Chồng cầm điếu cày đánh vợ chỉ vì không sinh nổi 'thằng cu'
Khi anh ta nghe và nhìn thấy túi thuốc, anh ta nổi điên ném hết vào mặt H. Anh ta chỉ tay, ra dạng cấm đoán “Mày không được uống gì, cho tới khi sinh cho tao một thằng cu”.
Khi anh ta nghe và nhìn thấy túi thuốc, anh ta nổi điên ném hết vào mặt H. Anh ta chỉ tay, ra dạng cấm đoán “Mày không được uống gì, cho tới khi sinh cho tao một thằng cu”.
“Em thật sự rất buồn, nhưng giờ em không biết phải quyết định thế nào nữa. Em muốn ly hôn, nhưng em sợ rằng cha mẹ em sẽ bị người ta đàm tiếu, cười chê khi có đứa con gái mới cưới được thời gian đã bị nhà chồng ruồng bỏ, em sợ ly hôn rồi em không biết phải đi đâu về đâu nữa…”- H nói mà nước mắt giàn dụa.
Cấp tốc cưới chồng vì cha… trót nhận “lễ đen”
H sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Hòa Bình, từ nhỏ cô đã quen với cuộc sống lam lũ nhọc nhằn. Như bao bạn bè cùng trang lứa, cô ước sau này lớn lên, cô sẽ xuống thành phố làm việc, thoát li với cuộc sống nghèo hèn nơi thôn quê. Cô cũng hứa với mẹ, sau này khi có tiền cô sẽ đón cha mẹ xuống chơi, dẫn cha mẹ đi ăn những món cha mẹ cô thích.
Thời gian trôi nhanh, chẳng mấy chốc H trở thành cô thiếu nữ xinh đẹp. Khát khao lập nghiệp đã đưa H theo bạn bè xuống vùng đất thủ đô. Mọi thứ ban đầu thật mới, thật lạ lẫm. Nhưng rồi trước cuộc sống xô bồ H nhận ra “Hà Nội đẹp, nhưng công cuộc mưu sinh chẳng dễ một chút nào”.
Những tháng ngày khó khăn, cơ cực nơi đất khách quê người, H đã gặp gỡ với người đàn ông hơn mình 3 tuổi. Anh cũng là một chàng trai từ quê ra thành phố lập nghiệp, anh thấu hiểu và thương cô gái nhỏ tuổi như H vô cùng. Và rồi, họ đến với nhau bằng tình cảm chân thành nhất.
Nhưng rồi bố mẹ cô ở quê vẫn giữ quan điểm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, họ tự mình chọn con rể cho con gái mình và một mực bắt H về quê lấy chồng. Dù cho cô không đồng ý, cha mẹ em vẫn một mực khăng khăng nhận lễ và dùng những lời lẽ vô cùng gay gắt với cô gái trẻ.
Khóc lóc, cầu xin nhưng cha mẹ không chịu, H tìm đến gặp người yêu trong bộ dạng “thân tàn ma dại”. Anh yêu H nên bàn “Hay hai đứa mình trốn vào Nam đi”. H mới đầu còn đồng ý, nhưng sau đó, suy nghĩ lại cô đã lặng lẽ rời Hà Nội về quê và chấp nhận cuộc hôn nhân không có tình yêu. H biết là sẽ rất đau khổ, khó khăn nhưng cô không thể ngờ tới, đó là một cuộc sống địa ngục, sau này chính cha mẹ cô cũng phải ân hận, day dứt cả đời.
Dù mới chỉ là cô gái chưa tròn đôi mươi, nhưng H rất hiếu lễ. Cô biết cách sống phải trái, vâng lời bố mẹ bên nhà chồng. Vì thế, cô được mẹ chồng hết mực thương yêu, chỉ dạy. Bà chưa một lời phàn nàn hay trách cứ con dâu mỗi khi cô làm sai.
H đau đớn kể lại thời gian đau đớn bị gia đình chồng bạo hành tàn nhẫn.
Điều H lo lắng nhất chính là thái độ của bố chồng. Ông vốn là người cổ hủ, lại suốt ngày rượu chè. Hễ một chút không hài lòng là ông chửi vợ, chửi con. Từ ngày H về, ông quay sang xét nét con dâu. Ông chê H học hành ít chữ, nhỏ tuổi đã lấy chồng. Thậm chí khi H không nói gì khiến ông thêm bực “Cha mày, mày bị câm rồi hả? Sao mà bố chồng nói cứ im miệng thế”.
H đã rất cố gắng để dung hòa mọi thứ, những lúc đó có lẽ chồng là người duy nhất cô tin tưởng. Mới đầu, chồng H còn lên tiếng bênh vực vợ. Nhưng thời gian qua đi, anh càng trở nên xa cách. Anh kêu chán nản vì mỗi khi về nhà lại nghe tiếng chửi bới, anh thèm có đứa con trai để mở mày mở mặt với bạn bè. Đặc biệt, thời gian gần đây khi công việc không thuận lợi, thất nghiệp liên miên anh trút hết giận hờn lên đầu cô vợ nhỏ tuổi.
Những trận đánh dồn dập từ chồng, anh điên cuồng túm tóc, đấm đá liên tục vào người vợ khiến cô không dám vác mặt đi đâu. Dấu vết đòn roi xuất hiện ngày một nhiều trên khuôn mặt ngây thơ của cô gái trẻ. Mẹ chồng biết, nhưng bà chỉ biết lắc đầu. Bởi lẽ bà trước đây cũng từng phải chịu cảnh bị đánh đập, hành hạ từ chồng. Bà nói “mẹ sống tới ngày hôm nay cũng chỉ vì con cái mà thôi”.
H khóc rưng rức, mới chỉ chừng ấy tuổi đời sao cô phải chịu đắng cay như vậy? Sao lại là cô, sao lại là những người phụ nữ yếu ớt như thế? H muốn tìm đến cái chết để quên hết đi. Nhưng rồi, cô nghĩ cô phải sống, cha mẹ cần có cô trên đời này, nếu cô chết đi ai sẽ chăm sóc cha mẹ khi về già.
"Có bệnh"... cũng không được chữa
Nghĩ nhiều, H im lặng nuốt nước mắt vào trong. Cô tìm đến bệnh viện khám và chữa chứng bệnh trầm cảm thời gian qua. Nhưng rồi chuyện đến tai chồng, khi anh ta nghe và nhìn thấy túi thuốc, anh ta nổi điên ném hết vào mặt H. Anh ta chỉ tay, ra dạng cấm đoán “Mày không được uống gì, cho tới khi sinh cho tao một thằng cu”. Anh ta nói rồi hùng hổ bỏ đi.
H biết, mình đau mình ốm, mình cần được chữa trị, nếu không cô sẽ chết oan ức trong ngôi nhà này. Vì thế, theo liệu trình cô vẫn uống thuốc đều đặn. Nhưng rồi một ngày, bố chồng lén lút rình xem con dâu đang làm gì, ông ta phát hiện H uống thuốc.
Vốn ghét con dâu, ông ta hô hoán chồng H, thế là H lại phải chịu những lời chửi bới, lăng mạ từ chồng. Thậm chí, chồng H còn bạt tai, dùng điếu cày dọa đánh vợ để mong cô “tỉnh ngộ”.
Trước sự tàn ác của bố chồng, chồng, H đã kháng cự lại, trong bước đường cùng cô đã trở thành người hoàn toàn khác, bất chấp tất cả khiến nhà chồng sợ hãi.
Hôm đó, H tỉnh dậy trong bệnh viện Bệnh viện Tâm thần trung ương I (Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội), nhìn xung quanh một màu trắng xóa, cô đã khóc vì sợ hãi. Những chuyện xảy ra lúc đó vô cùng mơ hồ. H đã kháng cự, H đã cãi lại, cô dùng tay chân đấm đá liên hồi… Càng nghĩ H càng cảm thấy bế tắc, cô ôm mặt khóc nức nở. Âu cũng chỉ là bước đường cùng, cô đã “vùng lên” để bảo vệ bản thân mình.
Câu chuyện của H không đơn thuần là câu chuyện bạo hành gia đình nữa, bởi nó là tiếng chuông cảnh tỉnh của những cô gái vội vàng trong tình yêu. Khi mọi thứ chưa chín muồi, khi chưa hiểu rõ về đối phương thì các bạn trẻ không nên đặt tương lai của mình vào một mối quan hệ không chắc chắn. Và đây, cũng là bài học đắt giá cho những ông bố bà mẹ vẫn còn tư tưởng áp đặt lên chuyện hôn nhân của con cái.
Theo Nguoiduatin.vn