Truyền hình giải trí ngày càng nhàm chán
Sự nhàm chán của truyền hình giải trí khiến lượng khán giả mất dần, doanh thu quảng cáo cũng không đủ bù đắp chi phí cho nhà đài và nhà sản xuất
Sự nhàm chán của truyền hình giải trí khiến lượng khán giả mất dần, doanh thu quảng cáo cũng không đủ bù đắp chi phí cho nhà đài và nhà sản xuất
Khác với thái độ hồ hởi, chờ đợi của công chúng những năm trước đây mỗi khi có một chương trình truyền hình thực tế ăn khách nổi tiếng của nước ngoài được Việt hóa lên sóng, các chương trình truyền hình giải trí cả cũ lẫn mới lên sóng hiện nay diễn ra trong tình trạng khán giả ngó lơ.
Ăn nhiều chóng chán
Các chương trình truyền hình thi ca hát vẫn là lựa chọn ưu tiên trong thực đơn giải trí của công chúng. Nhiều cuộc thi trên sóng truyền hình nối tiếp nhau ra đời và ngày càng tăng lên. Song, “ăn nhiều chóng chán”, các chương trình cả cũ lẫn mới đều lần lượt mất dần lượng người xem dù nhà tổ chức đã có nhiều nỗ lực tìm cách cứu vớt.
Không kể đến những cuộc thi hát lâu năm đã không còn sức hút như Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn, Ngôi sao tiếng hát truyền hình..., các chương trình có thương hiệu như Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Tôi là người chiến thắng... đều có rating (chỉ số người xem) giảm dần. Hai chương trình mới nhất xuất hiện trong năm nay là Ngôi sao Việt (K-Pop) và Nhân tố bí ẩn (X-Factor) cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong đó, Ngôi sao Việt diễn ra trong tình trạng chẳng mấy ai ngó ngàng tới.
So với hàng loạt chương trình được dùng để nối sóng, những chương trình này tạm coi là chủ chốt được nhà sản xuất kỳ vọng nhất về lượng công chúng quan tâm và mang lại hiệu quả cao về mặt kinh doanh. Thế nhưng, rating của các chương trình đều rơi vào vòng nguy hiểm. Dù chưa được công bố chi tiết nhưng với con số đưa ra mang tính định hướng (cao nhất 10%, thấp nhất là 2%), không khó để nhận thấy các chương trình giải trí được xem ăn khách nhất không còn sức hút nhiều như trước.
Chương trình ăn khách nhất trong số những cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình là Giọng hát Việt nhí cũng không mang lại sự tự tin cho nhà sản xuất quyết định tổ chức đêm chung kết ở nhà thi đấu thể thao có sức chứa lên đến hàng ngàn khán giả như mùa đầu. Đêm chung kết của chương trình này chỉ sẽ diễn ra trong không gian nhỏ vài trăm khán giả của Hãng phim Giải Phóng. Khán giả không mấy quan tâm nên truyền thông cũng không thể ồn ào được nữa.
Không còn những cơn sốt bình luận về các ứng viên, thiếu hẳn những bài đánh giá sau mỗi đêm tranh tài, cư dân mạng không mấy hào hứng tranh luận cho dù ít nhiều cũng có những chiêu trò mang mục đích châm ngòi tranh luận tung ra từ các chương trình nhưng cũng chẳng đáng bận tâm.
Ngày tàn không xa
Thực tế, dù chưa đến mức hết thời nhưng sự lạnh nhạt của công chúng đối với các cuộc thi, chương trình giải trí truyền hình, đứng đầu là ca hát, cho thấy ngày tàn của chúng không xa bởi sự nhàm chán đang tăng dần.
“Thực tế cho thấy các cuộc thi diễn ra trên sóng truyền hình khá cần thiết. Đây là một kênh thông tin để đo độ phù hợp của một tài năng đối với thị trường giải trí thông qua đánh giá của cả giới chuyên môn lẫn công chúng. Tuy nhiên, có một sự thật không thể chối cãi là chúng ta đang gặp rắc rối về tài năng. Trên thế giới, dù không phải mùa giải nào các chương trình tìm kiếm tài năng cũng tạo hứng thú cho người xem nhưng chưa bao giờ có chuyện bị rơi vào tình trạng khan hiếm nhân tài đến mức bế tắc như ở Việt Nam hiện nay. Ngày càng nhiều gương mặt cũ, thậm chí là những người đã từng là ca sĩ nhiều năm, quay trở lại tham gia cuộc thi. Họ đi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác và chất lượng thì rõ ràng không có tiến triển gì. Chán là điều dễ hiểu” - ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi nhận xét.
Nhân tài tham gia các chương trình không có nhiều để thu hút khán giả, hình thức tổ chức na ná nhau của các chương trình khiến người xem dễ nhàm chán. Vì vậy, yếu tố lạ đã giúp một số chương trình ăn khách trong mùa đầu nhưng sang mùa sau đã có dấu hiệu gây nhàm chán. Giọng hát Việt nhí là một bằng chứng. So với mùa đầu, Giọng hát Việt nhí mùa thứ hai có vài giọng ca vượt trội như Thiên Nhâm, Thiện Nhân... nhưng yếu tố lạ của chương trình đã không còn.
Để giữ sóng giờ vàng và giữ bản quyền các chương trình truyền hình giải trí, các công ty sản xuất phải gồng mình trước khó khăn trước khi tìm ra những hướng đầu tư mới. Những chương trình giải trí mang tính tạp kỷ được cho là món ăn mới trong thực đơn giải trí của khán giả truyền hình như Người bí ẩn hay Gương mặt thân quen. Tuy nhiên, theo nhiều người trong giới, nếu đơn vị nào cũng đổ xô làm chương trình tạp kỹ như đã thực hiện với ca nhạc thì còn “chết” sớm hơn.
Quảng cáo giảm đáng kể
Mất dần lượng người xem, các chương trình giải trí truyền hình phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đại diện một đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình giải trí có tiếng nhất hiện nay cho biết: “Không có tài trợ không đáng quan ngại vì doanh số chương trình phụ thuộc nhiều vào thời lượng quảng cáo trước, trong và sau mỗi kỳ phát sóng. Nhưng năm nay, kể cả chương trình “hot” trên VTV3 với lượng rating cao nhất thì lượng quảng cáo cũng giảm đáng kể. Quảng cáo và khán giả thực tế có mối liên hệ tỉ lệ thuận”.
Một đơn vị sản xuất khác cũng thừa nhận chương trình ăn khách năm trước của mình năm nay không có quảng cáo nào.
Theo nld.com.vn