Khi Tiqui-Taca yên nghỉ...
Người ta đã dùng cụm từ quen thuộc “bắt đầu cho một sự kết thúc” từ năm 2012, khi Barcelona bị Chelsea loại khỏi Champions League. Đến lúc đội tuyển TBN đại bại ở World Cup 2014 thì nhận định về sự lỗi thời của lối chơi Tiqui-Taca chẳng còn làm ai phải nhíu mày nữa.
Người ta đã dùng cụm từ quen thuộc “bắt đầu cho một sự kết thúc” từ năm 2012, khi Barcelona bị Chelsea loại khỏi Champions League. Đến lúc đội tuyển TBN đại bại ở World Cup 2014 thì nhận định về sự lỗi thời của lối chơi Tiqui-Taca chẳng còn làm ai phải nhíu mày nữa.
Bây giờ, khi
NHỮNG CHỖ ĐÁNG NGỜ CỦA MỘT HUYỀN THOẠI
Chi tiết đầu tiên có thể nghi ngờ: người ta “nâng tầm” Tiqui-Taca thành một triết lý, chứ đấy không còn là một lối chơi đơn thuần nữa, và gắn chặt triết lý ấy với những ý tưởng vĩ đại của huyền thoại Johan Cruyff. Gốc rễ của Tiqui-Taca không nằm ở thời kỳ Cruyff huấn luyện Barcelona (1988-1996, rất thành công), mà ở lò trẻ La Masia, vốn cũng là ý tưởng của Cruyff từ thập niên 1970.
Vâng, có thể là như thế. Chuyện Barcelona chủ trương đào tạo trẻ sao cho những chú nhóc ở La Masia có cách chơi tương đồng với đội lớn cũng có thể là sự thật. Nhưng, liệu những thành công vang dội của Barcelona trong giai đoạn Tiqui-Taca phát triển rực rỡ chỉ gồm đúng những sự thật ấy? Barcelona - ngay từ suy nghĩ của các cầu thủ nhí - không bao giờ chơi cách khác, không bao giờ thi đấu chỉ vì cái điều tầm thường là lấy trọn 3 điểm?
Lò trẻ La Masia dĩ nhiên là có danh tiếng và đáng tôn trọng. Nhưng nếu La Masia quả thật là quá vĩ đại như sự khen ngợi suốt bao năm qua, tại sao lò ấy không thể cung cấp cho đội lớn thêm một ngôi sao “xem được” để đội này không phí tiền chiêu mộ Alex Song và cú tuyển mộ thất bại đến nỗi bây giờ Song đang khoác áo West Ham theo hình thức cho mượn?
Tại sao Barcelona phải mua các cầu thủ đã già chát như Jeremy Mathieu, Thomas Vermaelen với chi phí không nhỏ? Tại sao Barcelona phải chi tiền khủng khiếp để tậu Neymar và Luis Suarez, thậm chí phải gặp rắc rối với pháp luật trong vụ chuyển nhượng Neymar?
Đấy là những câu hỏi khó đang chờ La Masia trả lời. Còn nhiều chỗ đáng ngờ nữa, thậm chí nói rằng chẳng còn gì để nghi ngờ cũng được. Chẳng hạn, La Masia đã sẵn sàng cử ngôi sao mới lên đội lớn thay thế Xavi và Andres Iniesta?
NGƯỜI MỚI, ĐÁ KIỂU MỚI
Trong trận El Clasico vừa qua thì ngoài Lionel Messi, chỉ có đúng 1 cầu thủ khác thật sự gắn bó với Barcelona từ lò La Masia đến tận bây giờ - và đó là một Andres Iniesta đang ngày càng đi xuống (
Bây giờ, bộ ba tiền đạo Neymar, Suarez, Messi mới thật sự là những cầu thủ quan trọng nhất trong đội hình Barcelona. Vậy nên, Barcelona phải đá bằng tiền đạo, mặc kệ Tiqui-Taca “quy định” thế nào về cách giữ bóng và phát triển pha tấn công. Bây giờ, Xavi đã dạt ra ghế dự bị trong khi Iniesta chỉ còn gắng gượng góp mặt trên sân, chủ yếu để “lãnh đạo tinh thần” hơn là để liên tục chuyền bóng.
Vậy nên, tiền vệ Barcelona tham gia vào các pha bóng càng ít thì hóa ra lại càng tốt! Và khi không còn khả năng bay bổng với triết lý chuyền để giữ bóng, để đối phương không có cơ hội nữa, thì Barcelona đành trở về với cái lý lẽ căn bản nhất trong môn bóng đá: cứ phải phòng thủ bằng cặp trung vệ chắc chắn.
Ở tuổi 31, với vỏn vẹn 4 lần khoác áo đội tuyển Pháp, với nửa đầu sự nghiệp cầu thủ nằm ở các CLB tầm thường Sochaux, Toulouse, trung vệ Jeremy Mathieu gia nhập Barcelona để chỉ huy cả hàng phòng ngự, và anh lập tức phát huy vai trò của mình. Giá mua đứt hợp đồng của Matthieu lên đến 50 triệu euro!
Barcelona dĩ nhiên phải chơi theo cách mới, vì những con người quá mới như vậy. Vấn đề đặt ra: Mathieu hoặc Suarez có cần hiểu rõ triết lý Tiqui-Taca là như thế nào?
TIỀN ĐẠO CHẠM BÓNG NHIỀU HƠN TIỀN VỆ
Trong trận thắng Real Madrid 2-1 mới đây, nếu không tính thủ môn thì 2 cầu thủ chạm bóng ít nhất trong đội hình Barcelona là Ivan Rakitic và Andres Iniesta. Họ đều là tiền vệ!
Vào thời đỉnh cao, chỉ riêng Xavi đã chuyền đến 148 đường bóng trong khi bộ ba tiền vệ Iniesta, Xavi, Busquets chạm bóng tổng cộng 380 lần (trong trận thắng M.U ở chung kết Champions League 2011). Bây giờ, cả 5 tiền vệ Barcelona (Iniesta, Rakitic, Mascherano đá chính; Xavi, Busquets dự bị) chạm bóng tổng cộng 224 lần. Không ai chạm bóng nhiều bằng Messi (80 lần) ở hàng tiền đạo!
Sự thật cay đắng: Neymar bây giờ hay hơn lúc anh mới đến Barcelona, nhờ đội không chơi kiểu Tiqui-Taca nữa! Bây giờ, anh nhận bóng nhiều hơn, và khi có bóng thì Neymar chẳng còn nghĩa vụ phát triển đường chuyền tiếp theo của Tiqui-Taca. Anh thoải mái phát huy khả năng đi bóng, đột phá.
Cách chơi mới của Barcelona nhìn chung là tạo ra khoảng trống lớn để cả hai tiền đạo cánh Messi, Neymar phát huy kỹ thuật cá nhân và họ đều trở nên cực kỳ đáng gờm. Luis Suarez di chuyển rất rộng để giúp Messi và Neymar có khoảng trống. Và bây giờ, Tiqui-Taca thật sự cáo chung khi việc của các cầu thủ phía sau là luôn tranh thủ đưa bóng về phía 3 tiền đạo một cách nhanh nhất, đơn giản nhất. Barcelona bây giờ rất mạnh trong cách chơi này.
Đá kỹ thuật khác với Tiqui-Taca
Theo yêu cầu liên tục chuyền để giữ bóng thì cái khó trong hệ thống Tiqui-Taca thuộc về người nhận chứ không phải người chuyền bóng! Trước khi một cầu thủ nhận bóng thì hai đồng đội đứng gần nhất lập tức đã phải di chuyển để hình thành tam giác sẵn sàng cho đường chuyền tiếp theo.
Trong rất nhiều trường hợp, Tiqui-Taca chuyền bóng một cách không có mục đích. Chuyền chỉ để chuyền, để giữ bóng. Trông có vẻ đẹp, nhưng hàng loạt kỷ lục về giữ và chuyền bóng xuất hiện chẳng qua vì Tiqui-Taca thật sự “vô hại” ở khu giữa sân. Đôi khi còn có chỗ tai hại nữa. Tiền đạo phải lùi về hoặc hậu vệ dâng lên để hình thành số đông ở khu giữa sân và hỗ trợ các tiền vệ trong khâu chuyền để giữ bóng. Công năng ghi bàn của tiền đạo đã giảm đi trong cách chơi như vậy.
Các đội thiên về lối chơi kỹ thuật như Bayern Munich, Real Madrid, Arsenal... cũng giỏi chuyền ngắn và chuyền ngắn nhiều. Nhưng khác hẳn Tiqui-Taca, họ chuyền để đưa bóng đến vị trí thuận lợi hơn và nếu có cơ hội đưa bóng đến tiền đạo thì họ lập tức tung ra đường chuyền quyết định - bất kể là ngắn hay dài!
Con người cụ thể quyết định lối chơi
Tiqui-Taca và những gì liên quan tới nó hẳn phải là một đề tài vô tận, ít ra cần viết đến một cuốn sách thì mới nói hết ngọn ngành. Vậy nên, hãy tạm chấp nhận những gì đã được Wikipedia đúc kết là súc tích, cơ bản nhất. Có hai chi tiết đáng chú ý.
Thứ nhất, khái niệm Tiqui-Taca chỉ bắt đầu phổ biến từ World Cup 2006. Thứ hai, theo BLV bóng đá quốc tế quen thuộc Raphael Honigstein thì lối chơi Tiqui-Taca chỉ tiến hóa trong vòng 4 năm, bắt đầu từ thất bại của đội tuyển TBN tại World Cup 2006. Honigstein viết: “Họ thấy rõ sự thua thiệt về sức vóc, từ đó tập trung nhiều hơn vào việc cố giữ bóng”.
Như vậy, cho dù gốc rễ của tiqui-taca nằm ở thời kỳ Johan Cruyff đi nữa thì rõ ràng, cách chơi này cũng chỉ thực sự vươn lên đỉnh cao trong giai đoạn gần đây, và sự phát triển rực rỡ của tiqui-taca hóa ra cũng chỉ xuất phát từ yếu tố nhân sự: các ngôi sao nhỏ con trong đội hình Barcelona và TBN buộc phải đá như thế thì mới thắng được các đối thủ to cao hơn họ. Đây là trường hợp con người quyết định lối chơi?
Theo Tinnhanhthethao.vn