Cách chọn gà trống choai và bày gà cúng giao thừa

    Trong mâm cỗ giao thừa, đĩa gà cúng luôn chiếm một vị trí quan trọng. Việc chọn và bày biện ra sao cho phù hợp, đúng cách là điều các bà nội trợ cần lưu ý.

    Trong mâm cỗ giao thừa, đĩa gà cúng luôn chiếm một vị trí quan trọng. Việc chọn và bày biện ra sao cho phù hợp, đúng cách là điều các bà nội trợ cần lưu ý.

     

    Vì sao cúng giao thừa bằng gà trống choai?

     

    Theo phong tục của người Việt ta từ xưa, mâm cỗ cúng giao thừa thường có một con gà trống hoa luộc bày khéo, miệng ngậm bông hồng đỏ với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết.

     

    Sở dĩ gà được chọn làm vật cúng tế linh thiêng trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết của một số dân tộc Việt Nam, sau khi có một chàng dũng sĩ giương cung tên bắn liên tiếp rụng 9 mặt trời vì gây nắng hạn cho mặt đất, mặt trời thứ 10 sợ hãi quá bay tít lên cao và trốn biệt không ló ra nữa. Mặt đất lại lạnh lẽo tối tăm. Con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời. Chẳng con nào gọi được, cuối cùng chỉ có con gà trống khoẻ mạnh cất tiếng gáy vang lừng khiến mặt trời tò mò ngó xuống rồi quên cả sợ hãi hạ thấp dần độ cao, khiến mặt đất lại sáng bừng lên.

     

    Cách chọn gà trống choai và bày gà cúng giao thừa - Ảnh 1

     

    Gà trống choai được lựa chọn để cúng đêm giao thừa.

     

    Do vậy, đêm giao thừa (trừ tịch) nhà nhà đều cúng một con gà trống với hi vọng con gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cho cả năm.

     

    Gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống choai với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết. Tuy nhiên, đến thời hiện đại, câu chuyện gà gọi mặt trời không còn được nhiều người biết đến dẫn đến việc hiểu sai mã văn hoá ấy. Thay vì cúng gà, người ta cúng bằng một miếng thịt luộc hay một cái chân giò, những thứ đó chỉ có ý nghĩa vật cúng mà không mang ý nghĩa văn hoá...

     

    Cách chọn gà cúng giao thừa

     

    Để có một con gà cúng đẹp, cần chọn gà rất kỹ. Con gà trống choai mào phải đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, chân nhỏ (gà ri) gà nặng từ 1,2 kg - 1,4 kg là vừa, gà to quá bày không đẹp, thịt kém ngọt nhiều xương. Khi gà mua về cắt dây trói chân, thả vào chuồng hoặc vào lồng 2-3 giờ để gà đi lại cho máu không tụ ở chân, sau đó mới cắt tiết.

     

    Nếu bạn mua gà làm sẵn của người quen, cũng cần lưu ý họ rõ những yêu cầu của mình.

     

    Cách luộc và trình bày đĩa gà cúng giao thừa

     

    Cách chọn gà trống choai và bày gà cúng giao thừa - Ảnh 2

     

    Gà cúng trước khi cho vào luộc cần phải được tạo hình thế.

     

    Bỏ gà đã được làm sạch với chân cài trong bụng, cánh và đầu buộc tạo hình đầy đủ vào nồi nước lạnh để luộc chín. Luộc gà phải chọn nồi sâu lòng, cho nước vào nồi ước lượng đủ ngập gà, đặt lên bếp nóng khoảng 50 độ C (để hạn chế nước trong thịt gà không bị tiết ra nước, giữ độ ngọt của thịt gà), cho muối gừng hành đập dập, rồi cho gà vào luộc.

     

    Lưu ý đặt gà nằm sấp khi chín mới đẹp. Đậy vung đun lửa vừa, khi bắt đầu sôi, hạ nhiệt độ nước sôi lăn tăn, cho tiết lòng vào luộc. Khi gà nổi lên, nước có nhiều váng béo, dùng tăm xiên thử vào đùi gà, thấy nước tiết ra không đỏ là gà đã chín. Vớt ra nhúng gà vào nước nguội để da gà được giòn. Sau khi gà ráo nước thì xoa một chút mỡ gà lên da để trông con gà béo vàng mọng (để lâu da không bị co nhăn nheo).

     

    Cách chọn gà trống choai và bày gà cúng giao thừa - Ảnh 3

     

    Cách bày gà cúng đêm giao thừa. Ảnh minh họa.

     

     

    Đặt gà lên đĩa to, tháo dây bầy ngay ngắn, mỏ cài bông hoa hồng đỏ rực (tiết, lòng bầy dưới bụng). Khi bày trên mâm cỗ cúng giao thừa bạn nhớ để đầu gà quay ra hướng cửa với ý nghĩa gọi mặt trời (ánh sáng) chiếu vào cửa nhà mình.

     

    Theo Nguoiduatin.vn