FIFA lãnh đòn trời giáng
Hàng loạt quan chức cấp cao, trong đó có 2 phó chủ tịch cùng người đứng đầu các tổ chức thành viên ở khu vực Nam Mỹ và Trung Mỹ, bị bắt giữ ngay trước thềm cuộc bầu cử chức vụ chủ tịch FIFA chính là cú tát mạnh vào tổ chức quyền lực nhưng đầy rẫy tai tiếng này
Hàng loạt quan chức cấp cao, trong đó có 2 phó chủ tịch cùng người đứng đầu các tổ chức thành viên ở khu vực Nam Mỹ và Trung Mỹ, bị bắt giữ ngay trước thềm cuộc bầu cử chức vụ chủ tịch FIFA chính là cú tát mạnh vào tổ chức quyền lực nhưng đầy rẫy tai tiếng này
Báo chí Mỹ và châu Âu trong ngày 27-5 đã liên tục đăng tải, cập nhật thông tin về việc cảnh sát Thụy Sĩ tiến hành bắt giữ hơn 10 quan chức LĐBĐ Thế giới (FIFA) theo yêu cầu của Tòa án Liên bang Mỹ. Tất cả nhân vật này có mặt ở Thụy Sĩ chờ tham dự phiên họp Đại hội đồng FIFA vào ngày 29-5, trong đó có việc bỏ phiếu bầu cử chức vụ chủ tịch.
Cảnh sát mặc thường phục đã ập đến khách sạn Baur au Lac ở TP Zurich, bắt giữ các quan chức bóng đá mà không gặp phải phản ứng quyết liệt nào từ 2 phó chủ tịch FIFA J.Webb, E.Figueredo và các cộng sự. Chủ tịch LĐBĐ Costa Rica E.Li, nguyên Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ N.Leoz, nguyên Chủ tịch LĐBĐ Brazil J.M.Marin, nguyên Phó Chủ tịch LĐBĐ CONCACAF J.Warner cùng một số quan chức khác tuy không bị bắt giữ tại Thụy Sĩ nhưng cũng sẽ bị truy tố cùng các tội danh.
Các cá nhân nêu trên bị cáo buộc liên quan đến hành vi nhận hối lộ và hối lộ, rửa tiền bẩn một cách có hệ thống lên đến hơn 100 triệu USD trong hơn 20 năm qua - một phần trong số này là khoản “lại quả” cho việc Nga và Qatar giành được quyền đăng cai các vòng chung kết (VCK) World Cup 2018, 2022. Văn phòng Bộ Tư pháp Thụy Sĩ khẳng định lực lượng chức năng nước này đã tiến hành kiểm tra các dữ liệu và niêm phong hệ thống máy tính tại trụ sở FIFA, đồng thời phong tỏa tài khoản ngân hàng của các nhân vật liên quan cùng với việc dẫn độ họ sang Mỹ.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko phủ nhận vụ các quan chức FIFA bị bắt có liên quan đến việc nước này giành được quyền đăng cai VCK World Cup 2018. Trong khi đó, theo thông tin từ nhật báo The Wall Street Journal (Mỹ), Bộ trưởng Tư pháp Mỹ L.Lynch và Giám đốc FBI J.Comey sẽ trực tiếp thông báo chi tiết sự việc tại Brooklyn.
Đây được xem là cái tát mạnh vào FIFA, tổ chức bóng đá quyền lực, cùng lãnh đạo đương nhiệm Sepp Blatter - người sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 ở tuổi 79 với ứng viên duy nhất là Hoàng thân xứ Jordan - A.Al Hussein, dù ông không bị điều tra. Nhiều nhân vật tên tuổi của làng bóng đá - gồm cả Chủ tịch UEFA M.Platini và các cựu danh thủ L.Figo, D.Maradona - đều gọi Blatter là “nhà độc tài”, đồng thời kêu gọi cải tổ bộ máy và cung cách làm việc của FIFA.
Những lá phiếu giá hàng tỉ USD
Tháng 1-2013, tạp chí France Football công bố thông tin về vụ mua bán phiếu bầu giúp Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022. Theo báo này, vào tháng 11-2010, Tổng thống Pháp N.Sarkozy, Hoàng thân Al-Thani, Chủ tịch UEFA M.Platini và đại diện CLB Paris Saint-Germain (PSG) đã hẹn dùng cơm trưa ở Điện Élysée. Phía Qatar đề nghị “giải cứu” PSG khỏi khủng hoảng và trở lại thời kỳ hoàng kim. Qatar cũng đề nghị phía Pháp thành lập hãng truyền hình thể thao beIN SPORTS thông qua hợp đồng mua sắm máy bay Airbus (do Pháp sản xuất), mua bản quyền truyền hình giải VĐQG Pháp… Đổi lại, trên cương vị của mình, ông Platini phải bỏ phiếu cho Qatar.
Sau đó, báo Daily Mail ngày 26-4-2015 đăng chi tiết Qatar đã chi ra 17,2 tỉ bảng Anh (26,1 tỉ USD) để có được 14 lá phiếu trong cuộc bầu chọn năm 2010 giúp họ giành quyền đăng cai VCK World Cup 2022, trong đó Pháp hưởng lợi với 14,72 tỉ bảng.
Thật ra, các cáo buộc Qatar “mua phiếu bầu” không mới mà đã rộ lên từ hè năm ngoái, bắt đầu từ tờ Time (Anh) rồi Guardian, buộc FIFA mở cuộc điều tra nhưng không đi đến đâu. Chỉ có 2 ủy viên ban chấp hành mất “ghế” là ông Bin Hamman (nguyên nhân chính có lẽ là vận động để tranh chức chủ tịch FIFA với ông S.Blatter) và J.Warner (Trinidad & Tobago) với “tội danh” hối lộ, nhận hối lộ.
Theo nld.com.vn