Đánh giá học sinh phổ thông trên diện rộng
“PASEC và PISA là một phần trong đổi mới kiểm tra đánh giá, đó là đánh giá trên diện rộng”
PASEC và PISA là một phần trong đổi mới kiểm tra đánh giá, đó là đánh giá trên diện rộng”
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết như vậy tại Hội nghị tổng kết PISA và triển khai nhiệm vụ đánh giá học sinh phổ thông trên diện rộng tại Việt Nam tổ chức sáng nay (27/2).
Việc đánh giá trên diện rộng Bộ GD&ĐT đã có thông tư quy định và cũng đã chính thức đi vào chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Thực hiện nghiêm túc, chất lượng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là giải pháp đột phá.
Gọi là đột phá vì chúng ta xác định vấn đề cốt lõi là đổi mới mục tiêu giáo dục chuyển từ trang bị kiến thức kỹ năng sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.
Để đáp ứng điều này, phải thay đổi cơ bản, đồng bộ các yếu tố của chương trình giáo dục, bao gồm mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá và đánh giá giáo dục…
Với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, phải chuyển từ kiểm tra đánh giá gắn chủ yếu coi trọng kiến thức, xem học sinh học được gì sang đổi mới kiểm tra, đánh giá xem học sinh học được gì để vận dụng, giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
Điều đó yêu cầu phải thiết kế những câu hỏi, những bài tập, bài kiểm tra, đề thi… khác so với trước. Hướng tới làm một cách nghiêm túc, chất lượng, được xã hội thừa nhận, không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Đánh giá để tác động trở lại người dạy, người học
Hướng thứ hai, theo Thứ trưởng là coi trọng kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học với kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục.
“Nếu coi trọng việc cho điểm, nghĩa là chỉ chú trọng đo lường kết quả học tập chưa chưa có đánh giá” – Thứ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, đánh giá phải thông qua trong quá trình dạy học, kết quả dạy học tác động trở lại, gợi ý cho người dạy, người học để cải thiện dần chất lượng giáo dục, từng bước, từng khâu, từng nhiệm vụ một.
Để làm được việc này, trong quản lý chất lượng, Nghị quyết Trung ương nêu rõ phải coi trọng quản lý cả chất lượng đầu vào, quá trình giáo dục và kết quả đầu ra. Theo định hướng đó, phải làm tốt kiểm định chất lượng giáo dục.
Hướng thứ ba, theo Thứ trưởng, phải làm thế nào để thi, công nhận tốt nghiệp với tuyển sinh ĐH, CĐ đồng bộ, hỗ trợ nhau và có kết quả tin cậy.
“Hướng quan trọng và rất mới là cùng với đánh giá từng học sinh như chúng ta đã làm lâu nay, có đánh giá trên diện rộng, không nhằm vào từng học sinh.
Chúng ta sẽ làm đồng thời việc này, vừa đánh giá chất lượng học sinh của địa phương, đất nước, vừa tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế để biết được mặt bằng giáo dục của địa phương, đất nước, vừa tìm ra những khuyến nghị cần thiết về chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục” – Thứ trưởng cho hay.
Chúng ta đã làm việc này từ năm 2001, khi dự án Giáo dục tiểu học đánh giá học sinh lớp 5 trên toàn quốc. Chúng ta cũng đã đánh giá học sinh lớp 5 vào năm 2007, năm 2011 cũng như đã đánh giá học sinh lớp 9, lớp 11 trên diện rộng. Đó là những bước tập dượt, cả về mặt xây dựng lực lượng, cả về bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên…
Theo chỉ đạo của Thứ trưởng, Hội nghị tập trung thảo luận để hình dung thống nhất những hiểu biết về đánh giá học sinh trên diện rộng. Xem đánh giá này đặt ra yêu cầu gì, có đặc điểm, tác dụng gì và chủ trương sẽ tiến hành trong thời gian tới.
Thông tin từ Hội nghị, kết quả của Việt Nam trong kỳ thi PISA 2012 đứng trong top 20 quốc gia và vùng kinh tế có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm trung bình của OECD. Qua đó, có thể thấy năng lực của học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu khung năng lực của OECD trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
- Kết quả này cùng với kết quả cao trong các kỳ thi Olympic các môn toán, tin, vật lý, hóa học, sinh học, thi nghiên cứu khoa học… châu Á và thế giới cho thấy, giáo dục Việt Nam không chỉ đạt thành tựu về phát triển quy mô, số lượng mà còn đạt chất lượng giáo dục phổ thông cơ bản thuộc nhóm cao của thế giới.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại