Đồng tình giảm thời gian làm bài thi môn Toán, Ngữ văn
Việc giảm thời gian làm bài ở 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
Việc giảm thời gian làm bài ở 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
Theo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành, thời gian làm bài các môn toán và văn trong kỳ thi này sẽ giảm.
Mỗi thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT phải làm bài thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Văn, 2 môn do các em tự chọn trong số các môn còn gồm Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ.
Thời gian thi các môn Sử, Địa vẫn giữ như cũ là 90 phút/ môn; các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ vẫn 60 phút/ môn. Riêng 2 môn Văn và Toán, thay vì 150 phút/môn như trước thì từ năm nay, thời gian thi sẽ còn 120 phút/ môn.
Việc ra Quy chế này của Bộ nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo nhận xét của một nhà giáo dục thì rất hoan nghênh chủ trương giảm thời gian làm bài ở 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn.
Vì thực tế để đánh giá trình độ học sinh thì 120 phút cũng là đủ, không cần nhiều hơn. Không cần kéo dài thời gian thi của học sinh đến 150 phút.
Với lứa tuổi của các em, 120 phút là vừa phải, nhẹ nhàng, không nên bắt các em phải chịu căng thẳng trong suốt 2 tiếng rưỡi. Việc này giảm được áp lực cho các em. Việc ra đề phù hợp với thời gian thi 120 phút hoàn toàn chủ động được.
Việc giảm thời gian làm bài thi môn Toán, Văn trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay cũng nhận được sự ủng hộ của học sinh.
Em Lê Thị Bích Huệ - Học sinh lớp 12C3 Trường THPT Thới Bình (Cà Mau) - cho biết: "Thời gian làm bài thi giảm sẽ giảm đi được áp lực cho chúng em, đề thi sẽ nhàng nhàng hơn.
Điều đó có nghĩa, học sinh lớp 12 sẽ có thời gian đầu tư củng cố, nâng cao kiến thức cho kỳ thi đại học, cao đẳng mà mình đã chọn.”
Như vậy, khi giảm thời gian làm bài thi của hai môn Toán và Ngữ văn thì đề thi của của hai môn này sẽ tương ứng với thời gian làm bài thi nhưng vẫn đảm bảo kiểm tra kiến thức tổng thể của thí sinh trong chương trình giáo dục THPT.
Tuy nhiên, một số nhà giáo dạy Văn lại cho rằng, với các đề văn mở, nhiều học sinh có thể viết dài, để trình bày sâu sắc suy nghĩ của mình.
Nên với thời gian 120 phút, có thể các em chưa đủ thời gian thể hiện hết ý tứ của bài viết. Trong khi đó, theo cấu trúc đề thi của môn Ngữ văn, như những năm trước, học sinh phải làm 3 câu.
Câu hỏi lý thuyết 2 điểm, yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức hay trình bày những hiểu biết của mình về một phương diện của tác phẩm văn học.
Câu 2 chiếm điểm số 3 là câu nghị luận xã hội, yêu cầu học sinh vận dụng hiểu biết, lập luận của mình để trình bày, làm sáng tỏ về một vấn đề xã hôi.
Còn câu 3, có điểm số 5, học sinh sẽ cảm nhận, đánh giá về một phương diện của tác phẩm văn học. Như vây, nếu giảm thời gian thi của môn Ngữ văn xuống còn 120 phút mà đề thi vẫn giữ nguyên 3 câu thì rất khó cho học sinh.
Các em khó có thể trình bày suy nghĩ của mình một cách sâu sắc được, một giáo viên tâm sự.
Công văn số 1555/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT có hướng dẫn, các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP.
Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức.
Chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại Công văn 5466/BGDĐT-GDTrH, nhất là: đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Trong việc tổ chức ôn tập cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học; kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời.
Như vậy, có thể cấu trúc của đề thi hai môn Toán và Ngữ văn năm nay vẫn giữ nguyên như cũ nhưng phần nội dung đề thi sẽ giảm tương ứng với thời lượng 120.
Do đó, khi ôn tập, giáo viên cần chú trọng bao quát chương trình, rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại