Cảnh giác suy thận cấp ở thai phụ
Theo thống kê, suy thận cấp ở thai phụ chiếm khoảng 20% trong tổng số các trường hợp suy thận cấp nói chung với tỷ lệ tử vong cao tới 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng giảm do điều kiện vệ sinh, chăm sóc và thăm khám kiểm tra thai phụ ngày càng được cải thiện.
Theo thống kê, suy thận cấp ở thai phụ chiếm khoảng 20% trong tổng số các trường hợp suy thận cấp nói chung với tỷ lệ tử vong cao tới 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng giảm do điều kiện vệ sinh, chăm sóc và thăm khám kiểm tra thai phụ ngày càng được cải thiện.
Suy thận cấp trong thai kỳ là sự suy giảm chức năng thận đột ngột xảy ra trong những tháng của thời kỳ có thai với các biểu hiện cũng giống như suy thận cấp ở các đối tượng khác như thiểu niệu, vô niệu, mức lọc cầu thận giảm, xét nghiệm thấy ure, creatinin máu tăng cao và các triệu chứng của nguyên nhân gây suy thận như sốc, nhiễm khuẩn, sỏi niệu quản… Suy thận cấp ở thai phụ cần được chú ý thường xuyên do tỷ lệ gây tử vong cao.
Nguyên nhân gây bệnh
Có 3 nhóm nguyên nhân gây suy thận cấp ở thai phụ. Nhóm nguyên nhân thứ nhất là do mất dịch hoặc mất máu. Mất dịch ở thai phụ chủ yếu có liên quan đến hiện tượng nôn mửa quá mức do nghén. Nếu một người có thai với biểu hiện nghén bình thường, lượng nước mất đi không quá nhiều và có thể dễ dàng bù lại bằng đường uống để đảm bảo thể tích tuần hoàn. Nhưng trong nhiều trường hợp, thai phụ có nghén nặng và nôn mửa rất nhiều, trong trường hợp này, lượng nước sẽ mất nhiều dẫn đến giảm mức lọc cầu thận và suy thận cấp có thể xảy ra. Mất dịch cũng có thể xảy ra khi thai phụ bị tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, do dùng thuốc lợi tiểu (để điều trị tăng huyết áp… có từ trước đó…). Mất máu dẫn đến tụt huyết áp, suy thận cấp ở thai phụ hay gặp nhất khi sinh nở. Nguyên nhân mất máu bao gồm vỡ tử cung, đờ tử cung, rối loạn đông máu… không được hoặc không thể bù đắp kịp thời. Các nguyên nhân khác như sốt xuất huyết, chảy máu tiêu hóa… cũng có thể làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn tới giảm mức lọc cầu thận ở thai phụ tuy có ít gặp hơn.
Nhóm nguyên nhân thứ hai có thể gây suy thận cấp ở thai phụ là nhóm nguyên nhân gây huyết khối vi mạch thận. Nhóm nguyên nhân này hay gặp hơn và hậu quả cũng nặng nề hơn so với các nhóm nguyên nhân còn lại. Đầu tiên phải kể đến là chứng ban xuất huyết giảm tiểu cầu (Thrombotic thrombocytopenic purpura), hội chứng tán huyết có tăng ure máu (Hemolytic uremic syndrome) và hội chứng HELLP (Tán huyết-hemolysis, tăng men gan-elevated liver enzymes và giảm tiểu cầu-low platelet). Đây là những bệnh lý có liên quan chặt chẽ đến những tháng cuối của thời kỳ có thai, có thể tồn tại song song cùng chứng tiền sản giật, sản giật hoặc nhiều khi rất khó phân biệt về mặt triệu chứng giữa hai bệnh này. Các nguyên nhân này gây suy thận cấp ở thai phụ với tiên lượng rất xấu. Một nguyên nhân nữa gây tắc vi mạch thận là tắc mạch ối. Đây có thể nói là một nỗi kinh hoàng cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc do tỷ lệ tử vong rất cao. Tắc mạch ối gây suy tuần hoàn cấp theo cả hai cơ chế kiểm sốc phản vệ và sốc tắc nghẽn (tắc mạch phổi) với bệnh cảnh có hội chứng đông máu nội quản rải rác (DIC) nên gây tổn thương thận cấp. Hoại tử ống thận, vỏ thận cấp là hậu quả của những sang chấn bánh rau, tử cung khi đẻ, thai chết lưu hay tắc mạch ối cũng là nguyên nhân gây suy thận cấp ở thai phụ. Cuối cùng, suy thận cấp sau sinh chưa rõ nguyên nhân (postpartum idiopathic acute renal failure) cũng gặp ở một số phụ nữ với đặc điểm suy thận xuất hiện ngay sau sinh mà không tìm được nguyên nhân cụ thể.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng là nguyên nhân có thể làm xuất hiện suy thận cấp ở thai phụ khi bệnh lý nhiễm khuẩn làm giảm tưới máu thận và hoại tử ống thận cấp. Đài bể thận là vị trí hay bị nhiễm khuẩn nhất ở thai phụ với tỷ lệ cao gây suy thận cấp. Các biểu hiện chính của nhiễm khuẩn đài bể thận bao gồm sốt cao, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu hoặc có mủ. Cấy nước tiểu hoặc cấy máu có thể thấy vi khuẩn gây bệnh. Khi có thai, có nhiều yếu tố khiến cho thai phụ dễ bị nhiễm khuẩn ngược dòng như niệu quản bị thai chèn ép hoặc bị giãn, giảm nhu động; bàng quang cũng giảm trương lực, ứ đọng nước tiểu. Các vi khuẩn hay gặp là E.coli, trực khuẩn mủ xanh, klebsiella pneumoniae, cầu khuẩn đường ruột…
Trong thời kỳ có thai, với sự lớn dần lên của thai nhi sẽ gây một sự chèn ép đáng kể lên hệ thống thận - tiết niệu, nhất là niệu quản, bàng quang khiến cho nhiều trường hợp lưu thông nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang bị cản trở. Từ đó, nước tiểu sẽ bị ứ lại gây giãn và tăng áp lực đài bể thận làm giảm mức lọc cầu thận và tiến triển dần lên suy thận. Yếu tố tắc nghẽn kéo dài luôn kèm theo có nhiễm khuẩn, vì vậy làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Tắc nghẽn cũng có thể do sỏi tiết niệu đã có từ trước, gia tăng kích thước gây bít tắc trong thời kỳ có thai và sự tắc nghẽn này có thêm đóng góp của thai nhi.
Phòng tránh được không?
Để phòng tránh suy thận cấp ở phụ nữ có thai, nhất thiết phải kiểm tra sức khỏe thật tốt trước khi quyết định có thai. Trong quá trình mang thai, thai phụ phải được theo dõi thăm khám sức khỏe thường xuyên cho cả mẹ và con: theo dõi huyết áp, phù chi dưới, chức năng gan, thận, protein niệu. Phòng tránh nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, phòng và điều trị tốt những tai biến sản khoa khi sinh nở...
Theo SKDS