Ám ảnh bản đàn ông 55 tuổi được coi là thượng thọ

    Nằm chênh vênh trên đỉnh núi “Chó vua”, bao năm nay, bản Sín Chải, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được nhiều người biết đến với nhiều “kỷ lục”: Bản có nhiều trẻ mồ côi nhất, đàn bà khổ nhất, đàn ông chết trẻ nhiều nhất… Những cái “nhất” đó cứ ám ảnh người dân ở bản Sín Chải từ đời này, sang đời khác mà chưa biết lúc nào sẽ xóa nhòa.

    Nằm chênh vênh trên đỉnh núi “Chó vua”, bao năm nay, bản Sín Chải, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được nhiều người biết đến với nhiều “kỷ lục”: Bản có nhiều trẻ mồ côi nhất, đàn bà khổ nhất, đàn ông chết trẻ nhiều nhất… Những cái “nhất” đó cứ ám ảnh người dân ở bản Sín Chải từ đời này, sang đời khác mà chưa biết lúc nào sẽ xóa nhòa.

     

    Những đứa trẻ mồ côi ở bản Sín Chải. Ảnh: H.V.
     

     

    Ra đường là gặp trẻ mồ côi

     

    Xã Nậm Pung không phải là nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của huyện Bát Xát, nhưng cái nghèo, đói, khổ, lạc hậu của người dân thì mới đến đầu xã đã “nghe thấy, ngửi thấy và nhìn thấy”. Đó là câu nói mà chúng tôi nhận được khi dừng chân hỏi đường ở một quán ven tỉnh lộ 155, nối dài từ khu du lịch Sa Pa đến xã A Mú Sung - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

    Con đường đất vào Nậm Pung đang được nâng cấp, phá đá núi mở rộng nên vô cùng gian nan, vất vả. Gặp phải trời mưa, người muốn đi chỉ còn cách “bò bốn chân” mới có thể vượt qua được những đoạn vũng lầy và con dốc trơn trượt. Khi bước đến đầu bản Sín Chải, những gì đã được nghe thấy không sai. Những ngôi nhà được làm bằng tre nứa và phết bùn đất vẫn là nét văn hóa riêng thật đặc biệt của người Hà Nhì ở Bát Xát này. Nhưng khi bước vào đó, ngoài những thứ nồi niêu, xoong chảo, bát đũa đen đúa thì ít thấy một ngôi nhà nào có vật dụng có giá trị.

    Gặp bà Lý Lở Mẩy, năm nay đã hơn 80 tuổi ở đầu bản, không nói được tiếng Kinh. Bà Mẩy nói gì, phải có người phiên dịch, để nghe được câu chuyện, bà cũng phải có người dịch ra tiếng Hà Nhì. Vừa hỏi đến những người đàn ông vắng bóng, bà đã nói như than: Không biết có phải do con ma men hay không mà đàn ông ở đây chưa có tuổi già đã chết cả. Rồi bà chỉ vào nhà, chỉ vào một đứa trẻ đen nhẻm đang ngồi co ro ở góc cửa bảo: “Thằng con trai của tôi chết cách đây mấy năm, đứa con dâu nó cũng bỏ đi nốt. Con trai chết, con dâu bỏ đi, để lại cho bà bốn đứa cháu thơ dại. Bà già rồi, chẳng biết làm gì để nuôi chúng nó”.

    Ngôi nhà vách đất xung quanh đã bong lở, trên mái cỏ cũng mọc xanh um tùm. Bên trong, lúc nào cũng tối tăm, ngoài mấy cái nồi treo bên vách bếp, chẳng thấy một thứ vật dụng gì.

    Bà Lý Lở Mẩy mặc dù lưng đã còng mà vẫn phải tần tảo khắp nương rẫy để nuôi bản thân và 4 đứa cháu. Đứa cháu nhỏ nhất của bà nay mới 4 tuổi đang học mầm non, đứa lớn thì đang học lớp 7. Ước mơ của bà Mẩy là có căn nhà không bị ướt nước khi mưa xuống, không bị lạnh khi gió về. “Tôi già thế này rồi, chẳng biết chết khi nào. Mấy đứa trẻ thì bữa đói bữa no nhưng được cái ngoan lắm. May mắn là vừa rồi, 4 đứa cháu của tôi được các cán bộ ở trên huyện nhận đỡ đầu rồi”, bà Mẩy nói.

    Suốt dọc con đường tiến sâu vào bản, đâu cũng gặp trẻ nhỏ đứng chơi còn đàn bà thì cặm cụi làm việc. “Ở đây đàn ông ít lắm, người thì chết, người thì đi uống rượu hết rồi”, bà Lý Seo Ma - người mà chúng tôi gặp trên đường, vừa nói, vừa cười móm mém.

    Đứng bên đường, Lý Su Bia nhìn những vị khách lạ với ánh mắt tò mò. Bố Bia mất do HIV/AIDS và nghiện ma túy, mẹ Bia đi lấy chồng nên Bia và một người em phải về ở với chú Lý Khờ Dần. Bia còi cọc nhưng cứ phải cắp em ở nách. Em của Bia hay khóc vì nhớ mẹ, Bia dỗ và đưa cánh tay lấm lem lên lau mặt cho em. Nhìn cảnh đó, thật xót xa.

     

    Đàn ông 55 tuổi đã coi như thượng thọ

    Chúng tôi tìm gặp Trưởng thôn Phú A Sì, sau một hồi bấm đốt ngón tay, anh Sì bảo có tới 13 người đàn ông chết trẻ trong mấy năm nay. Người thọ nhất cũng chưa tròn 50 tuổi. Và sau khi chết đi, họ để lại mẹ già, vợ góa, con thơ trong cái nghèo đói, khổ cực. Theo anh Sì, ở bản hiện có hàng chục người phụ nữ góa chồng, 42 trẻ trong độ tuổi đi học thì có 17 trẻ mồ côi cha.

    Nhiều người dân ở đây cho biết, nguyên nhân khiến những người đàn ông mất sớm một phần là do nghiện rượu, còn phần lại thì do khí hậu khắc nghiệt và cuộc sống nghèo khổ. “Nếu nói là do nghèo và do khí hậu thì không đúng vì đàn bà ở đây có tuổi thọ rất cao. Tôi nghĩ do đàn ông ở đây uống rượu nhiều quá thôi”, anh Sì nói.

    Bao năm qua, tin đồn về làng đoản thọ cùng những người đàn ông chết trẻ những người đàn bà sống dai ở bản Sín Chải trở thành nhiều câu chuyện được thêu dệt. Nhiều người cho rằng đó là lời nguyền từ câu chuyện dân gian được mọi người truyền miệng về “Chó vua” là ma hung ác hay bắt đàn ông và trẻ con. Ngày trước, để diệt trừ con ma làm hại dân, có người đã liều lĩnh mang mìn lên sườn núi ốp vào tảng đá ấy châm ngòi. Tiếng mìn nổ rung chuyển một góc trời, làm tảng đá vỡ một mảng. Nhân dân vui mừng nghĩ rằng từ đó sẽ không còn những ngày lo lắng, những đêm thức trắng nữa nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, bản Sín Chải lại mất người, mà chỉ có đàn ông. Có người thì cho đó là điều hiển nhiên vì đàn ông suốt ngày say bên chai rượu nhưng cũng có người lại bảo vì mảnh đất Sín Chải có chất độc phóng xạ…

    Ở bản Sín Chải có 28 hộ dân nhưng số trẻ mồ côi đã lên tới 17 khiến ai cũng xót xa khi ghé thăm vùng đất “kỳ lạ” này. Đến thăm điểm trường Sín Chải của Trường Tiểu học xã Nậm Pung thấy em học sinh nào cũng gầy gò, nhếch nhác, mặt mũi nhem nhuốc mà không khỏi động lòng. Cô giáo “cắm bản” Trịnh Thị Liên kể câu chuyện em Lý Suy Su, học lớp 1, bố mất, bị mẹ bỏ rơi, em ở với bà nội. Nhà bà nghèo lắm nên thầy cô giáo “cắm bản” mỗi tuần từ nhà trở về trường thường đem cho Su quà bánh để động viên em. Trường hợp hai chị em Cao Gió Be và Cao Gió Tre, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác, hai chị em phải “bất đắc dĩ” tự lo cuộc sống cho mình khi không còn nơi nương tựa. Ai trong bản thuê trông trẻ, chăn trâu, lấy củi… là hai chị em làm tuốt, miễn là ngày công được trả bằng bữa ăn đạm bạc.

    Ở bản Sín Chải này, đàn ông sống được đến 55 tuổi đã được coi là thượng thọ, cái chết đến với những người đàn ông ở đây cứ “đều đều” mà chẳng ai khẳng định được là nguyên nhân từ đâu. “Trong những năm gần đây, nhiều đoàn cán bộ miền xuôi lên nghiên cứu, họ nói do đất bị nhiễm độc phóng xạ gì đấy nhưng đến nay chúng tôi cũng không biết là phóng xạ gì, nó có độc ra làm sao và giết chết chúng tôi như thế nào…”, Trưởng bản Phú A Sì nói.

    Chia tay Sín Chải, vùng đất có nhiều người đàn ông chết trẻ, những đứa trẻ mồ côi, những người phụ nữ góa bụa ngày đêm làm lụng vất vả để có miếng ăn nuôi gia đình; những người đàn ông đang sống thì chỉ suốt ngày ở nhà uống rượu và trò chuyện cứ ám ảnh mãi chúng tôi.
     
     
    Theo Giadinh.net.vn