Giảm tình trạng ốm nghén kéo dài
Nhiều phụ nữ mang thai thường có triệu chứng nghén ở những tháng đầu thai kỳ và giảm dần nhưng cũng có trường hợp ốm nghén kéo dài khiến thai phụ lo lắng. Vậy ốm nghén kéo dài do đâu, cách khắc phục và có ảnh hưởng gì?
Nhiều phụ nữ mang thai thường có triệu chứng nghén ở những tháng đầu thai kỳ và giảm dần nhưng cũng có trường hợp ốm nghén kéo dài khiến thai phụ lo lắng. Vậy ốm nghén kéo dài do đâu, cách khắc phục và có ảnh hưởng gì?
Mỗi thai phụ có cảm giác nghén khác nhau, người ít người nhiều. Cảm giác nghén bao gồm mệt mỏi, khó chịu và buồn nôn. Người bị nghén nặng có thể nôn liên tục. Nguyên nhân gây nghén là do protein lạ làm cho cơ thể người mẹ phản ứng lại. Nguyên nhân thứ hai là do hoóc-môn từ nhau thai tiết ra khiến nội tiết của mẹ thay đổi. Đa số thai phụ chỉ bị nghén trong ba tháng đầu, nhưng có người có thể kéo dài hơn (khoảng 15%-20% thai phụ có dấu hiệu ốm nghén kéo dài đến 3 tháng cuối và khoảng 5% kéo dài đến khi sinh). Với trường hợp nghén kéo dài, thậm chí đến cuối thai kỳ nguyên nhân có thể do tâm lý.
Tư vấn cho phụ nữ mang thai tại Trạm y tế xã Dân Hòa (Thanh Oai - Hà Nội).
Nếu ốm nghén nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, nhưng ốm nghén nặng kéo dài khiến thai phụ không ăn được, ăn vào nôn hết có thể dẫn đến suy dinh dưỡng đối với cả mẹ và thai nhi. Mẹ thường bị sụt cân khoảng hơn 5% trọng lượng so với trước lúc có thai. Vì vậy, thai phụ cần làm giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn bằng cách:
Tránh các yếu tố kích thích (mùi hôi, không gian chật chội, ồn, thay đổi tư thế đột ngột, đánh răng ngay sau ăn, uống sắt...); thay đổi chế độ ăn (giảm dầu mỡ, tránh gia vị, uống nước có mùi chanh hoặc ăn ngay khi có cảm giác đói...). Vì vậy, thai phụ nghén khi có cảm giác khó chịu, buồn nôn nhất là một số loại thực phẩm có mùi khó chịu thì hãy chú ý và tránh xa những thực phẩm này. Ngoài ra, có thể sử dụng một số thảo dược để khắc phục ốm nghén như ngậm gừng giúp làm giảm buồn nôn. Ngậm một vài miếng chanh cũng giúp đỡ buồn nôn.
Sáng ngủ dậy cần ra khỏi giường từ từ; chải răng nhẹ nhàng, chọn kem đánh răng không có mùi vị để hạn chế buồn nôn, sau đó cần súc miệng bằng nước muối ấm. Đối với bữa ăn cần ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên sau mỗi vài giờ, không để bị đói, vì đói thường kèm theo cảm giác buồn nôn và ăn sẽ làm dịu biểu hiện khó chịu đó.
Cần đi bộ thường xuyên sẽ hỗ trợ cho tiêu hóa và ngăn chặn sự buồn nôn. Nếu tình trạng không thuyên giảm thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa sản để được tư vấn cụ thể.
Theo SKDS