Viêm phổi khi vào bệnh viện – nguy cơ tử vong cao
Viêm phổi bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn có liên quan đến vấn đề chăm sóc y tế thường gặp tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện. Có thể nói đây là nguyên nhân gây nên tử vong hàng đầu ở người bệnh và chiếm tỉ lệ từ 30 - 70% các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện.
Viêm phổi bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn có liên quan đến vấn đề chăm sóc y tế thường gặp tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện. Có thể nói đây là nguyên nhân gây nên tử vong hàng đầu ở người bệnh và chiếm tỉ lệ từ 30 - 70% các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện.
Trên thực tế, cần lưu ý rằng viêm phổi bệnh viện là những trường hợp viêm phổi xuất hiện ở người bệnh sau khi vào bệnh viện điều trị từ 48 giờ trở lên, không ở trong giai đoạn ủ bệnh hoặc mắc bệnh vào thời điểm nhập viện. Đây là một vấn đề rất khó khăn mà các khoa lâm sàng, đặc biệt là khoa hồi sức tích cực phải đối mặt vì khó chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. Các dấu hiệu giúp chẩn đoán viêm phổi bệnh viện như: thâm nhiễm phổi mới hoặc thâm nhiễm tiến triển kèm theo sốt, bạch cầu tăng, có đờm mủ không đặc hiệu. Đối với bệnh nhân người lớn, viêm phổi bệnh viện có liên quan đến thở máy là trường hợp viêm phổi mắc phải trong bệnh viện, xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi đặt nội khí quản hay thở máy. Chẩn đoán viêm phổi mắc phải trong bệnh viện được xác định theo 3 tiêu chuẩn: viêm phổi xác định trên lâm sàng, viêm phổi do những vi khuẩn thường gặp và viêm phổi trên những người suy giảm miễn dịch.
Nếu cấy dịch khí quản có thể phát hiện mọc vi khuẩn do sự phát triển của vi khuẩn thường trú ở phần trên của đường hô hấp làm khó phân biệt giữa vi khuẩn thường trú và tác nhân gây bệnh thật sự dẫn đến việc điều trị dựa trên kết quả dương tính giả. Cấy vi khuẩn định lượng sau khi lấy đờm bằng phương pháp chải phế quản có bảo vệ hoặc phương pháp rửa phế nang có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Nhưng hiện nay, phương pháp này chưa được ứng dụng một cách rộng rãi do nguồn lực còn hạn chế.
Theo các nhà khoa học, viêm phổi bệnh viện ở các nước đã phát triển chiếm tỉ lệ 15% tổng số trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện và chiếm 27% trong số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện ở khoa hồi sức tích cực. Trong các trường hợp viêm phổi bệnh viện, loại viêm phổi bệnh viện có liên quan đến thở máy được xác định sau khi thở máy từ 48 giờ trở lên chiếm tỉ lệ 90% đã làm kéo dài thời gian nằm viện và tốn kém chi phí điều trị. Tại nước ta, các nhà khoa học cũng ghi nhận viêm phổi bệnh viện chiếm tỉ lệ khoảng từ 21 - 75% số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện; trong đó viêm phổi bệnh viện liên quan đến thở máy chiếm tỉ lệ đặc biệt cao ở nhóm người bệnh điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Trên cơ sở này, các nhà khoa học cho rằng viêm phổi bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong chiếm tỉ lệ từ 30 - 70% những trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện, đồng thời có thể kéo dài thời gian điều trị thêm từ 6 - 13 ngày và tăng viện phí đến hàng chục triệu đồng cho một trường hợp bệnh nhân. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp tổng hợp phòng ngừa viêm phổi bệnh viện rất cần thiết để giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến tử vong.
Vấn đề cần quan tâm
Viêm phổi bệnh viện là vấn đề thực tế có khả năng xảy ra tại các cơ sở điều trị ở tất cả các tuyến, kể cả tuyến trên và tuyến trung ương với rất nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng; đặc biệt là khi người bị bệnh nặng có sử dụng các loại phương tiện, thiết bị, máy móc hỗ trợ cho việc hô hấp tại khoa hồi sức tích cực. Các nhà khoa học cho rằng tình trạng viêm phổi bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu có khả năng dẫn đến tử vong cho người bệnh và có thể chiếm tỉ lệ từ 30 - 70% trong tổng số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện. Vì vậy đây là vấn đề cần được quan tâm để thực hiện các biện pháp cần thiết, cơ bản nhằm giảm thiểu các nguy hại với trách nhiệm của nhân viên y tế, kể cả người nhà bệnh nhân khi tham gia điều trị và chăm sóc người bệnh.
Theo SKDS