Giáo viên bật khóc vì trường Lý Tự Trọng đột ngột giải thể

    Không giấu nổi những giọt nước mắt, các giáo viên cho biết đã gắn bó từ ngày đầu trường thành lập. Hiện, nhiều người đã lớn tuổi, nếu phải thất nghiệp hoặc chuyển công việc thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.

    Không giấu nổi những giọt nước mắt, các giáo viên cho biết đã gắn bó từ ngày đầu trường thành lập. Hiện, nhiều người đã lớn tuổi, nếu phải thất nghiệp hoặc chuyển công việc thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.

     

    Ngày 9/5, hay tin Sở Giáo dục TP HCM đến trường THPT Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) làm việc liên quan quyết định giải thể trường này, rất nhiều giáo viên đã có mặt từ sáng sớm. Gương mặt ai cũng đầy vẻ ưu tư, có người mắt đã đỏ hoe.

    Cô Nguyễn Hồng Thanh cho biết, khi đọc được thông tin trường sẽ bị giải thể trên báo chí hôm 29/4, nhiều giáo viên sửng sốt bởi trước đó mọi hoạt động của trường vẫn diễn ra bình thường. "Sở đã ra quyết định mà không hề bàn bạc hay thông báo trước với giáo viên. Không hề có một lộ trình hay lời giải thích cụ thể nào. Chúng tôi chỉ biết được là trường sẽ giải thể theo hình thức cuốn chiếu, còn số phận của chúng tôi và các em học sinh thì không rõ đi về đâu”, cô Thanh nói.

    Hiệu trưởng Văn Công Sang cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng bởi "ngay cả Ban giám hiệu cũng không hề biết". Theo ông Sang, khi nhận được thông báo của Sở Giáo dục TP HCM, Ban giám hiệu đã họp thông báo chính thức và hứa sẽ sắp xếp chỗ làm cho giáo viên. Tuy nhiên, cô Thanh cho rằng đến tháng 8 này thầy hiệu trưởng đã nghỉ hưu, không có cơ sở nào đảm bảo giáo viên sẽ tìm được công việc phù hợp, ổn định.

     

    2-JPG.jpg

    Giáo viên trường THPT Lý Tự Trọng rất bất ngờ khi nhận được thông báo giải thể trường. Ảnh: Nguyễn Loan.

     

    Theo các giáo viên, dù có rất nhiều trường THPT nhưng quận Tân Bình chỉ mới có 4 trường THPT công lập, nhiều học sinh vẫn phải vào trường tư thục với mức học phí rất cao, trong khi đa số phụ huynh có con em ở đây đều là dân lao động nghèo. Sở lại đưa ra quyết định trong thời gian học sinh đang ôn thi cuối cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, giáo viêncũng rất hoang mang không còn tâm trạng đứng lớp.

    Không giấu nổi những giọt nước mắt, cô Lê Thị Ngọc Dung cho biết, cả trường có 60 giáo viên, đa số đã gắn bó từ ngày đầu thành lập. Vì công việc họ đã phải chuyển gia đình về gần trường để ổn định cuộc sống. Hiện, nhiều người đã lớn tuổi, nếu phải thất nghiệp hoặc chuyển công việc lần nữa thì cuộc sống không tránh được xáo trộn.

    Đang trong thời gian nghỉ sinh nhưng hay tin trường bị giải thể, cô Phạm Thị Hà, giáo viên dạy Văn lớp 10, vội gửi con cho hàng xóm để chạy lên tìm hiểu. "Theo quyết định đó, năm nay trường không tuyển lớp 10 nữa thì hết thời gian nghỉ sinh tôi sẽ được làm gì, sẽ về trường nào? Nếu bây giờ tôi mất việc thì ai lo cho đứa con nhỏ ở nhà", cô Hà nói và cho biết chồng là bộ đội hải quân, thời gian chủ yếu dành cho biển đảo, một mình cô phải cáng đáng việc gia đình. Vì công việc đặc thù của chồng nên cô đã buộc phải chuyển trường từ tỉnh khác về đây với hy vọng ổn định cuộc sống, chăm lo gia đình để chồng an tâm công tác.

    Không chỉ giáo viên, học sinh trường Lý Tự Trọng cũng không khỏi hoang mang. Theo nữ sinh Nguyễn Thị Phụng Hằng, lớp 12A3, nhiều ngày nay học sinh phải ôn thi trong tình trạng thấp thỏm, những buổi học trở thành buổi bàn tán về việc trường bị giải thể. Nhiều học sinh đã viết thư gửi lên Sở bày tỏ nguyện vọng, hy vọng "cứu" được ngôi trường này.

    3-JPG-6674-1399626005.jpg

    Cô giáo bật khóc vì không biết đi đâu về đâu. Ảnh: Nguyễn Loan.

     

    Ghi nhận những tình cảm, bức xúc của giáo viên và học sinh trường Lý Tự Trọng, song Phó giám đốc Sở giáo dục Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc giải thể là hợp lý và có đủ cơ sở.

    Theo ông Hiếu, năm 1998, quận Tân Bình thiếu trường công lập nên đã thành lập trường Lý Tự Trọng. Hiện thành phố đã xây dựng thêm một số trường công lập, tư thục khác có thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Trong khi đó, trường THPT Lý Tự Trọng nằm trong trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, không đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quy chế hoạt động nên Sở đã trình lên UBND TP HCM xin được phép giải thể để mở rộng hoạt động cho trường CĐ. 

    Trước bức xúc về việc Sở ra quyết định đột ngột mà không thông báo, ông Hiếu nói "đây chỉ mới là chủ trương của Sở". "Sở đã chỉ đạo trường CĐ Lý Tự Trọng hướng dẫn trường THPT xây dựng đề án giải thể. Sở có thể sẽ xem xét đến phương án di dời trường qua địa điểm khác và chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ giáo viên tìm chỗ làm", ông Hiếu nói nhưng không lý giải tại "mới là chủ trương" mà đã trình lên UBND TP và ngày 29/4, Sở đã gửi tới 24 phòng giáo dục các quận huyện về việc THPT Lý Tự Trọng ngưng tuyển sinh lớp 10.

    Theo Quy định về việc giải thể các cơ quan công lập, cụ thể ở đây là trường học, trước khi ra quyết định, Sở Giáo dục phải xây dựng hồ sơ, đề án gồm cả lộ trình thực hiện sao cho đảm bảo quyền lợi của giáo viên và học sinh. Sở giáo dục TP HCM bị cho là đã làm theo hướng ngược lại khi chưa xây dựng được đề án, lộ trình đã ra thông báo ngừng tuyển sinh.


     
    Theo Vnexpress