Dấu hiệu “tố” bạn mắc u tinh hoàn
U tinh hoàn là bệnh hiếm gặp nhưng là tiền đề dẫn tới ung thư tinh hoàn ở nam giới, có tới 90% trường hợp u tinh hoàn là ung thư.
U tinh hoàn là bệnh hiếm gặp nhưng là tiền đề dẫn tới ung thư tinh hoàn ở nam giới, có tới 90% trường hợp u tinh hoàn là ung thư.
U tinh hoàn là bệnh hiếm gặp nhưng là tiền đề dẫn tới ung thư tinh hoàn ở nam giới, có tới 90% trường hợp u tinh hoàn là ung thư. Bệnh thường phát sinh ở nam giới độ tuổi từ 25-35, người đang ở đỉnh cao “phong độ đàn ông”, có hoạt động tình dục mạnh. Tuy nhiên, ung thư tinh hoàn có tỷ lệ chữa khỏi khoảng 80-90% nếu phát hiện sớm.
Nam giới, khi thấy biểu hiện bất thường cần được tư vấn bởi bác sĩ nam khoa để được phát hiện sớm bệnh.
Biểu hiện của u tinh hoàn rất thất thường, khó tiên đoán, được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: U nằm trong tinh hoàn, chưa có di căn ở hạch và các cơ quan khác hoặc đã di căn sang hạch bạch huyết.
Giai đoạn 2: Đã có triệu chứng di căn sang hạch, nhưng chưa di căn sang các cơ quan khác.
Giai đoạn 3: Đã có triệu chứng di căn sang cơ quan khác như gan, phổi...
Điều khó khăn là u tinh hoàn xuất hiện một cách âm thầm, không gây đau, không có triệu chứng gì đáng chú ý ngoài biểu hiện duy nhất là có một khối u cứng và không đau ở một bên tinh hoàn. Bệnh nhân có thể tự phát hiện khối u này một cách ngẫu nhiên hay nhân một sang chấn ở vùng bìu. Khi u to ở mức độ nhất định thì bệnh nhân mới cảm thấy nặng và vướng ở một bên, tinh hoàn bên bị bệnh xệ thấp hơn so với bên lành. Tuy vậy, vì u không gây đau nên người bệnh thường ít chú ý và không đi khám sớm.
U tinh hoàn thường có hình trứng, kích thước vài cm với trọng lượng có thể vài chục gam. U có vỏ xơ nhẵn bao bọc, ở dạng nang chứa dịch nâu hoặc vàng... Biểu hiện của bệnh là tinh hoàn to dần, chắc, nhưng không sưng nóng đỏ, có hạch bẹn to hoặc u ổ bụng khi đã có di căn. Mặc dù triệu chứng của bệnh dễ dàng nhận thấy nhưng cũng có những trường hợp chẩn đoán lâm sàng là u, phải mổ cắt bỏ tinh hoàn, khi xét nghiệm mô bệnh học thì lại là lao hoặc viêm tinh hoàn hoại tử.
Ở giai đoạn muộn hơn, tinh hoàn to, cứng, có chỗ lồi lõm khó phân biệt giữa tinh hoàn với mào tinh hoàn và thừng tinh. Màng tinh hoàn có thể thâm nhiễm và tiết dịch gây nước màng tinh hoàn. Tinh hoàn bên u nặng hơn và xệ thấp xuống kéo căng thừng tinh gây đau vùng bẹn và bụng dưới.
Những di căn sớm qua đường máu và đường bạch huyết làm tăng phần nguy hiểm của u tinh hoàn. Trước đây, u tinh hoàn có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong khoảng 70%, nhưng hiện nay, nhờ sự tiến bộ của y học, kết quả điều trị u tinh hoàn khả quan hơn, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể, nhiều trường hợp đã khỏi hẳn, thậm chí nhiều trường hợp ác tính nặng, rất nguy hiểm cũng được điều trị khỏi.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong bất cứ loại ung thư nào, trong đó có ung thư tinh hoàn, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời có tính then chốt cho thành công của quá trình điều trị. Ung thư tinh hoàn có tỷ lệ chữa khỏi rất cao nếu được phát hiện sớm. Vì vậy nam giới cần theo dõi cơ quan sinh dục để phát hiện sớm nhất khi thấy những thay đổi lạ về kích thước hoặc hình dạng của tinh hoàn. Khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, cũng nên có cuộc kiểm tra về bộ phận sinh dục. Một khối u tinh hoàn không gây đau có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư. Cần để ý tinh hoàn sau khi bị chấn thương ở cơ quan sinh dục, có va chạm tinh hoàn và bất kỳ triệu chứng nào như đau bụng hoặc sưng ở vùng kín, hãy đến bác sĩ kịp thời để kiểm soát nó hiệu quả hơn. Thái độ phớt lờ với một khối u ở bộ phận sinh dục có thể làm tăng nguy cơ các cục máu đông ở những nơi khác trong cơ thể với hậu quả khôn lường. Trong thực tế, đã có trường hợp người đàn ông phát triển tuyến vú bắt nguồn từ các khối u tinh hoàn.
Theo SKDS