Acid folic phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm
Acid folic hay vitamin B9 hoặc folate là một trong 8 vitamin nhóm B. Acid folic có vai trò là coenzym, trong nhiều phản ứng tổng hợp, những coenzym này tham dự vào quá trình chuyển hóa, trưởng thành và phân chia tế bào. Nó có vai trò quan trọng với nhiều chức năng, ở các mức độ khác nhau trong cơ thể.
Acid folic hay vitamin B9 hoặc folate là một trong 8 vitamin nhóm B. Acid folic có vai trò là coenzym, trong nhiều phản ứng tổng hợp, những coenzym này tham dự vào quá trình chuyển hóa, trưởng thành và phân chia tế bào. Nó có vai trò quan trọng với nhiều chức năng, ở các mức độ khác nhau trong cơ thể.
Với bệnh lý tim mạch và đột quỵ não
Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã khẳng định vai trò rất quan trọng của acid folic với bệnh lý tim mạch. Giảm acid folic máu là yếu tố nguy cơ mới độc lập của bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Acid folic có vai trò là coenzym của men methionin sythase, men này giúp chuyển hóa homocystein sang methionin ở gan. Thiếu acid foilc, vitamin B12 và vitamin B6 là một trong những tác nhân gây tăng nồng độ homocystein máu. Homocystein máu tăng làm tổn thương nội mạc động mạch, cùng với các gốc tự do châm ngòi cho quá trình vữa xơ động mạch, hậu quả là hình thành những mảng vữa xơ động mạch và gây xơ cứng động mạch. Bệnh tiến triển dần gây tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não và tắc các động mạch ngoại vi. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, tăng nồng độ acid folic làm giảm homocystein trong máu, từ đó có thể giảm được tiến trình vữa xơ động mạch, qua đó có thể góp phần hạn chế và ngăn chặn được các bệnh tim mạch và đột quỵ não.
Acid folic có nhiều trong gan, trứng, sữa, mầm lúa mạch...
Với bệnh thần kinh, miễn dịch, ung thư và tạo máu
Acid folic đóng vai trò cốt yếu trong phát triển chức năng não và rất quan trọng trong phát triển cảm xúc và tâm thần. Bởi folate tham gia quá trình tổng hợp nhiều chất dẫn truyền thần kinh như: dopamin, adrenalin, noradrenalin. Giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Acid folic chống giảm trí nhớ (Alzheimer), nhiều nghiên cứu khuyến cáo để giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở những người có tuổi, nên sử dụng khoảng 0,4mg acid folic/ngày. Acid folic làm tăng thính lực, kết quả của chương trình bổ sung acid folic vào bột mì của Mỹ và Hà Lan cho thấy ở hai quốc gia này, tỉ lệ người suy giảm thính lực do tuổi tác ít hơn hẳn so với các quốc gia khác.
Ngoài ra, acid folic rất cần thiết cho sự tạo thành tế bào hồng cầu. Tạo ra những tế bào máu, thiếu acid folic dẫn đến thiếu máu hồng cầu to. Thiếu acid folic trong khẩu phần ăn của người mẹ mang thai sẽ ảnh hưởng quá trình tạo máu và phát triển thai nhi, gây ra những nguy cơ cho trẻ sơ sinh như thiếu cân, khiếm khuyết ống thần kinh (nứt ống thần kinh, thiếu một phần não, hở cột sống).
Acid folic còn tham gia quá trình tổng hợp acid nucleic (AND, ARN) tạo nên gen. Trong methyl hóa acid nucleotide, điều này dường như quan trọng trong ngăn ngừa ung thư. Acid folic giảm nguy cơ ung thư kết tràng, nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy acid folic có khả năng giảm bớt ung thư kết tràng. Folate có thể ngăn ngừa ung thư, mức hấp thu folate càng cao, nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng càng thấp. Thiếu folate có thể gây ung thư vú hoặc ung thư ruột.
Folate có thể trị bệnh hen suyễn, folate có thể giúp điều hòa đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây dị ứng, do đó có thể làm giảm triệu chứng của hen và dị ứng.
Cần bổ sung acid folic trong chế độ ăn hàng ngày
Acid folic trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Vitamin B9 bị phá hủy nhanh bởi ôxy hóa và nhiệt. Vi khuẩn đường ruột tạo nguồn gốc cung cấp phụ thêm nhưng rất ít.
Nguồn cung cấp tốt nhất là: gan (gan bê, pate gan vịt...), trứng, nấm. Thiếu B9 sẽ đi kèm với thiếu vitamin C hoặc sắt, kẽm. Khi đó giảm tính sinh học có sẵn của B9. Nguồn gốc động vật: thịt, bò, lợn, bê, gà, trứng, gan (bò, heo, bê). Nguồn cung cấp tự nhiên của vitamin B9: nấm, cà rốt, khoai tây, sữa mẹ, sữa bò tươi, sữa bột, mầm lúa mì, nấm men.
Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế thị trường chưa được kiểm soát tốt ở Việt Nam, nhiều người vì lợi nhuận sẵn sàng làm ra những sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Nguồn thực phẩm được nuôi trồng không đúng quy trình, cùng với vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, do vậy chất lượng thực phẩm chưa đủ hàm lượng vitamin, các chất dinh dưỡng và đặc biệt là acid folic.
Lời khuyên của thầy thuốc
Đa phần người dân mới chỉ hiểu biết và chú trọng bổ sung acid folic cho bà mẹ mang thai, trong khi đó, người lớn trưởng thành cũng rất cần thiết bổ sung acid folic, vì nó có thể làm giảm quá trình vữa xơ động mạch, từ đó ngăn chặn được các bệnh tim mạch, đột quỵ não và nhiều bệnh khác. Đây chính là một trong lý do lý giải tỷ lệ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ não ở Việt Nam tương đối cao, mặc dù tỷ lệ bị béo phì thấp. Như vậy, việc bổ sung acid folic là rất cần thiết cho mọi lứa tuổi, giúp cơ thể phát triển toàn diện và phòng tránh được nhiều bệnh nguy hiểm.
Lượng acid folic được khuyên cung cấp: trẻ còn bú: 50µg/ngày; trẻ từ 1 - 3 tuổi: 100µg/ngày; trẻ từ 4 - 12 tuổi: 200µg/ngày; thanh niên từ 13 - 19 tuổi: 300µg/ngày; người trưởng thành: 400µg/ngày; phụ nữ có thai hay cho con bú: 600µg/ngày.
Theo SKDS