Nhạc Việt “đói” ca khúc mới

    Hàng loạt chương trình ca nhạc gây chú ý trên truyền hình lẫn thị trường hiện nay đều sử dụng những bài hát xưa hoặc tái hiện không gian âm nhạc của ngày cũ.

    Hàng loạt chương trình ca nhạc gây chú ý trên truyền hình lẫn thị trường hiện nay đều sử dụng những bài hát xưa hoặc tái hiện không gian âm nhạc của ngày cũ.

     

    Hơn 30 năm hát Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn) nhưng ca sĩ Cẩm Vân vẫn “sởn gai ốc” và nhận được nhiều tràng pháo tay khi thể hiện lại ca khúc này trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 3-2014 - Ảnh: Hương Thảo

     

     
    Trong chương trình Bài hát yêu thích - nơi được kỳ vọng là “bảng xếp hạng âm nhạc” của thị trường nhạc Việt, hai năm qua đã không ít lần vinh danh những bài ca xưa trong các chương trình hằng tháng, hằng quý. Và ngôi vị số 1 năm 2012 đã thuộc về Chiếc khăn piêu (của nhạc sĩ Dzoãn Nho sáng tác 60 năm trước) và năm 2013 là Chiếc vòng cầu hôn(Trần Tiến sáng tác năm 1992, từng được Đài truyền hình VN bình chọn là Bài hát hay nhất năm 1992-1993)...

    Còn tính từ đầu năm đến nay, số lượng sô giới thiệu các ca khúc mới không nhiều, bù lại là những sô lớn với các ca khúc “còn mãi với thời gian”: Tình khúc với thời gian, Âm nhạc và bước nhảy, Tôi tỏa sáng, Dấu ấn, Duyên dáng VN, Giai điệu tự hào, 13 năm nhớ Trịnh Công Sơn... Đó là chưa kể “khu vực” phòng trà - nơi gần như sáng đèn mỗi đêm thì nhạc mới hầu như rất hiếm có cơ hội xuất hiện, trừ những dịp giới thiệu album mới của các ca sĩ. Các biên tập viên âm nhạc - từ phòng trà đến sân khấu lớn hay chương trình truyền hình - đều cho biết họ thấy một nhu cầu rất lớn muốn nghe lại các sáng tác cũ trong khán thính giả.

     

    Nhạc xưa lấn át nhạc nay
     
    Thật ra với Âm nhạc và bước nhảy, Tôi tỏa sáng, Dấu ấn hay Duyên dáng VN vừa qua đều có cả nhạc xưa lẫn những ca khúc mới tinh. Tuy nhiên, các tiết mục trình diễn nhạc xưa hay bài “hit” một thời lại được hưởng ứng nhiều hơn. Tại Duyên dáng VN 27 diễn ra ở Đà Nẵng, các sáng tác mới như: Đừng ngồi yên trong góc tối, Vẫn trông tình, Gắn kết mùa xuân... qua phần thể hiện của các giọng ca trẻ đầy nội lực (Văn Mai Hương, Uyên Linh, Phương Vy) đều không nhận được nhiều tràng pháo tay bằng các tiết mục Thu hát cho người (Vũ Đức Sao Biển), Tiếng dân chài(Phạm Đình Chương), Ngày xưa lên 5 lên 3 (Trầm Tử Thiêng), Về đây nghe em (Trần Quang Lộc)...

    Khi hỏi các ca sĩ về việc chọn hát nhạc xưa trong các chương trình hiện nay, hầu hết các câu trả lời mà chúng tôi nhận được là sở thích chỉ một phần, cái chính là hiện tại có quá ít ca khúc mới có thể tạo thành “hit” hay “đi vào lòng người”.

    Jet Studio - đơn vị sản xuất chương trình Tình khúc vượt thời gian - cũng vừa giới thiệu thêm một chương trình mới mang tên Sol Vàng với sô đầu tiên giới thiệu giọng hát của danh ca Elvis Phương vào tối 10-5 tại Trung tâm ca nhạc Lan Anh. Đại diện Jet Studio cho biết vì thấy nhu cầu nghe nhạc xưa, những tình khúc bất hủ của khán thính giả khá cao nên đã tiếp tục giới thiệu Sol Vàng (thứ bảy tuần thứ hai của tháng trên VTV9) với nhân vật chính là các ca sĩ gạo cội.

    Trong buổi họp báo giới thiệu chương trình Dấu ấn tháng 4-2014, ca sĩ Lam Trường đã chia sẻ: “Ngày nay rất khó để có một ca khúc “hot” hay trở thành ca khúc vượt thời gian vì các ca khúc đều không có đủ thời gian thử thách. Quá nhiều ca khúc mới ra mắt trong một tháng và có quá nhiều kênh để các ca khúc đó đến với công chúng. Nhưng quy luật xưa nay vẫn không thay đổi, cái gì dễ đến thì dễ đi”.

    Đó cũng chính là lý do vì sao những giọng ca muốn đứng được trên sân khấu hiện nay đều phải tập hát lại những bài ca xưa cũ, từ những ca sĩ hạng A của thị trường, các ca sĩ được cho là “hàn lâm” cho đến các ca sĩ trẻ... Ngay như Đàm Vĩnh Hưng, người luôn tự tin với các sản phẩm âm nhạc của mình cho dù đó là nhạc xưa hay nhạc nay, cũng phải cân nhắc khi giới thiệu album mới nhất của mình. Tình buồn của H (vừa phát hành tháng 4-2014) không nằm trong chuỗi album nhạc xưa của Đàm Vĩnh Hưng, được ra mắt với kỳ vọng “bơm” những bài hit mới cho thị trường nhưng vẫn phải kèm theo rất nhiều ca khúc hải ngoại nổi tiếng của thập niên 1980: Con yêu, Chỉ còn mình anh, Niềm đau chôn giấu, Hỡi người tình...

    Ca khúc hay, “em” ở đâu?

    Ngoài việc quá nhiều ca khúc được đưa ra thị trường một cách dễ dàng khiến việc “tạo hit” ngày một khó, thì còn một lý do khác được nhiều người biên tập âm nhạc đề cập: hầu hết ca khúc mới đều được viết theo phong cách R&B hay dance thời thượng. Mà những ca khúc này ngoài lời lẽ không đủ sâu sắc, lại thường được dàn dựng cùng vũ đoàn với những phần biểu diễn “ngoạn mục” nên khán giả dĩ nhiên dễ bị phần nhìn (hình thức) chi phối và rất dễ quên mất phần lời hát, tư tưởng hay thông điệp của ca khúc (nội dung).

    Hơn nữa, cũng lâu rồi những nhạc sĩ đương thời sung sức, được cho là có nghề và mát tay như Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung, Nguyễn Hải Phong... ít có sáng tác mới theo kiểu viết vì “bức xúc” hay viết lên nỗi lòng của mình. Những sáng tác gần đây của các nhạc sĩ này phần lớn đều theo yêu cầu của ca sĩ, nhà sản xuất chương trình hay các đơn vị quảng cáo. Vậy nên khó tránh các ca khúc chỉ mang tính thời vụ hay sự kiện, khó sống bền lâu trong lòng người nghe.

    Việc có quá nhiều máy móc, thiết bị, phần mềm hỗ trợ việc sáng tác cũng phần nào làm các sáng tác mới dễ trở nên nhạt nhòa, chóng phai. Các phần mềm sáng tác, hòa âm đưa người sử dụng tiếp cận và bắt kịp rất nhanh với xu hướng thế giới, nhưng dù sao đó vẫn chỉ là những “bài văn mẫu” nên khó tránh khỏi sự rập khuôn, khô khan, thiếu dấu ấn cá nhân nếu người sử dụng không đủ tài năng, sự sáng tạo hay cá tính riêng. Việc lạm dụng các thiết bị, kỹ thuật, phần mềm cùng “công thức tạo hit” của số đông nhạc sĩ đương thời hiện nay cũng phần nào khiến các ca khúc mới cứ “trơn tuột”, thiếu cảm xúc và na ná nhau đến buồn chán.

    Trên các diễn đàn âm nhạc hiện có rất nhiều tranh luận về việc tìm đâu ra ca khúc hay khi các sáng tác trên thị trường phần lớn đều đậm tính thương mại, ít cảm xúc. Vậy nên mới có việc ban tổ chức Giải Cống hiến và các phóng viên mảng ca nhạc luôn rất “đau đầu” để sàng lọc ra các đề cử cho hạng mục Ca khúc của năm. Đó là những ca khúc được nghe hay nhắc đến nhiều nhất trong năm, chứ không phải là ca khúc được yêu thích nhất hay ca khúc hay nhất. Bởi ngày nay có quá nhiều thủ thuật để một ca khúc bình thường có thể trở thành “được yêu thích nhất” với lượt nghe cùng tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhiều nhất.
     
     
    Tôn vinh ca khúc mới
     
    Một sân chơi góp phần cứu “đói” cho ca khúc Việt với nhiều sáng tác mới ít nhiều bắt đầu thâm nhập đời sống âm nhạc là Bài hát Việt. Hiện tại, Bài hát Việt là sân chơi duy nhất, tâm huyết nhất trong việc tìm kiếm các tác giả trẻ, tôn vinh các ca khúc mới. Sân chơi này hiện đã bước sang năm thứ 10 (lần đầu tiên ra mắt vào năm 2005) và thật sự mang đến nhiều cơ hội cho người sáng tác. Rất nhiều tác giả trẻ đã nổi lên từ sân chơi này: Nguyễn Hải Phong, Lưu Thiên Hương, Bảo Lan, Thanh Tâm... Năm 2013, Bài hát Việt cũng đã tìm thấy được một vài nhân tố đáng chú ý như: Phạm Hải Âu, Phạm Toàn Thắng, Nguyễn Đức Hùng, Đinh Kai, Trần Văn Tuấn Long, Tiên Tiên...
     
    Theo Docbao.vn