10 lưu ý để mẹ bầu không bị ốm trong mùa đông
Cách ly với những đồng nghiệp bị cúm, hạn chế ra ngoài vào những ngày rét đậm hoặc nên sử dụng những đôi boot thấp ấm áp… sẽ giúp bà bầu luôn mạnh khỏe trong mùa đông.
Cách ly với những đồng nghiệp bị cúm, hạn chế ra ngoài vào những ngày rét đậm hoặc nên sử dụng những đôi boot thấp ấm áp… sẽ giúp bà bầu luôn mạnh khỏe trong mùa đông.
1. Chọn giày giữ ấm
Những đôi boot thấp cổ, đế bằng là sự lựa chọn hoàn hảo để bảo vệ đôi chân trong mùa đông. Hơn nữa loại giày này cũng khá thuận tiện khi bạn di chuyển.
Trọng lực của cơ thể sẽ dồn nhiều xuống chân trong thời gian mang thai. Đó là lý do vì sao bạn cần một đôi giày ấm áp và thích hợp để chống lạnh.
2. Chọn áo thun cổ chữ V
Bạn nên trang bị trong tủ quần áo mùa đông những chiếc áo chất liệu thun (hoặc len) dài tay, co giãn tốt, không quá đắt tiền và đặc biệt có cổ khoét hình chữ V. Loại trang phục này tạo khoảng trống giữa ngực và vùng cổ nên khiến bạn không có cảm giác chật chội vì ngạt thở.
Tất nhiên, nếu bụng bầu ngày một lớn đi kèm với sự tăng trưởng kích cỡ vòng 1, bạn nên tạm cất những chiếc áo thun bó người và chuyển sang áo bầu. Bạn hoàn toàn có thể mặc lại những chiếc áo dạng thun này sau khoảng thời gian sinh bé.
3. Ở trong nhà nhiều hơn
Tình trạng thời tiết cụ thể phụ thuộc vào địa điểm bạn cư trú; tuy nhiên, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, bạn nên hạn chế ra ngoài trời. Các bác sĩ khuyến cáo rằng, không khí lạnh có thể khiến bạn bị cảm, ho, sổ mũi… hoặc các biến chứng khác về sức khỏe. Do đó, bạn chỉ nên ra ngoài trời trong những ngày nắng ấm, tránh khoảng thời gian sáng sớm hoặc chiều muộn.
4. Cẩn thận với những cơn cảm lạnh kéo dài
Khi bạn có thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể thường kém hơn nên nếu bị cảm lạnh, thời gian diễn biến của bệnh sẽ dài hơn bình thường. Cảm lạnh trầm trọng có khả năng chuyển thành viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời.
Do đó, nếu bạn phải đối mặt với triệu chứng cảm lạnh bất thường, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin trong mùa đông để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
5. Tạm thời xin nghỉ việc nếu có đồng nghiệp bị cúm
Những dấu hiệu ho, hắt hơi, chảy nước mũi của đồng nghiệp có thể cảnh báo một cơn cảm cúm sắp đến gần. Nếu công việc cho phép, bạn nên tạm thời nghỉ ở nhà để “bảo vệ” an toàn cho hệ miễn dịch của cơ thể. Bạn có khả năng nhiễm virus cúm rất nhanh từ đồng nghiệp nếu như bạn không chủ động cách ly với mầm mống gây bệnh này.
Ngay sau khi nhận thấy dấu hiệu bị cúm nhẹ, bạn nên nghỉ việc để phục hồi sức khỏe. Nằm nhà thư giãn, ăn uống đủ chất và hít thở không khí trong lành, bạn sẽ sớm khỏe mạnh để quay lại với công việc.
6. Nạp thêm nước
Tình trạng ngứa da, giãn tĩnh mạch có xu hướng tăng lên trong những tháng mùa đông (thời điểm làn da đặc biệt dễ khô). Bên cạnh việc dùng kem giữ ẩm và giàu dưỡng chất, bạn nên nhớ uống đủ nước. Nước sẽ giúp tránh tình trạng khô, nẻ da cũng như khiến cơ thể bạn luôn thoải mái.
7. Không quên phụ kiện trang phục
Tất chân, găng tay, khăn quàng, mũ len… là những loại phụ kiện nhỏ nhưng không thể thiếu với bà bầu trong những ngày đông. Các loại quần tất mặc kèm với váy hoặc quần jean lưng chun là những trang phục giúp bạn giữ ấm và làm đẹp luân phiên trong tuần.
8. Sữa hoặc cacao nóng
Khi bác sĩ khuyến cáo bạn tránh xa rượu hoặc đồ uống chứa cồn thì sữa hay cacao nóng là thức uống bổ dưỡng lý tưởng. Hàm lượng caffein chứa trong cacao tương đối thấp nên có những tác dụng tốt với sức khỏe bà bầu như cung cấp năng lượng, ngăn ngừa ung thư và các bệnh về tim mạch. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, hàm lượng chất chống oxy hóa trong cacao thường gấp đôi so với rượu vang đỏ.
Cách một ngày bạn sử dụng một tách cacao là tần suất an toàn hợp lý với đồ uống này.
9. Thư giãn ngoài trời
Thời điểm lý tưởng cho những chuyến dã ngoại ngắn ngày hoặc khởi hành về quê là khoảng thời gian quý II của thai kỳ. Bạn nên lưu ý để những chuyến đi xa này không quá mạo hiểm và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cuộc khởi hành chỉ nên bắt đầu khi bạn theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết ở nơi đến để đảm bảo điều kiện an toàn.
10. Tránh đồ đông lạnh
Nguyên tắc an toàn và tăng cường sức khỏe là bạn nên sử dụng các loại đồ ăn được chế biến từ thực phẩm tươi sống. Với những loại đồ ăn thừa, được dự trữ trong tủ lạnh, bạn nên tránh dùng.
Việc uống nước lạnh, dùng sữa lạnh cũng được chống chỉ định cho thai phụ để phòng viêm họng hoặc cảm.
Theo afamily.vn