Làm sao tránh trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng của sản phụ xuất hiện sau sinh.
Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu. Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng. Một số trường hợp tự tử sau sinh do bị trầm cảm.
Vì sao mắc bệnh?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh. Nhưng chủ yếu là các yếu tố sau đây:
Thay đổi về nội tiết: sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên trạng thái trầm cảm. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm; Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.
Bản thân người phụ nữ: những phụ nữ sau sinh nếu rơi vào tình huống bạo hành gia đình thì nguy cơ bị trầm cảm cũng tăng gấp 5 lần. Những sản phụ có thai ngoài ý muốn cũng là nhóm có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. Ngược lại, với những người có thai như mong muốn sẽ giảm đến 80% nguy cơ bị trầm cảm.
Những sự kiện gây căng thẳng dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Về phía em bé: khó khăn trong chăm sóc bé. Tình trạng sức khỏe của đứa trẻ sinh ra cũng ảnh hưởng đến khả năng bị trầm cảm ở mẹ.
Yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bệnh cao.
Ai dễ mắc?
Tiền sử bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lặp lại 50%. Tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh 25%. Ngưng dùng thuốc chống trầm cảm lúc mang thai, 68% rơi vào trạng thái trầm cảm, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% bị trầm cảm; Tuổi < 18.
Những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp; thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng; mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng; thai kỳ không mong muốn; biến chứng thai kỳ: thai lưu, sẩy thai; trầm cảm dễ xuất hiện ở người con so, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ.
Khi bị trầm cảm sau sinh, người mẹ dễ sụt cân, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, hoang tưởng, hành vi nguy hiểm. Người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử (41.2%).
Bên cạnh đó, những người thân cũng bị ảnh hưởng: chồng và con không được chăm sóc tốt, gia đình không được vui vẻ.
Dấu hiệu nhận biết
Trầm cảm sau khi sinh biểu hiện khác nhau ở từng người nhưng có một số triệu chứng bạn có thể nhận thấy: bị hoảng loạn hoặc sợ hãi; thường xuyên lo lắng về sức khỏe, sự an toàn của bạn và những người thân; cảm thấy mình chưa là một người mẹ tốt; liên tục thấy mình bất hạnh, thường xuyên muốn khóc một cách vô cớ; lúc nào cũng muốn ngủ và không bao giờ cảm thấy thư thái; thấy khó ngủ; không thể nói chuyện về việc sinh con hoặc liên tục nói về nó vì bạn cảm thấy mất khả năng kiểm soát; cảm thấy cuộc sống vô vị kể từ khi sinh con, cảm thấy vô dụng, nghĩ rằng bạn không có mối gắn kết gì với bé hoặc không có chút tình cảm gì với bé; đánh mất khái niệm về thời gian và không thể nói lên sự khác biệt giữa một vài phút và một vài giờ.
Làm gì khi bị trầm cảm sau khi sinh?
Nếu bạn cảm thấy mình có thể bị trầm cảm sau khi sinh, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn, họ là những người tốt nhất có thể giúp bạn. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp giảm bớt các triệu chứng trên: đừng kìm nén cảm xúc, hãy trò chuyện với chồng, bạn thân, bà con họ hàng hoặc những bà mẹ khác về những gì bạn đang trải qua; đừng cố gắng làm quá nhiều việc trong một ngày; đón nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh; dành thời gian để nghỉ ngơi; đừng cảm thấy tội lỗi với những gì bạn đang trải qua.
Điều trị
Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sinh thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt. Một số thuốc thông thường được sử dụng trong trường hợp này là thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm, bao gồm những loại thuốc an toàn khi cho con bú. Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp nên được dùng.
Nếu thuốc thích hợp với bạn thì đừng nên rút ngắn thời gian điều trị bởi vì trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát thì đừng nên thất vọng mà nên đến bác sĩ tư vấn thêm. Thông thường bác sĩ tiếp tục điều trị với thuốc trước đó. Sau đó nếu có hiệu quả thì giảm liều dần, và điều này dự phòng được việc tái phát.
Việc điều trị cho bệnh nhân trầm cảm sau sinh có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của người thân. Động viên và cùng tham gia chăm sóc em bé sẽ giúp cho bệnh nhân nhanh chóng bình thường trở lại. Bạn bè và gia đình chắc chắn rằng người mẹ bị trầm cảm đang được bác sĩ chỉ định điều trị. Nếu đơn thuốc không thích hợp thì phải động viên bệnh nhân trở lại bác sĩ và yêu cầu thay đổi đơn thuốc.
Bên cạnh đó, các bà mẹ có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia trị liệu hội chứng trầm cảm sau sinh
Bệnh nhân cần phải tin tưởng rằng tình trạng sức khỏe của mình sẽ tốt hơn, bạn cần sự kiên nhẫn và nhận thức rằng sự phục hồi sẽ đến sớm. Hãy thư giãn và quên đi đau đớn thì căn bệnh trầm cảm sẽ dần dần tan biến.
Hãy nghỉ ngơi nhiều bởi vì sự mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và có thể nhờ người khác cho con bú. Đừng quên ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi bạn cảm thấy đói. Nên uống viên đa sinh tố mỗi ngày.
Phòng tránh thế nào?
Vai trò của người thân
Có thể nói, trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng. rất nhiều ông chồng nghĩ rằng, chỉ cần cung cấp vật chất cho vợ là đủ mà không hề nhận thức được sự quan tâm, chia sẻ bằng hành động và lời nói động viên có thể giúp người vợ tránh được nguy cơ trầm cảm. Hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Động viên, gần gũi và chia sẻ với thai phụ về cuộc chuyển dạ và chăm sóc bé sau sinh. Hướng dẫn thai phụ về việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Bản thân người mẹ
Cố gắng tìm cho mình một giấc ngủ. Gắng đi ngủ sớm hơn nếu bạn phải thức dậy nửa đêm cho bé bú. Nên ngủ buổi trưa dù chỉ 30 phút. Nói chuyện và chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia tâm lý để trút bỏ những cảm giác mệt mỏi trong người. Nên hỏi bạn bè và gia đình về kinh nghiệm chăm sóc em bé của họ. Sống tích cực, suy nghĩ lạc quan, đừng để những điều buồn chán làm ảnh hưởng đến tâm lý của bạn. Hãy nhớ rằng bạn luôn là người mẹ tốt nhất cho con của mình, đừng bao giờ so sánh mình hay con mình với người khác, đừng để áp lực đè nặng lên đôi vai của bạn.
Theo SKDS