Trầm cảm và hệ lụy nguy hiểm
Trầm cảm đang là căn bệnh của xã hội hiện đại, có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Ðây là một bệnh lý của não bộ chứ hoàn toàn không phải là một cảm giác buồn bã hay chán nản...
Trầm cảm đang là căn bệnh của xã hội hiện đại, có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Ðây là một bệnh lý của não bộ chứ hoàn toàn không phải là một cảm giác buồn bã hay chán nản, thất vọng thông thường thoáng chốc mà ai cũng có thể trải qua trong cuộc sống. Trầm cảm là một bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, thái độ cư xử và sức khỏe bệnh nhân. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tự tử.
Khi phát hiện triệu chứng trầm cảm cần đi khám chuyên khoa sớm để điều trị kịp thời.
Triệu chứng của bệnh trầm cảm
Ở những lần đầu tiên, khởi đầu của bệnh trầm cảm có thể không rõ ràng và ngắn ngủi, tuy nhiên, nếu không được để ý và điều trị, nó có thể tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn, thành một hội chứng với các biểu hiện: khí sắc buồn bã, nặng nề, cáu kỉnh, dễ bị kích thích, kéo dài ít nhất 2 tuần, kèm theo là những thay đổi đáng kể về giấc ngủ và sự ngon miệng, giảm năng lượng và khả năng tập trung và trí nhớ, mặc cảm tự ti, buồn rầu, trống vắng... mất quan tâm thích thú với công việc. Khi bệnh đến độ trầm trọng, người bệnh trở nên chán nản, tuyệt vọng đến nỗi họ dường như muốn chết hơn là muốn sống, thậm chí có ý định hoặc hành vi tự tử.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh được đề cập tới, tuy nhiên nhiều bệnh nhân lại tự nhiên mắc bệnh mà không thấy có liên quan tới bất kỳ một khủng hoảng nào trong cuộc sống. Có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh trầm cảm như: di truyền, những biến cố sang chấn tinh thần, sự lạm dụng rượu hay thuốc..., thậm chí cả những thói quen của bệnh nhân cũng có thể góp phần hình thành căn bệnh này.
Một số hoàn cảnh dễ dẫn tới trầm cảm
Người gặp các sang chấn tinh thần, những cú sốc như mất người thân, chia ly, áp lực công việc, khó khăn quá lớn, gãy đổ sự nghiệp, bất hòa kéo dài, lâm tình trạng bi quan cùng cực, rất dễ mắc trầm cảm.
Học sinh, sinh viên gặp áp lực học hành, bị điểm kém, hẫng hụt, xuống sức học rồi đuối dần, lâm cảnh chán nản, xa lánh bạn bè, dần dần mắc trầm cảm.
Trường hợp đã qua một thời gian hưng cảm: quá tự tin, không cần ngủ, nói nhanh, bốc đồng (bệnh nhân loạn khí sắc lưỡng cực). Người bệnh tâm thần phân liệt cũng có thời gian bị trầm cảm. Do ảnh hưởng của các bệnh thực tổn: sau chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não... Nhiều trường hợp mắc trầm cảm sau sinh con.
Những thói quen dẫn đến bệnh trầm cảm
Thiếu tập luyện: Thói quen lười tập luyện làm giảm khả năng vận động cơ thể, có thể dẫn tới trầm cảm. Bình thường, não sẽ sản sinh ra những chất hóa học tạo cảm giác tốt như serotonin và dopamine. Tập luyện thậm chí chỉ 40 phút mỗi ngày cũng giúp não sản sinh nhiều những chất này hơn, giúp luôn năng động và hưng phấn.
Chế độ ăn không hợp lý: Ăn uống lành mạnh không chỉ tốt cho cơ thể mà còn tốt cho trí não. Những thực phẩm chứa chất béo omega-3 được xem là những thực phẩm bổ não vì chúng có vai trò thiết yếu đối với mô não khỏe mạnh. Cơ thể không thể tự sản xuất những chất béo này, vì thế phải lấy chúng từ thức ăn. Khi ăn những thực phẩm không chứa đủ lượng chất béo omega-3 thì não sẽ dễ bị tổn thương trước sự tấn công của bệnh trầm cảm.
Thói quen ngủ không đúng và stress: Nếu không được ngủ đủ (khoảng 7-8 tiếng mỗi ngày), bạn sẽ trở nên dễ bị kích động và hoang tưởng, là nền tảng cho trạng thái trầm cảm. Còn nếu được nghỉ ngơi đầy đủ, trí não sẽ luôn sáng suốt và sắc bén. Hơn nữa, những người không ngủ đủ thường không làm tốt công việc, khiến họ bị stress và giảm hiệu quả làm việc. Càng bị stress, con người ta lại càng khó ngủ. Vòng luẩn quẩn không ngừng này dễ đưa ta đến với bệnh trầm cảm.
Sống cô lập: Sống cô lập là con đường chắc chắn dẫn đến trầm cảm. Khi bạn lảng tránh bạn bè và người thân vì bất kỳ lý do gì, thì bạn đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho bệnh trầm cảm.
Hay lo nghĩ: Suy nghĩ tiêu cực, thường xuyên nghĩ về các mối đe dọa, mất mát hay thất bại là một trong những nguyên nhân chính của trầm cảm.
Nhiều nguy hiểm cho sức khỏe do bệnh trầm cảm gây ra
Bệnh tim mạch
Bệnh trầm cảm ảnh hưởng lớn tới tim mạch. Đó là bởi vì khi bạn chán nản, cơ tim của bạn dễ bị viêm do thiếu ôxy, có thể dẫn đến cơn đau tim. Vậy nên, những bệnh nhân có vấn đề về tim nên cẩn thận để tránh bệnh trầm cảm dù là trầm cảm ở mức nhẹ nhất. Nếu mức độ trầm cảm là quá nghiêm trọng, thậm chí nó có thể gây nhồi máu cơ tim.
Suy giảm miễn dịch
Liên tục bị trầm cảm khiến hormon gây stress được sản sinh và tồn tại lâu dài trong cơ thể, có thể làm suy yếu sức mạnh của hệ thống miễn dịch nên dễ mắc cảm lạnh và cúm hơn.
Mất ngủ, đau đầu và đau lưng
Khi bị trầm cảm, người bệnh sẽ khó ngủ do tâm trí không bình tĩnh, liên tục suy nghĩ. Giấc ngủ của bạn cũng dễ bị gián đoạn, dễ tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ trở lại. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự tỉnh táo, thậm chí còn làm cho tình trạng căng thẳng tăng lên. Mặc dù bệnh trầm cảm không trực tiếp gây ra đau lưng nhưng nó có thể dẫn đến các hậu quả khác là tăng cân hoặc giảm cân, căng thẳng về thể chất, mệt mỏi, dinh dưỡng thấp, cơ thể mất nước... và các hệ quả này sẽ kéo theo hệ quả khác là đau đầu và đau lưng.
Giảm ham muốn tình dục
Những người đã bị bệnh trầm cảm một thời gian dài có thể gặp rắc rối trong đời sống tình dục, cụ thể là trầm cảm làm suy giảm ham muốn tình dục. Đối với nam giới, hậu quả của bệnh trầm cảm gây ra cho đời sống tình dục có thể là không xuất tinh, xuất tinh sớm và rối loạn chức năng cương dương, với nữ giới là khô âm đạo, rối loạn khoái cảm...
Cần làm gì khi thấy triệu chứng trầm cảm?
Người bệnh không nên coi nhẹ triệu chứng trầm cảm, dù là nhẹ thôi, hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, cho người thân để được chia sẻ. Khi phát hiện người bị trầm cảm phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm, giúp đi khám chuyên khoa sớm và kiên trì dùng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ tránh được cơn trầm uất, thất thần quẫn trí. Cảnh giác khi các dấu hiệu bệnh nặng hơn.
Theo SKDS