Barca “lột xác” với Luis Enrique
Khi Barca quyết định bổ nhiệm Luis Enrique làm HLV trưởng, không ít CĐV đã tỏ ra nghi ngờ về năng lực của cựu tiền vệ này. Nhưng thực tế là dưới quyền danh thủ người Asturias, đội bóng xứ Catalan đã trở nên khó lường và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Khi Barca quyết định bổ nhiệm Luis Enrique làm HLV trưởng, không ít CĐV đã tỏ ra nghi ngờ về năng lực của cựu tiền vệ này. Nhưng thực tế là dưới quyền danh thủ người Asturias, đội bóng xứ Catalan đã trở nên khó lường và nguy hiểm hơn rất nhiều.
BẢN NÂNG CẤP CỦA SƠ ĐỒ 4-3-3
Nói như cây bút Francesc Tomas của ESPN, Barca đã đón Enrique trở lại Nou Camp với tư cách một “đội trưởng” hơn là một HLV. Thực tế là bởi người Catalan khi ấy đang cần một thủ lĩnh, trong bối cảnh họ đang đứng ở ngã ba đường, giữa việc tiếp tục duy trì tiqui-taca hay chuyển sang một lối đá mới. Tuy nhiên, cuối cùng Enrique đã làm được nhiều hơn thế.
Sau 2 vòng đầu La Liga 2014/15, Barca toàn thắng và đang dẫn đầu BXH. Đó quả là một kỳ tích, nhất là sau khi Nou Camp đã trải qua rất nhiều xáo trộn trong mùa Hè. Nhưng cái gì cũng có lý do của nó. Sau thử nghiệm sơ đồ 3-3-1-3 với 3 trung vệ ở đợt giao hữu trước mùa giải, Enrique đã nhận ra rằng Barca chỉ thích hợp với 4-3-3. Chính vì thế, ông quyết định trở lại với sơ đồ này với một số cải tiến.
Thay vì cố gắng chiếm ưu thế về kiểm soát bóng, người Catalan giờ bắt đầu tiếp cận trận đấu một cách trực diện và khó bị bắt bài hơn. Thay vì để một mình Xavi điều tiết thế trận, các tiền vệ trung tâm như Ivan Rakitic và Rafinha được chỉ đạo chạy nhiều hơn và đá rát hơn. Điều đó giúp tăng cường khả năng đánh chặn từ xa của Barca, chưa kể bộ đôi này luôn sẵn sàng trám vào khoảng trống ở hai biên mà Alba hoặc Alves để lại.
Khoảng cách giữa trung phong và cầu thủ đá biên cũng được thu hẹp. Chính vì thế, những đường chuyển cánh gần như không còn. Thay vào đó, Barca tập trung dồn bóng ra biên để hậu vệ hoặc tiền đạo cánh tạt vào. Mà việc Dani Alves có tới 19 đường căng ngang trong trận thắng Villarreal 1-0 ở La Liga là minh chứng. Sự xuất hiện của những tiền đạo trẻ như Munir và Sandro càng khiến thế công của Barca khó lường hơn. Nhưng tựu trung, sơ đồ 4-3-3 nâng cấp của Enrique vẫn xoay quanh Lionel Messi.
MESSI LÀ MẤU CHỐT
Thay vì bám biên phải hoặc chơi như một “số 9” ảo, cầu thủ người Argentina được kéo lùi lại như một “số 10” thực thụ. Ở vị trí ấy, Leo được thỏa sức làm bất cứ điều gì mình thích. Đó có thể là một pha đột phá quen thuộc, một đường kiến tạo không tưởng hoặc một pha sô-lô và tự mình ghi bàn.
Messi thực chất đã chơi như vậy ở ĐT Argentina. Dưới thời các cựu HLV Tito Vilanova và Gerardo Martino, Messi cũng từng được thử nghiệm ở vị trí đó. Tuy nhiên, không kể cựu HLV Alejandro Sabella của Albiceleste, không ai phát huy được hết khả năng của cầu thủ này như Enrique.
Một phần là vì khác với giai đoạn cuối mùa trước, Messi đã không còn vừa đá vừa giữ sức để chuẩn bị cho World Cup nữa. Nhưng chủ yếu là bởi ở tuổi 27, Leo đã thực sự trưởng thành. Thay vì nỗ lực một mình gánh cả đội, anh đã biết cách tạo cơ hội cho những vệ tinh xung quanh mình tỏa sáng.
Đó là lời giải thích cho việc những chân sút măng non như Munir hay Sandro cũng có thể trở thành tâm điểm của trận đấu. Dĩ nhiên, mọi chuyện sẽ khác đi khi Neymar lấy lại 100% thể lực hay khi Luis Suarez mãn án treo giò. Nhưng một khi Messi đang ở đỉnh cao phong độ, Barca sẽ chẳng ngán đối thủ nào.
“Chiến binh” không lùi bước
Thời còn thi đấu, Luis Enrique có biệt danh là “Lucho”, đặt theo tên Lucho Flores, cầu thủ Mexico từng khoác áo Sporting Gijon, CLB cũ của cựu tiền vệ này. Tuy nhiên, theo chính Enrique thì biệt danh này không liên quan gì đến cái tên nói trên, mà Lucho thực chất là “chiến binh”. Đó cũng là phong cách thi đấu của ông khi còn là cầu thủ.
Theo Tinhnhanhthethao.vn