Viêm xoang trẻ em và bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Ở trẻ em, bệnh viêm mũi xoang thường kéo dài dai dẳng. Nếu không phát hiện được bệnh và nguyên nhân gây bệnh để điều trị kịp thời, đúng đắn có thể dẫn đến các biến chứng xấu như viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm mắt, viêm màng não...
Ở trẻ em, bệnh viêm mũi xoang thường kéo dài dai dẳng. Nếu không phát hiện được bệnh và nguyên nhân gây bệnh để điều trị kịp thời, đúng đắn có thể dẫn đến các biến chứng xấu như viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm mắt, viêm màng não... kết quả làm ảnh hưởng tới thể chất của trẻ. Một trong những yếu tố liên quan tới bệnh viêm xoang trẻ em là hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản.
Viêm mũi xoang có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, tiến triển kéo dài và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở trẻ em, bệnh có biểu hiện lâm sàng khá phức tạp với các triệu chứng không điển hình do sự phối hợp nhiều nguyên nhân khác nhau như yếu tố cơ địa, mối liên quan tới quá trình hình thành và phát triển các xoang, cũng như ảnh hưởng của các bệnh lý các cơ quan lân cận. Chính vì vậy, cha mẹ thường chủ quan, nhiều khi tự điều trị các triệu chứng như nghẹt mũi, sốt... tại nhà. Nếu có đưa tới bác sĩ thì việc thăm khám lâm sàng ở trẻ em cũng gặp nhiều khó khăn như trẻ sợ hãi, khóc lóc, không hợp tác, hốc mũi nhỏ nên việc phát hiện đầy đủ các triệu chứng là rất khó khăn, khó đánh giá hết các vị trí tổn thương nên thường có những sai lầm trong chẩn đoán, dẫn đến kết quả điều trị bị hạn chế. Nguyên nhân gây bệnh xoang ở trẻ em thì có nhiều như dị ứng với môi trường, khói bụi, hít phải nước bẩn, ô nhiễm như tại ao hồ, sông suối khi bơi lội, hoặc bội nhiễm từ các bệnh lý liên quan như viêm họng... Ngoài ra còn có một nguyên nhân khác là trào ngược dạ dày - thực quản (DD-TQ).
Trào ngược DD-TQ là một hội chứng gây ra do nhiều nguyên nhân. Nhìn chung ở khía cạnh liên quan, nó làm cho dịch dạ dày trào ngược lên vùng mũi họng gây nên axit hóa vùng niêm mạc này dẫn đến những rối loạn trong quá trình hoạt động của hệ thống lông nhày, viêm nhiễm niêm mạc gây phù nề bít tắc lỗ thông mũi xoang dẫn tới viêm mũi xoang.
Cơ chế bệnh sinh gây viêm mũi xoang cấp tính là do phù nề bít tắc lỗ thông mũi xoang, ứ đọng các dịch tiết trong xoang gây viêm xoang cấp, các lông chuyển và hệ thống dịch nhày bị giảm hoạt động và khó khôi phục trở lại. Lỗ thông mũi xoang ở trẻ nhỏ hẹp hơn ở người lớn, niêm mạc lại dễ bị phù nề làm lỗ thông mũi xoang bị tắc, sự thông khí giữa mũi xoang bị mất, dẫn đến sự giảm ôxy trong xoang làm áp lực trong xoang giảm, niêm mạc xoang dày lên và tăng xuất tiết, suy giảm chức năng của hệ thống lông nhày từ đó gây viêm xoang.
Lỗ thông mũi xoang không chỉ có vai trò thông khí mà còn rất quan trọng trong vai trò dẫn lưu để đảm bảo quá trình dẫn lưu dịch từ xoang ra mũi. Khi lỗ thông này bị tắc làm mất đi chức năng dẫn lưu, các chất xuất tiết ứ đọng trong xoang làm rối loạn chức năng của hệ thống lông nhày, đồng thời tạo ra sự giảm áp lực trong xoang hút ngược chiều dịch từ mũi vào xoang kèm cả vi khuẩn gây viêm xoang. Như vậy, từ một viêm xoang cấp dần dần chuyển thành viêm xoang mạn tính.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc các chứng bệnh dạ dày ngày càng tăng, tuổi mắc cũng ngày càng nhỏ. Vì vậy, khi trẻ bị viêm xoang cần nghĩ tới một trong những yếu tố liên quan là trào ngược DD-TQ. Điều trị bệnh viêm xoang do trào ngược cần kết hợp điều trị bệnh viêm xoang và bệnh trào ngược DD-TQ thì mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, cha mẹ, người thân của trẻ nên chú ý những triệu chứng sau đây của bệnh viêm xoang để kịp thời đưa trẻ tới bác sĩ: chảy mũi mủ qua cửa mũi trước và sau, xuống họng; ngạt tắc mũi từng lúc hoặc thường xuyên; hay khịt khạc; ho; hơi thở hôi; đau đầu hoặc đau nhức kích thích vùng mặt từng đợt hoặc liên tục; thay đổi tính tình; nôn trớ nhiều; nuốt khó; trẻ ợ khó sau khi ăn; từ chối ăn, thường phải ép ăn.
Ngược lại, cần phát hiện sớm hội chứng trào ngược thực quản ở trẻ để phòng ngừa bệnh gây biến chứng viêm xoang.
Trào ngược DD-TQ thật ra là khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Theo thống kê, đây được xem như một hiện tượng sinh lý bình thường do sự phát triển còn non nớt của hệ tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Ước tính có hơn 50% trẻ khỏe mạnh có tiền sử trào ngược DD-TQ trong 3 tháng đầu đời. Con số này tăng lên 67% ở thời điểm 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ thoái lui khi trẻ lớn lên nhờ các cấu trúc của đường tiêu hóa dần hoàn chỉnh và chế độ ăn cũng đặc dần. Ở thời điểm 8 tháng tuổi thì có đến 85% trẻ bị trào ngược sẽ hết triệu chứng và chỉ khoảng 5% trẻ tiếp tục vẫn bị trào ngược sau thời điểm 1 tuổi. Nhóm trẻ này sẽ dễ có nguy cơ xuất hiện các biến chứng của trào ngược, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và tình trạng trào ngược sinh lý trước kia giờ trở thành bệnh lý, đó là bệnh trào ngược DD-TQ.
Theo SKDS