Chọn ngành hữu ích tại địa phương

    Thí sinh có hoàn cảnh khó khăn nên cân nhắc chọn trường ở địa phương để giảm chi phí đồng thời có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường

    Thí sinh có hoàn cảnh khó khăn nên cân nhắc chọn trường ở địa phương để giảm chi phí đồng thời có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường

     

    Ngày 23-3, chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và sự đồng hành của các trường ĐH, CĐ đã diễn ra tại Trường THPT Chu Văn An (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Đây là chương trình cuối cùng trong chuỗi 9 chương trình tại các tỉnh, thành và được Đài PT-TH Ninh Thuận truyền hình trực tiếp.

     

    Tìm trường theo tiêu chí phù hợp

    Từ 7 giờ, gần 2.000 học sinh đến từ các trường ở TP Phan Rang - Tháp Chàm như: THPT Chu Văn An, THPT Tháp Chàm, THPT Nguyễn Trãi, THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh... cùng học sinh của huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải đã nô nức đến tham dự. Mặc dù trời nắng nóng và gió lớn nhưng các em chăm chú theo dõi chương trình và đặt nhiều câu hỏi thiết thực tới ban tư vấn.

     

    Thí sinh tỉnh Ninh Thuận tham gia chương trình sáng 23-3 Ảnh: GIA THÙY
     
    Thí sinh tỉnh Ninh Thuận tham gia chương trình sáng 23-3 Ảnh: GIA THÙY
     
     

    TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết so với các địa phương, hằng năm, số lượng học sinh tỉnh Ninh Thuận dự thi ĐH, CĐ ít. Ninh Thuận cũng là địa phương chưa có điều kiện học tập tốt. Vì thế, theo TS Nghĩa, rất cần thiết phải cân nhắc chọn trường ĐH, CĐ hay trường chỉ tổ chức xét tuyển. “Các em cần xem xét sức học của bản thân để chọn trường cho phù hợp” - TS Nghĩa lưu ý.

    Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, đồng cảm với tâm tư của thí sinh về những ngày tháng 3 ý nghĩa, khi thí sinh đang đứng trước những ngưỡng cửa quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH.

    “Chuẩn đầu ra hiện nay ở các trường được xây dựng trên những tiêu chí như: kiến thức, kỹ năng, thái độ. Đây là 3 chuẩn đầu ra quan trọng của các trường. Do đó, việc chọn nghề, chọn ngành đúng rất quan trọng. Nếu chọn nghề không phù hợp, không có đam mê thì các em có thể bỏ học, bỏ nghề bất cứ lúc nào. Ngay từ bây giờ, các em cần phân biệt thích và hợp. Và điều kiện cần và đủ là hợp” - TS Lý chia sẻ.

     

    Thuận lợi khi chọn trường gần nhà

    Thí sinh tỉnh Ninh Thuận quan tâm đến điều kiện học tập của các trường địa phương, điểm khác biệt khi học ở các trường có cơ sở đóng tại Ninh Thuận và TP HCM.

    Thí sinh Phạm Văn Đông, Trường THPT Chu Văn An, hỏi: “Học tại Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tại Ninh Thuận khác gì so với khi học tập tại TP HCM?”. PGS-TS Phạm Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng kiêm Phân hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm tại Ninh Thuận, cho biết: Chương trình học sẽ gồm 2 năm học tại Ninh Thuận và 2 năm học tại TP HCM. Tại TP HCM, ngoài kiến thức chuyên môn, các em sẽ được học thêm kỹ năng mềm để giúp các em thuận lợi tìm việc làm sau này.

    “Điểm khác biệt ở phân hiệu và ở TP HCM là các em được ăn cơm tại nhà mà vẫn được học trường công lập lớn với chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với tại TP HCM. Mặt khác, lượng kiến thức dạy giống nhau, bằng cấp khi ra trường cũng tương đương” - PGS Hiền phân tích.

    Thí sinh Nguyễn Thị Trà My, Trường THPT Chu Văn An, hỏi về điểm khác biệt giữa ngành quản trị kinh doanh và quản trị khách sạn. Hay một thí sinh khác hỏi về ngành quản trị khách sạn và quản trị nhà hàng giống hay khác nhau. ThS Phạm Thế Vinh - Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trường ĐH Tài chính Marketing - cho biết: Đây là những ngành hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, trong quá trình học ngành quản trị khách sạn sẽ có rất nhiều môn học về quản trị kinh doanh. Trong khi đó, chương trình học ngành quản trị khách sạn và quản lý nhà hàng giống nhau khoảng 70%.

    TS Vinh chia sẻ thêm rằng dọc dải đất miền Trung có nhiều khách sạn, khu du lịch đồng nghĩa với việc rất cần nhân lực ngành này. Tuy nhiên, các em có thể lựa chọn ngành quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng… tại những trường trung cấp, CĐ hay ĐH tùy sức học, điều kiện gia đình vì hiện nay, rất nhiều trường tại địa phương mở các ngành này.

    TS Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý thí sinh cần theo dõi để biết chính xác tên ngành dự thi và mã ngành liên quan. Ví dụ, ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM chỉ có ngành xã hội học, không có chuyên ngành xã hội học; không có ngành song ngữ Nga - Anh mà chỉ có ngành ngôn ngữ Nga. “Khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Nga, ngoài việc nhận bằng cử nhân tiếng Nga, các em còn được cấp bằng CĐ tiếng Anh. Hiện nay, các tỉnh từ Nha Trang vào Bình Thuận thu hút nhiều dự án đầu tư của Nga nên nhu cầu nguồn nhân lực ngành này khá cao” - TS Nghĩa nói.

     

    Mong chương trình trở lại Ninh Thuận

    Dù hơn 11 giờ, thời lượng phát sóng trực tiếp trên Đài PT-TH  Ninh Thuận đã khép lại nhưng nhiều học sinh vẫn tìm gặp các thành viên trong ban tư vấn để được giải đáp kỹ hơn.

    Thầy Lương Văn Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, chia sẻ: Học sinh tỉnh Ninh Thuận đa số con nhà nghèo, rất thiếu thông tin. Chương trình do Báo Người Lao Động tổ chức là cơ hội cho các em học sinh nắm bắt được rất nhiều thông tin hữu ích, định hướng và giúp các em có sự lựa chọn tương lai cần thiết. “Các trường tham gia tư vấn gắn liền với nguồn nhân lực của tỉnh. Tôi hy vọng sang năm, chương trình ý nghĩa và bổ ích này sẽ trở lại với học sinh tỉnh Ninh Thuận” - thầy Lâm nói. G.Thùy

     

     

     

    Theo nld.com.vn