Lạnh, sản giật dễ “hỏi thăm” thai phụ
Sản giật là tai biến nguy hiểm thường gây tử vong cho thai và có thể gây nhiều biến chứng hoặc tử vong cho mẹ.
Sản giật là tai biến nguy hiểm thường gây tử vong cho thai và có thể gây nhiều biến chứng hoặc tử vong cho mẹ. Tuy nhiên có thể phòng ngừa được tai biến này bằng việc quản lý thai nghén trong suốt thai kỳ.
Tại sao sinh ra sản giật?
Khi có thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi. Ngoài việc các chất nội tiết tăng lên đột ngột, cơ thể người mẹ cần phải thích ứng với một số chất đạm do thai sinh ra. Nếu không thích ứng được sẽ gây hiện tượng dị ứng. Các hiện tượng dị ứng này thường nhẹ và xuất hiện sớm trong ba tháng đầu làm thai phụ có triệu chứng nghén (nôn, buồn nôn, tiết nước bọt) nhưng cũng có khi hiện tượng dị ứng kéo dài và ngày càng nặng lên, biểu hiện nặng nhất trong ba tháng cuối của thời kỳ thai nghén gây ra một hội chứng mà ta gọi là hội chứng nhiễm độc thai nghén gồm ba triệu chứng: phù, nước tiểu có protein và tăng huyết áp. Nếu hội chứng nhiễm độc thai nghén không được điều trị sớm, bệnh thận mạn tính có từ trước khi có thai thường nặng lên trong khi thai nghén và cũng có thể gây ra biến chứng sản giật.
Đặc biệt, sản giật hay gặp ở người còn trẻ, đẻ con so, người lao động nặng ít được nghỉ ngơi khi gần đẻ và hay xuất hiện vào mùa rét mỗi khi thời tiết thay đổi. Cơn sản giật có thể xảy ra trước, trong hay sau lúc chuyển dạ đẻ.
Các dấu hiệu thường gặp
Cơn sản giật là biến chứng thần kinh của hội chứng nhiễm độc thai nghén, do đó thường gặp ở các thai phụ có triệu chứng: phù hai chi dưới, nước tiểu có protein, tăng huyết áp (huyết áp tối đa trên 140, huyết áp tối thiểu trên 90ml thủy ngân); khi sắp xuất hiện cơn sản giật thường có các dấu hiệu báo trước gọi là tiền sản giật. Thai phụ thấy khó chịu, nhức đầu, hoa mắt, đầy bụng, tiêu hóa kém, nước tiểu ít đi nhưng protein lại tăng lên, huyết áp cao hơn bình thường. Khi đó phải điều trị ngay và theo dõi sát nếu không thai phụ sẽ lên cơn sản giật.
Cơn sản giật xuất hiện đột ngột. Bắt đầu giật các cơ mặt rồi đến hai tay và toàn thân. Trong cơn giật các cơ đều co cứng lại, nhất là cơ hàm nên thai phụ có thể cắn vào lưỡi, ngừng thở, tím tái vì thiếu ôxy. Sau khi co cứng tay chân thì sẽ giật toàn thân, giật thành từng cơn, cuối cùng là hôn mê. Nếu bệnh nhẹ thì hôn mê trong 3-5 phút sẽ tỉnh lại, sau đó có thể có cơn giật khác tiếp diễn; nếu không điều trị kịp thời các cơn giật sẽ mau dần và nặng hơn, thai phụ hôn mê sâu hơn và chết, ngoài ra có thể cắn vào lưỡi gây máu tràn vào thanh quản dẫn đến ngạt thở. Thai nhi thường chết trong bụng mẹ.
Cách phòng ngừa sản giật
Sản giật là tai biến rất nguy hiểm cho mẹ và thai nhưng có thể phòng ngừa được nếu thai phụ được khám thai đầy đủ cũng như người cán bộ y tế trực tiếp thăm thai tư vấn rõ cho thai phụ các nguyên nhân có thể gây ra sản giật và tuân theo các quy định về quản lý thai nghén. Cụ thể:
Khi có thai thai phụ cần đến trạm y tế nơi có nữ hộ sinh hoặc khoa sản bệnh viện để thăm thai. Cần khám thai ít nhất 3 lần trong suốt thai kỳ hoặc bất cứ khi nào thấy bất thường như phù, tăng cân nhanh, mệt bất thường, hoa mắt chóng mặt, tiểu ít...Thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng có nhiều đạm và ăn ít muối; chế độ lao động thích hợp, tránh làm việc nặng và cần nghỉ ngơi đúng chế độ trước khi đẻ ít nhất 1 tháng, về mùa rét cần mặc ấm, tránh lạnh đột ngột.
Mỗi khi thăm thai, người nữ hộ sinh ngoài việc khám thai phải cân cho thai phụ. Trung bình trong lúc có thai, mỗi tháng tăng một cân, tăng chậm những tháng đầu, tăng nhanh hơn vào những tháng cuối. Nếu tăng cân đột ngột vào tháng thứ chín là nguy hiểm. Mỗi lần thăm thai nên thử nước tiểu cho thai phụ xem có protein không. Nếu có điều kiện cần phải đo huyết áp. Chú ý khám hai chi dưới, mặt, bụng xem có phù không. Khi thai phụ bị phù ở chân, nên cho nằm nghỉ, uống các chất lợi tiểu. Nếu tăng huyết áp và xét nghiệm protein trong nước tiểu tăng thì phải chuyển thai phụ đến bệnh viện có chuyên khoa sản để theo dõi và điều trị ngay. Phải đặc biệt chú ý đến các thai phụ có bệnh thận hay tăng huyết áp từ trước khi thai nghén.
Theo SKDS