạnh. Sỏi đường tiết niệu có thể là đơn thuần nhưng thông thường có kèm theo viêm nhiễm, nhất là viêm ngược dòng bởi vi khuẩn. Tiểu máu do viêm bàng quang cấp tính cũng là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất. Viêm bàng quang cấp tính chủ yếu do vi khuẩn, tỉ lệ gặp nhiều nhất là phụ nữ, đặc biệt mới lập gia đình. Một số thủ thuật nội soi thăm dò hay tán sỏi bàng quang cũng có thể gây nên chảy máu niêm mạc bàng quang gây tiểu máu.

    Niệu đạo cũng có thể bị tổn thương gây tiểu máu và thường máu tươi. Tiểu máu do niệu đạo có thể xảy ra sau một số thủ thuật y học như nong niệu đạo (do bị chít hẹp, ví dụ bị lậu mạn tính) hoặc chảy máu niệu đạo do chấn thương làm dập nát niệu đạo. Tiểu máu từ niệu đạo cũng có thể do sỏi rơi từ bàng quang xuống nhưng kích thước lớn bị tắc lại gây chảy máu.

    Tiểu ra máu gặp trong đa số các trường hợp do lao (vi khuẩn lao), thông thường hay gặp là lao thận (một hoặc hai bên) hoặc lao bàng quang hoặc có thể cả hai (vừa lao thận vừa lao bàng quang). Điển hình của tiểu ra máu gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi là ung thư thận hoặc ung thư bàng quang.

    Ung thư thận, ung thư bàng quang chủ yếu tiểu ra máu đại thể (mắt thường có thể nhìn thấy nước tiểu có màu đỏ hoặc nhìn thấy cục máu) và có thể tiểu ra máu nhiều lần trong ngày và xẩy ra một cách tự nhiên không cần có tác động của ngoại lai. Tiểu máu do ung thư thận đôi khi đột nhiên xuất hiện và có thể đột ngột ngưng lại nhưng lại tái phát, cho nên người ta có tên gọi là tiểu máu “đỏng đảnh”.

    Một số trường hợp, thận đa nang hoặc bị ngộ độc một số hóa chất hoặc đái dưỡng chấp (do bị bệnh giun chỉ) làm tổn thương hệ bạch mạch có đi kèm tổn thương mạch máu cũng có thể gây tiểu ra máu. Tiểu ra máu cũng có thể gặp trong trường hợp bệnh lý của tiền liệt tuyến (nam giới) như: viêm, u xơ hoặc ung thư tiền liệt tuyến. Bệnh bạch cầu cấp và mạn, bệnh máu chảy kéo dài, bệnh máu chậm đông cũng có thể gây tiểu ra máu. Tiểu ra máu cũng có thể gặp ở người bị suy tim do cục máu trong tim vỡ ra theo dòng máu đến thận rồi bị tắc nghẽn ở đó, máu chảy ra từ từ. Ngoài ra, tiểu ra máu có thể gặp do dùng một số thuốc (aspirin, penicillin, heparin, cyclophosphamid, và Phenazopyridine), nếu dùng với thời gian lâu. Trong một số trường hợp, người cao tuổi có thể gặp tiểu ra máu do tổn thương bởi tai nạn do chơi thể thao, va đập, ngã.

    Làm thế nào để phát hiện tiểu ra máu?

    Có thể là tiểu ra máu vi thể hoặc đái máu đại thể. Tiểu máu vi thể chỉ quan sát được khi soi cặn nước tiểu bằng kính hiển vi, thấy có hồng cầu, trong khi tiểu máu đại thể thì mắt thường nhìn thấy nước tiểu có màu đỏ (màu hồng cầu) hoặc có một số ít bệnh nhân tiểu ra cục máu.

    Trước tiên cần xác định có phải tiểu ra máu hay không, nhất là trong các trường hợp nghi ngờ tiểu ra máu vi thể. Bởi vì, bình thường trong nước tiểu cũng có một lượng hầu cầu nhất định. Muốn vậy, cần phải xác định cặn Addis, tức là tính số lượng các thành phần hữu hình bài tiết trong 24 giờ trong nước tiểu (hồng cầu, bạch cầu, trụ niệu…). Căn cứ vào số lượng nước tiểu thu được trong thời gian 9 tiếng đồng hồ liền (từ 22 giờ đến 7 giờ sáng) để đánh giá. Cần chụp đường tiết niệu có cản quang qua tĩnh mạch hay chụp thận ngược dòng hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Siêu âm cũng đóng một vai trò đáng kể trong việc xác định tiểu ra máu, nhất là do viêm nhiễm, thận đa nang, sỏi hay do khối u (lao, ung thư…). Cần xét nghiệm công thức máu để biết tốc độ máu lắng máu; xét nghiệm máu chảy, máu đông và các xét nghiệm cận lâm sàng khác mỗi khi có nghi ngờ căn nguyên gây bệnh tiểu ra máu.

    Cần phân biệt với bệnh gì?

    Cần phân biệt đái ra huyết sắc tố với tiểu ra máu trong trường hợp bị bệnh sốt rét ác tính. Tiểu ra huyết sắc tố thì màu của nước tiểu sẫm như màu nước vối, nếu để nước tiểu lâu có thể trở thành màu nâu đen, tuy vậy nước tiểu vẫn trong, không có cặn, đặc biệt là soi cặn nước tiểu sau khi đã ly tâm không thấy hồng cầu.

    Một số trường hợp bị viêm gan virút thì trong giai đoạn đầu của bệnh, nước tiểu có màu nâu sẫm, bởi vì, có rối loạn chuyển hóa mật kèm theo. Trong trường hợp này, nếu xét nghiệm sắc tố mật trong máu (bilirubin) sẽ tăng cao cả 3 loại (toàn phần, trực tiếp và gián tiếp) và nước tiểu cũng có bilirubin nên màu vàng. Tiểu ra máu không chỉ có từ thận mà còn do dưới thận (niệu quản, bàng quang, niệu đạo), vì vậy, khi có tiểu máu cần hỏi bệnh, khám, xét nghiệm ở các cơ quan thuộc hệ thống đường tiết niệu có liên quan để loại trừ. Khi nghi ngờ tiểu ra máu cần hết sức bình tĩnh và đi khám bệnh ở cơ sở y tế có đủ điều kiện để được xác định và có phương pháp điều trị sớm, người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và không tự mua thuốc để điều trị.

    Theo SKDS