Chuyện cười ra nước mắt của những ông bố đặt tên con theo phim Hàn

    “Hồi nớ còn trẻ, ở trên núi ni chẳng biết mần chi, suốt ngày đêm xem phim Hàn Quốc rồi mê lúc nào không hay. Cả hai vợ chồng mê diễn viên Hàn Quốc xinh đẹp, nên vợ tui bảo sinh con ra cứ lấy cái tên nớ mà đặt…” - Pơloong Huân kể chuyện đặt tên Hàn Quốc cho 2 cô con gái của mình.

    “Hồi nớ còn trẻ, ở trên núi ni chẳng biết mần chi, suốt ngày đêm xem phim Hàn Quốc rồi mê lúc nào không hay. Cả hai vợ chồng mê diễn viên Hàn Quốc xinh đẹp, nên vợ tui bảo sinh con ra cứ lấy cái tên nớ mà đặt…” - Pơloong Huân kể chuyện đặt tên Hàn Quốc cho 2 cô con gái của mình.

     

     

    Những đứa con bước ra từ phim Hàn

     

    Hai con gái của vợ chồng trẻ Pơloong Huân (xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) là Pơloong Thị San Ốc và em gái Pơloong Thị Sun U là hai trong hàng trăm đứa trẻ nơi miền biên ải này mang tên nhân vật trong phim Hàn Quốc.

     

    Bây giờ thì cô chị Pơloong Thị San Ốc đã vào lớp 9, còn cô em gái Pơloong Thị Sun U học lớp 8 trường nội trú dân tộc huyện Tây Giang. Cả 2 đều là học sinh giỏi nhất nhì ở huyện Tây Giang.
     
     

     

    Hai chị em Pơloong Thị San Ốc và Pơloong Thị Sun U, được đặt tên theo phim Hàn Quốc những năm trước.

     

    Hơn 10 năm trước cái tên San Ốc và cô em Sun U là hai cái tên được báo chí nhắc nhiều khi viết về những làng bà con Cơ Tu nơi miền biên ải đặt tên con theo phim Hàn Quốc.

     

    Thời đó, cả 2 chị em San Ốc và cô em Sun U được báo chí gọi là những đứa con bước ra từ phim Hàn nơi làng Achiing, xã A Tiêng.

     

    Bây giờ thì người cha Pơloong Huân đã là cán bộ xã Atiêng (Tây Giang) nhưng mỗi khi có ai đó hỏi về 2 cô con gái, người cha trẻ ấy tỏ ra nuối tiếc khi cái tên con gắn cả cuộc đời lại xa lạ nơi miền rừng này.

     

    “Chừ ngồi nghĩ lại thấy tội cho con bởi đến lớp bạn bè thường hay trêu chọc, rồi người ta tò mò vì cái tên xa lạ với bà con đồng bào mình. Do hồi nớ vợ chồng mình còn trẻ, lần đầu được xem phim nên thích và mê lắm. Nhất là mấy diễn viên xinh đẹp nên lấy tên đặt cho con. Ai ngờ…” - Anh Huân tâm sự.

     

    Phía sau lời tâm sự của anh Huân là giọt nước mắt ân hận, dù anh đã cố quay mặt nhìn xa xăm vào phía rừng thẳm.

     

    “Đến bây giờ vợ chồng mình vẫn còn buồn mỗi khi chứng kiến cảnh con khóc vì bị bạn bè trêu chọc khi đến lớp hay chơi với bạn cùng làng”. - Anh Huân tâm sự.

     

    “Hồi còn nhỏ khi chơi với bạn cùng làng hay đến lớp thường bị bạn trêu chọc vì cái tên Hàn Quốc. Nhưng bây giờ em cũng quen rồi, với lại ba mẹ, thầy cô, bạn bè thương em lắm”, cô chị San Ốc kể.
     
     

     

    Pơloong Thị San Ốc - niềm tự hào của làng Achiing.

     

    Hỏi ước mơ? Cả San Ốc và Sun U đều bảo cố gắng học thật giỏi để trở thành cô giáo.

     

    Bây giờ đi khắp huyện Tây Giang, cái tên San Ốc, Sun U nổi tiếng khắp huyện, không phải vì lạ, vì "lai Hàn Quốc" như ngày xưa mà vì bảng thành tích của hai cô bé cứ dày thêm theo từng năm học với các loại bằng khen, giấy khen từ cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh, trở thành niềm tự hào cho cả bản làng Achiing hôm nay.

     

    Xin cải chính tên cho con

     

    Trở lại xã Atiêng, nơi miền biên ải một thời cơn sốt đặt tên con theo phim Hàn Quốc tràn qua, những cặp vợ chồng trẻ bây giờ đã không còn mê phim Hàn như cách đây 10 năm.

     

    Blúp Vang, cán bộ tư pháp xã, giở sổ hộ tịch bảo: Mấy năm nay không thấy bóng dáng của những cái tên gây sốt một thời như Giang Gun, SoRa, Yamaha, San Ốc, San U…

     

    Hỏi tại sao, Blúp Vang giải thích: Bây giờ bà con cũng đã quá quen với phim ảnh, không còn háo hức đến nỗi mang mấy nhân vật trong phim ra để đặt tên con.

     

    Lật giở sổ đăng ký hộ tịch của xã Atiêng, một cái tên khá lạ nhưng đầy lý thú: Blúp Lăng Hoàng Sa là tên của đứa con trai vợ chồng trẻ Blúp Hè và Alăng Thị Bâu ở thôn R’bượp, xã Atiêng.

     

    Đây là đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ ra đời vào những ngày Biển Đông dậy sóng, khi tin tức về biển đảo được liên tục phát trên truyền hình. Vợ chồng Blúp Hè chọn cái tên Hoàng Sa để đặt cho con, như một cách thể hiện tình yêu của mình với phần đất thiêng liêng của tổ quốc.
     
     

     

    Làng Achiing, ngôi làng một thời được mệnh danh là làng Hàn Quốc nơi miền biên giới Tây Giang. Bây giờ bà con đã quay về đặt tên theo truyền thống.

     

    Cán bộ tư pháp xã cũng ngạc nhiên vì cái tên “lạ”, vì đây là gia đình hiếm hoi trong cộng đồng Cơ Tu có cả họ mẹ (lót chữ Lăng – PV) trong tên con, vì lâu nay tên của con cái người Cơ Tu đều chỉ có họ của cha.

     

    Ngoài những tên lạ theo phim Hàn, thỉnh thoảng trên các bản làng Cơ Tu nơi miền biên ải này thỉnh thoảng xuất hiện những cái tên “độc” như: Ating Bao Công (con của Ating Vót, thôn Agrồng, xã Atiêng) hoặc Arâl Pikachu (con của Arâl Pứ, thôn Tà Ghêy, xã Avương).

     

    Những cái tên xa lạ bây giờ đã bị cộng đồng làng “phản ứng” vì trái với tập tục. Nên ngay tại xã Avương (Tây Giang), hàng chục trường hợp bắt đầu xin cải chính tên cho những đứa trẻ bước ra từ phim Hàn một thuở.

     

    Những cái tên như Alăng BôRa thì được cải chính thành Alăng Bè, Alăng Thị LinĐa xin đổi lại thành Alăng Thị Tiểu Niên. Có những cái tên đọc “líu cả lưỡi” như Alăng Thị Thiên Thân Asở (sinh năm 2010, ở thôn Blố 1, xã Avương) được đổi lại tên Alăng Thị Kiều Oanh… Sức “đề kháng” của phong tục, tập quán đã kịp thời ngăn chặn trào lưu đặt tên con theo phim.

     

    Những đứa con bước ra từ phim Hàn giờ không còn là niềm tự hào nữa, chỉ còn là sự tiếc nuối của những người cha người mẹ.

     

    Ngay thôn Aching, ngôi làng của phim Hàn, cũng không còn ai mặn mà với mấy cái tên đến từ xứ sở Kim Chi như ngày xưa. “Amế (mẹ), Adhi (chị) có còn muốn đặt tên con giống Hàn Quốc như xưa nữa không?”, tôi hỏi - Câu trả lời chỉ là những cái lắc đầu…
     
     
     
    Theo Docbao.vn