Bệnh co thắt tâm vị

     Bệnh co thắt tâm vị có đặc điểm nổi bật là rối loạn hoạt động của thực quản, do đoạn cuối của thực quản đổ vào dạ dày bị co thắt và hẹp lại

     Bệnh co thắt tâm vị có đặc điểm nổi bật là rối loạn hoạt động của thực quản, do đoạn cuối của thực quản đổ vào dạ dày bị co thắt và hẹp lại

    Co thắt tâm vị là một bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người trưởng thành chiếm tỉ lệ cao nhất. Nếu bệnh không được phát hiện để dự phòng và điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.

    Bệnh co thắt tâm vị có đặc điểm nổi bật là rối loạn hoạt động của thực quản, do đoạn cuối của thực quản đổ vào dạ dày bị co thắt và hẹp lại, còn đoạn trên thực quản bị phình giãn to ra. Vì vậy, bệnh co thắt tâm vị liên quan hết sức mật thiết với thực quản.

    Nguyên nhân chưa rõ ràng

    Cho tới nay vẫn chưa xác định được một cách chắc chắn căn nguyên gây co thắt tâm vị. Do đó, bệnh co thắt tâm vị còn được gọi với nhiều tên khác nhau (co thắt thực quản, giãn thực quản không căn nguyên, giãn thực quản bẩm sinh, co thắt hoành tâm vị...).

    Đặc điểm nổi bật nhất của bệnh là tình trạng rối loạn cơ năng hoạt động của thực quản không rõ căn nguyên. Đoạn cuối của thực quản nơi đổ vào dạ dày bị co thắt và hẹp lại, còn đoạn trên của thực quản bị giãn to ra. Cho nên, bệnh sinh của co thắt tâm vị là đặc trưng bởi quá trình dãn cơ không đầy đủ (phần dưới của thực quản được cấu tạo bằng cơ trơn, khác với 1/3 trên thực quản được cấu tạo bằng cơ vân) của cơ co thắt phía dưới thực quản (đoạn dưới thực quản nơi nối liền với tâm vị).

     

    Theo các nhà chuyên môn, co thắt tâm vị có liên quan tới một số yếu tố như: bệnh tự miễn, cơ địa (dạng thần kinh không ổn định, dễ xúc cảm, cường hệ phó giao cảm), bệnh nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính (sốt phát ban, lao, giang mai...), một số bệnh về nội tiết, bệnh viêm dính quanh thực quản, ung thư thực quản, bệnh giảm trương lực cơ (giảm nhu động thực quản). Hoặc có thể do yếu tố gia đình, hoặc do chế độ ăn uống không hợp lý (ăn nhiều glucid, nhưng ít protid và thiếu vitamin nhóm B, hoặc do rượu, thuốc lá, ngộ độ thực phâm bởi chất hoá học độc với thần kinh), thói quen ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh (làm co thắt tâm vị đột ngột, nếu kéo dài sẽ thành bệnh).

    Vì vậy, các nhà chuyên môn có nhận định rằng co thắt tâm vị không hẳn là một bệnh riêng tâm vị mà là một tình trạng bệnh lý do những nguyên nhân bẩm sinh hay mắc phải gây ra. Bệnh co thắt tâm vị có thể gặp ở lứa tuổi từ thanh, trung niên trở lên (khoảng từ 25 - 60 tuổi). Theo thống kê thì trong các bệnh lý thuộc thực quản thì bệnh co thắt tâm vị là bệnh hay gặp thứ hai (sau bệnh ung thư thực quản).

    Triệu chứng

    Bệnh thường mang tính chất mãn tính, kéo dài, diễn tiến trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nuốt khó, nuốt nghẹn với cả thức ăn cứng và thức ăn lỏng là triệu chứng nổi bật nhất của bệnh co thắt tâm vị, trong đó khó nuốt thức ăn đặc gặp ở hầu hết các bệnh nhân và khó nuốt thức ăn lỏng (ngay cả uống nước) chiếm khoảng 1/3 các trường hợp.

    Số người bệnh co thắt tâm vị bị nôn chiếm tỉ lệ khá cao (60 - 90%), nôn xảy ra sớm sau khi ăn hoặc khi nằm nghiêng. Bên cạnh đó, triệu chứng nặng, tức lồng ngực, đau ngực (đau phía sau xương ức), xảy ra sau khi ăn, uống thường gặp khoảng 1/3 số người bệnh bị co thắt tâm vị. Triệu chứng ọe tuy ít gặp hơn nhưng có thể xảy ra ở một số trường hợp co thắt tâm vị. Ọe là do thức ăn đọng lại trong đoạn thực quản bị giãn trên chỗ thực quản bị hẹp, trào ngược ra miệng. Lúc mới bị bệnh, oẹ xuất hiện ngay sau ăn, số lượng ít. Càng ngày ọe sẽ tăng lên do sự giãn nhiều của thực quản phía trên chỗ hẹp làm ứ đọng, cản trở lưu thông thức ăn qua thực quản tăng lên. Do có hiện tượng nôn, ọe bởi sự giãn thực quản phía trên chỗ co thắt cho nên bệnh nhân dễ bị nôn, ọe, vì vậy, đã xuất hiện hiện tượng ngủ với tư thế “nửa nằm nửa ngồi” để tránh nôn, ọe.

    Biến chứng của co thắt tâm vị là do nôn nhiều nên càng về sau người bệnh thiếu chất gây suy dinh dưỡng, sụt cân. Mặt khác, do trào ngược thức ăn kéo dài có thể gây nên viêm, loét, chảy máu niêm mạc thực quản, hoặc hẹp thực quản. Ngoài ra có thể gây sặc thức ăn làm viêm phổi tái diễn, áp-xe phổi, nguy hiểm nhất là gây tắc khí phế quản cấp gây ngạt thở hoặc có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hay dây thần kinh X.

    Để chẩn đoán xác định co thắt tâm vị rất cần có các phương tiện cận lâm sàng như: chụp X-quang thực quản có thuốc cản quang và nội soi thực quản. Nếu có điều kiện có thể áp dụng kỹ thuật áp lực kế thực quản, vì đây là một kỹ thuật được tin cậy trong chẩn đoán co thắt tâm vị.

    Điều trị và dự phòng bệnh thế nào?

    Do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh cho nên việc điều trị bệnh gặp không ít khó khăn. Vì vậy, khi nghi ngờ bị co thắt tâm vị (nuốt nghẹn khó, nôn, ọe sau khi ăn, uống hoặc tức nặng ngực, đau ngực phía sau xương ức), cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Việc điều trị có nhiều phương pháp khác nhau, thời gian đầu có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) kết hợp nong thực quản, về sau nếu bệnh không thuyên giảm có thể dùng các biện pháp khác do bác sĩ khám bệnh và điều trị đưa ra hướng chỉ định để đôi bên (bệnh nhân và bác sĩ) cùng nhau bàn bạc, chọn lựa.

    Để phòng bệnh trong cuộc sống hàng ngày không nên ăn uống nóng quá hoặc lạnh quá và không nên ăn, uống vội vàng. Nên ăn giảm tinh bột (glucid), tăng chất đạm (protid), nên ăn nhiều rau xanh để có đủ lượng sinh tố và vi chất cần thiết cho cơ thể. Không lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào. Cần vệ sinh họng miệng sạch sẽ hàng ngày bằng hình thức đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Luôn vận động cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng sức đề kháng. Nếu mắc các bệnh nhiễm trùng (cấp và mãn tính) cần phải điều trị thật tích cực để bệnh chóng khỏi.

    Theo SKDS