5 phương án dự kiến thay thế điểm sàn

    Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến các trường đại học về dự thảo 5 phương án xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào thay thế cho điểm sàn từ năm 2014.

    Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến các trường đại học về dự thảo 5 phương án xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào thay thế cho điểm sàn từ năm 2014.

     

    Tuần qua, Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến kín với các trường ĐH, CĐ phía Bắc về dự thảo 5 phương án xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào, thay thế tiêu chí duy nhất là điểm sàn. Chiều nay, Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của các trường phía Nam.

    Theo dự thảo, phương án 1 là phân tầng theo tổng điểm 3 môn thi. Cụ thể, điểm sàn được tính bằng cách cộng tổng điểm ba môn thi của từng khối thi, dựa trên cơ sở phổ điểm và bảo đảm tổng nguồn tuyển vượt tổng chỉ tiêu. Mỗi khối thi xác định 3 mức điểm sàn (cao, trung bình, thấp) để các trường lựa chọn. Điểm môn ưu tiên tính theo ngành đào tạo, được nhân hệ số.

    Với sự tư vấn của Hội đồng xét chất lượng đầu vào, Bộ Giáo dục sẽ công bố 3 mức điểm sàn cho mỗi khối thi. Các trường ĐH, CĐ căn cứ vào đặc thù của trường và tình hình tuyển sinh các năm để xác định mức điểm sàn tương ứng (chỉ được chọn mức cao hoặc trung bình), điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi theo khối thi có nhân hệ số môn ưu tiên của ngành.

     

    Trong vài ngày tới Bộ GD&ĐT sẽ công bố dự thảo các phương án thay thế điểm sàn để lấy ý kiến dư luận. Ảnh: HH

     

    Phương án 2 là phân nhóm, tức là tổng điểm ba môn thi được xác định trên cơ sở phân tích phổ điểm của từng môn trong khối thi. Mỗi môn xác định 4 ngưỡng khác nhau để các trường lựa chọn. Hội đồng xét chất lượng đầu vào sẽ xác định 4 giá trị “ngưỡng” điểm P1, P2, P3, P4 sao cho: Đạt điểm P1 trở lên có 30% thí sinh trong tổng số thí sinh dự thi; P2 trở lên có 45%; P3 trở lên có 60%; P4 trở lên có 75%. Tỷ lệ này có thể thay đổi do hội đồng xét chất lượng đầu vào đề xuất, Bộ trưởng sẽ quyết định.

    Các trường ĐH, CĐ tùy theo đặc thù của trường cũng như ngành đào tạo, xác định và công bố công khai môn thi chính ứng với từng ngành, chọn mức tối thiểu với từng môn và xác định ngưỡng xét tuyển. Các trường ĐH chỉ được phép chọn từ mức P3 trở lên và môn chính chỉ được chọn mức P1, P2; với trường CĐ, môn chính không được chọn mức P4.

    Phương án ba là kết hợp ngưỡng chất lượng theo khối thi và môn thi. Dựa vào phổ điểm kết quả của từng môn thi, khối thi, Hội đồng xét chất lượng đầu vào xác định 3 giá trị ngưỡng điểm P1, P2, P3 với từng môn thi và 3 giá trị điểm sàn đối với từng khối thi. Bộ công bố các mức điểm của tất cả các môn thi và mức điểm sàn ứng với khối thi để các trường tự chủ xây dựng phương án xét tuyển.

    Các trường ĐH, CĐ tự xác định và công bố công khai môn thi chính ứng với từng ngành (xác định ngưỡng theo môn) hoặc xác định khối thi đối với từng ngành (xác định ngưỡng theo khối thi). Nếu xác định ngưỡng chất lượng theo môn, phải chọn ít nhất 1 môn chủ chốt và một trong 2 môn Toán, Văn.

    Phương án bốn tính theo đặc thù vùng miền. Theo đó sẽ chia khu vực tuyển sinh thành: Miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Sau đó thống kê điểm của thí sinh vào trường trong khu vực theo khối thi; chia nhóm kết quả theo từng khối thi trong từng khu vực. Nhóm 1 là 30% số thí sinh đạt yêu cầu, nhóm 2 là 50%  và nhóm 3 là 70%.

    Các trường tùy theo khả năng tuyển sinh của mình xác định nhóm tuyển sinh, thí sinh có thể dịch chuyển từ khu vực này sang khu vực khác nếu có kết quả thi phù hợp.

    Phương án 5 là xác định theo ngưỡng chính thức và ngưỡng dự bị, tức là chia phổ điểm ba môn thi thành 4 mức 25%, 50%, 65% và 80%. Đợt xét tuyển thứ nhất các trường ĐH tùy theo khả năng tuyển sinh, ưu tiên gọi thí sinh trong nhóm 25% hay nhóm 50%. Đợt hai những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu có thể xét tuyển thí sinh đến nhóm 65%.

    Những thí sinh có mức điểm ngưỡng 50% và 65% trước khi vào học chính thức phải học bổ sung kiến thức 6 tháng. Nhóm 80% dành cho các trường CĐ tuyển sinh.

    Cục trưởng Khảo thí và kiểm định chất lượng Giáo dục Mai Văn Trinh cho biết, hiện Bộ Giáo dục đang lắng nghe ý kiến các trường, sau đó tập hợp thành dự thảo hoàn chỉnh. Trong 1,2 ngày tới sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận.

     

    Theo Vnexpress