Ứng dụng nội soi điều trị trật khớp vai tái diễn

     Khớp vai là khớp có biên độ vận động lớn nhất cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của hai tay.

     Khớp vai là khớp có biên độ vận động lớn nhất cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của hai tay.

    Khớp vai là khớp có biên độ vận động lớn nhất cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của hai tay. Khi khớp vai bị trật tái diễn thì ảnh hưởng đến các hoạt động của khớp vai, làm giảm khả năng thực hiện các động tác có biên độ lớn hoặc có sức mạnh như khi chơi các môn thể thao. Thông thường, khi trật tái diễn nhiều lần thì khả năng tự nắn lại khớp vai của bệnh nhân tương đối dễ dàng, có thể tự thực hiện mà không cần người trợ giúp, do đó một số bệnh nhân có thể chủ quan, không tìm kiếm sự tư vấn điều trị của bác sĩ vì vậy làm giảm đi các cơ hội điều trị sớm có hiệu quả.

    Khớp vai bình thường (trái) và khớp vai bị trật (phải).

    Ai hay bị trật khớp vai?

    Trật khớp vai là loại trật khớp phổ biến nhất trong các loại trật khớp và thường gặp ở người lớn trẻ khỏe chiếm khoảng 50 - 60% tổng số trật khớp. Nguyên nhân và cơ chế gây trật khớp thường thấy nhất do ngã chống bàn tay hoặc chống khuỷu trong tư thế tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài. Chấn thương trực tiếp vào khớp vai từ sau mỏm vai ít thấy (thường do tai nạn xe máy hoặc ôtô cán). Trong lao động gặp trật khớp vai ở công nhân khuân vác, đang vác trên một vai, một tay quàng ngược lên trên ôm lấy vật vác. Bị vấp ngã vật vác tì trên cánh tay dang làm trật khớp.

    Khi khớp vai của bạn bị trật từ lần thứ hai trở lên thì được coi là trật tái diễn. Khi khớp vai bị trật tái diễn thì ảnh hưởng đến các hoạt động của khớp vai, làm giảm khả năng thực hiện các động tác có biên độ lớn khi lao động nặng hoặc có sức mạnh như khi chơi các môn thể thao.

    Hình ảnh trật khớp vai ra trước.

    Nhận dạng thương tổn trong trật khớp vai

    Trật khớp vai thường gặp nhất là trật khớp vai ra trước. Khi bị trật khớp vai lần đầu, thường do chấn thương, đặc biệt ở người trẻ, có thể gặp 2 trường hợp: Thứ nhất là kèm theo tổn thương vỡ xương của ổ chảo; Thứ 2 là không kèm theo tổn thương vỡ xương của ổ chảo, nghĩa là thương tổn phần mềm đơn thuần.

    Mặc dù có một số quan điểm khác nhau trong vấn đề điều trị tuy nhiên ở tình huống cấp cứu đó, phần lớn các trường hợp sẽ được nắn trật và bất động.

    Khi bệnh nhân bị trật lần thứ hai trở lên thì thường là việc điều trị lần thứ nhất chỉ giải quyết được khâu nắn trật mà không thể xử lý được nguyên nhân mất vững khớp vai phía trước. Nguyên nhân thường gặp nhất trong những trường hợp trật sớm là tình trạng mất vững của khớp vai phía trước, liên quan đến các hình thái tổn thương khác nhau của sụn viền phía trước.

    Khi tổn thương sụn viền phía trước không được xử lý, khớp vai bị trật tái diễn nhiều lần, do sự cọ xát cơ học mà dẫn đến các tổn thương sụn khớp và tổn thương xương của ổ chảo cũng như chỏm xương cánh tay. Tổn thương sụn khớp dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp vai về sau. Tổn thương xương của ổ chảo lớn làm cho tình trạng mất vững của khớp vai lớn hơn nên việc trật khớp càng thường xuyên hơn và việc điều trị đòi hỏi phải tạo hình lại ổ chảo mà việc này không thể thực hiện qua phẫu thuật nội soi được.

    Có cần phẫu thuật?

    Các phẫu thuật mổ mở kinh điển với đường mổ lớn và can thiệp rộng vào khớp vai nên thường chỉ định cho những trường hợp trật tái diễn thường xuyên và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Còn các trường hợp trật ít thường xuyên hơn thì bệnh nhân thường được khuyên nên phòng tránh bằng cách hạn chế hoặc chuyển sang chơi các môn thể thao ít nguy cơ hơn, lưu ý các động tác đưa tay qua đầu để tránh bị trật lại.

    Tuy nhiên, thường trật khớp vai xảy ra ở người trẻ và với nhu cầu của chất lượng cuộc sống ngày càng cao thì mong muốn nâng cao khả năng vận động của bệnh nhân là tất yếu. Bên cạnh đó còn là mục đích kéo dài tuổi thọ cho khớp của bệnh nhân, vì vậy mong muốn can thiệp làm giảm thiểu nguy cơ trật tái diễn là mong muốn của cả bệnh nhân cũng như thầy thuốc.

    Ứng dụng nội soi điều trị trật khớp vai tái diễn

    Với sự phát triển mạnh mẽ của nội soi khớp, các can thiệp sâu vào trong khớp có thể được thực hiện mà không cần thực hiện những đường mổ mở kinh điển lớn và tàn phá cấu trúc nữa do đó gần như không gây phiền toái nhiều cho bệnh nhân cũng như đáp ứng được các mong muốn điều trị đặt ra.

    Nhờ có nội soi khớp, những tổn thương mất vững khớp vai do tổn thương sụn viền có thể được phục hồi và do đó giảm thiểu nguy cơ trật tái phát, giúp bệnh nhân có thể trở lại với môn thể thao ưa thích của mình cũng như kéo dài được tuổi thọ cho khớp của bệnh nhân.

    Khớp vai là khớp giữa chỏm xương cánh tay và ổ chảo xương vai, trong đó chỏm xương cánh tay giống như 1 quả cầu di chuyển trong ổ chảo xương cánh tay có cấu trúc lòng chảo như 1 cái đĩa rất nông. Vì vậy, khớp vai có biên độ vận động rất lớn nhưng đồng thời cũng rất lỏng lẻo. Sự vững chắc của khớp vai phần lớn dựa vào các cấu trúc phần mềm trong đó có hai phần quan trọng nhất là sụn viền khớp vai và bao khớp.

    Sụn viền đóng vai trò quan trọng vì nhờ có sụn viền mà ổ chảo khớp vai có độ sâu hơn và hơn nữa, sụn viền đóng vai trò nút chặn khi chuyển động của chỏm xương cánh tay quá mức. Có thể hiểu nôm na là vai trò của sụn viền đối với chuyển động của chỏm xương cánh tay như là “con chêm” sử dụng để chặn bánh xe ôtô.

    Bao khớp vai có cấu trúc tương đối dày và chắc chắn, tuy nhiên, nếu trật tái diễn nhiều lần thì cũng có khả năng bị giãn và lỏng lẻo.

    Theo SKDS