Cách phòng thai lưu từ sớm
Khi thai chết lưu, người mẹ nhận thấy một số dấu hiệu bất thường sau: thai không còn cử động, bụng nhỏ dần đi, vú căng và tiết sữa, âm đạo tiết ra nhiều các chất màu đỏ sẫm.
Khi thai chết lưu, người mẹ nhận thấy một số dấu hiệu bất thường sau: thai không còn cử động, bụng nhỏ dần đi, vú căng và tiết sữa, âm đạo tiết ra nhiều các chất màu đỏ sẫm. Nếu thời gian thai đã chết lâu, người mẹ có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, hôi miệng. Nhiều trường hợp âm đạo chảy ra các chất có mủ.
Thai chết lưu không có biến chứng không gây nguy hiểm gì lớn cho sức khỏe và tính mạng của người mẹ nếu được phát hiện và xử lý sớm. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, trường hợp thai chết không bị sẩy ngay mà nằm lại trong tử cung một thời gian, thì mẹ có thể bị nhiễm trùng nặng hoặc gây nên rối loạn đông máu cho mẹ.
Đối với thai 1-2 tháng tuổi, khi chết sẽ tự tiêu biến đi, nhiều khi chính bà mẹ cũng không biết mình đã có thai và thai đã chết lưu. Nếu thai đã lớn từ 3-6 tháng sẽ dẫn đến sảy thai hoặc đẻ non nếu thai trên 6 tháng.
Thời gian kể từ khi thai chết đến lúc sảy hoặc đẻ ra ngoài ở mỗi thai phụ khác nhau. Nếu thai chết ở tuổi thai càng lớn thì thời gian lưu lại trong buồng tử cung càng ngắn. Quá trình sảy hoặc đẻ của thai chết lưu diễn biến như các ca sảy hoặc đẻ bình thường, nhưng thời gian dọa sẩy và chuyển dạ đẻ thường dài hơn và máu có thể ra nhiều hơn. Lúc này, người mẹ cũng có các cơn co bóp của dạ con gây đau, cổ tử cung phải mở hết thì thai mới có thể ra được. Tuy nhiên, một số trường hợp thai chết không bị sảy ngay mà nằm lại trong tử cung một thời gian, do vậy nếu không lấy ra sớm thì bà mẹ có thể bị nhiễm trùng nặng hoặc gây nên rối loạn đông máu cho mẹ.
Thai chết lưu càng sớm được phát hiện và can thiệp thì càng ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Siêu âm là một trong những phương pháp có thể giúp phát hiện sớm hiện tượng này. Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu bất thường trên, người mẹ cần đi khám ngay để được can thiệp kịp thời.
Phòng ngừa thai lưu
Phòng tránh hiện tượng thai chết lưu, trước khi thụ thai cả vợ và chồng cùng phải chú ý chế độ ăn uống, không dùng các chất kích thích, như: rượu, bia, thuốc lá, ma túy... Người mẹ cần tránh làm việc nặng, làm việc quá sức; tránh tiếp xúc với các loại hóa chất, môi trường ô nhiễm; ăn uống đầy đủ các dưỡng chất; nghỉ ngơi hợp lý; giữ cho tinh thần luôn được thoải mái; đi khám thai theo định kỳ để bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ.
Theo SKDS