Đau đầu, căn nguyên của nhiều bệnh

     Đau đầu là một chứng bệnh rất thường gặp, ảnh hưởng không nhỏ đốivới công việc và sinh hoạt hằng ngày.

     Đau đầu là một chứng bệnh rất thường gặp, ảnh hưởng không nhỏ đốivới công việc và sinh hoạt hằng ngày.

    Đau đầu đôi khi còn là những dấu hiệu cảnh báo về sự nguy hiểm của căn bệnh nào đó.

    Bệnh đau đầu thường được chia ra nhiều loại như: đau thông thường, đau nửa đầu, đau đầu do suy nhược thần kinh…

    Đau đầu thông thường gây cho chúng ta cảm giác mệt mỏi, khó chịu. Nặng hơn là bệnh đau nửa đầu hay đau đầu do suy nhược thần kinh. Cơn đau có cường độ mạnh hơn và thường kéo dài, thỉnh thoảng có thể có cơn đau đầu kèm theo sốt và nôn mửa. Hầu hết những cơn đau đầu là do làm việc căng thẳng hoặc thay đổi thời tiết, thường chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đây là những cơn đau thường không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Hãy cẩn thận với những cơn đau dữ dội và kéo dài. Vì nó không những làm ảnh hưởng đến công việc mà còn là những triệu chứng ban đầu của các căn bệnh nguy hiểm như: các bệnh về não (xuất huyết não, huyết áp thấp, huyết áp cao, thiếu máu não) và bệnh về tim mạch (nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch…); trong các bệnh về nội tiết như: rối loạn kinh nguyệt, rong kinh… hay các bệnh về mắt, về răng, về tai mũi họng như: bệnh viêm tai giữa, bệnh viêm xoang…

     

    Căng thẳng trong công việc và sinh hoạt hằng ngày là nguyên nhân thường gặp gây chứng đau đầu

     

    Đau đầu là một triệu chứng chung của rất nhiều bệnh cho nên nó rất khó xác định được nguyên nhân, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể xác định được nguyên nhân:

    Stress: những căng thẳng quá độ trong công việc và sinh hoạt hằng ngày là nguyên nhân thường gặp, chúng gây ra những cơn đau đầu nhưng chỉ ở thể thông thường. Nếu thường xuyên bị stress thì rất có hại cho sức khỏe và nhất là ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của não bộ. Do đó, cần có sự sắp xếp thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Bên cạnh đó cũng cần cố gắng dành thời gian cho việc vui chơi và thư giãn, nhất là những môn thể thao, để cơ thể không mệt mỏi và đầu óc luôn thoải mái.

    Luyện tập quá sức: từ lâu trong cộng đồng luôn tồn tại một ý thức sai lầm về việc luyện tập, đó là quan niệm luyện tập càng nhiều càng tốt cho sức khỏe. Bởi vì khi luyện tập quá nhiều, không chỉ cơ bắp hoạt động, mà não bộ cũng tham gia hoạt động, vì vậy mà não bộ dễ bị mệt mỏi. Ngoài ra trong luyện tập, nếu chúng ta có những bài tập quá sức thì cũng có thể gây tổn hại cho não bộ. Tóm lại, cần có chế độ luyện tập sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, không nên luyện tập quá sức, không nên gắng sức trong tập luyện.

    Chế độ ăn uống không hợp lý: việc ăn kiêng thái quá, ăn uống không đều độ, không đúng bữa hay ăn theo sở thích gây thiếu chất cho cơ thể cũng là sức ép lớn đối với khả năng hoạt động của bộ não. Do đó với chế độ ăn uống hợp lý, có khoa học sẽ giúp chúng ta phòng tránh được chứng đau đầu. Rau xanh, hoa quả và thực phẩm chế biến từ các cây họ đậu là thành phần tốt nhất giúp phòng tránh đau đầu rất hữu hiệu.

    Thay đổi thời tiết: nguyên nhân thường gặp nhất. Tuy nhiên đau đầu do thay đổi thời tiết không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Để phòng tránh chứng đau đầu do thay đổi thời tiết, chúng ta cần luyện tập thể thao, ăn uống và sinh hoạt hợp lý để cho cơ thể tăng sức đề kháng chống chọi với mọi biến đổi của thời tiết.

    Mất ngủ: nguyên nhân gây nên những cơn đau đầu rất khó chịu vì khi mất ngủ sẽ làm đầu óc luôn trong trạng thái mơ hồ, căng thẳng. Để tạo nên một giấc ngủ thật sâu, thật tốt, chúng ta nên trút bỏ hết mọi căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi, đồng thời thư giãn và nên tập thể dục nhẹ trước khi đi ngủ. Ngoài ra, cần tạo nên thói quen ngủ đúng giờ, tránh ngủ ngày quá nhiều.

    Sử dụng quá nhiều rượu bia và các chất kích thích: góp phần rất lớn trong việc làm cho đầu óc mệt mỏi. Để phòng tránh chứng đau đầu, chúng ta cần hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê, đặc biệt là trước bữa ăn tối và trước khi đi ngủ. Thức uống rất tốt trong việc phòng tránh đau đầu là các loại nước khoáng, nước trà xanh và các loại nước hoa quả.

    Theo SKDS