Đau mắt đỏ - không thể chủ quan

      Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc - là tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn của màng trong suốt (kết mạc) đường mí mắt và một phần của nhãn cầu.

      Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc - là tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn của màng trong suốt (kết mạc) đường mí mắt và một phần của nhãn cầu.

    Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: mỗi ngày trung bình có khoảng 1.740 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện, trong đó có khoảng 168 trường hợp bị đau mắt đỏ. Theo các bác sĩ bệnh đau mắt đỏ ở Hà Nội nhìn chung mới chỉ lây lan trong phạm vi gia đình nhưng lây lan rất mạnh. Trên thực tế, tại một số địa phương, bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện trên diện rộng như: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang.....

    Dễ mắc khi chuyển mùa

    Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc - là tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn của màng trong suốt (kết mạc) đường mí mắt và một phần của nhãn cầu. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhất là khi thời tiết chuyển mùa và các yếu tố thời tiết: nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao; môi trường nhiều khói bụi; điều kiện vệ sinh kém; sử dụng nguồn nước ô nhiễm... là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, khi giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virut tấn công dễ dàng hơn. Bệnh nhân có thể bị mắc bệnh lại lần thứ hai vì có nhiều chủng virut gây bệnh khác nhau.

    Đau mắt đỏ - không thể chủ quan
     
    Khi có biểu hiện đau mắt đỏ cần đến khám bác sĩ chuyên khoa. 

    Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua nước mắt và tiết tố có chứa nhiều yếu tố gây bệnh như: Do dùng chung khăn mặt và chậu rửa mặt, bệnh nhân dụi mắt và cầm nắm vào các đồ vật và sẽ lây cho những người dùng chung đồ vật đó (hay gặp ở những người trong cùng gia đình, các nhà trẻ, mẫu giáo), hoặc lây qua môi trường bể bơi, ở một số nơi do vệ sinh kém (như ở một số vùng nông thôn) có thể lây qua vật trung gian là ruồi.

    Ở người bị viêm kết mạc cấp, trong nước mắt có chứa rất nhiều yếu tố gây bệnh, khi bệnh nhân nói chuyện, ho hoặc hắt hơi thì yếu tố gây bệnh sẽ theo nước bọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác.

    Biểu hiện của bệnh

    Sau thời gian ủ bệnh (tính từ khi tiếp xúc với nguồn lây) 2 - 3 ngày sẽ xuất hiện các dấu hiệu ngứa mắt, cộm, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều dử ghèn ở mắt. Nếu rử ghèn nhiều buổi sáng ngủ dậy làm cho hai mi dính vào nhau nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Rử ghèn cũng làm cho người bệnh thấy nhìn khó, vướng nhưng thị lực thường không giảm. Lúc đầu chỉ bị ở một bên mắt, sau vài ngày xuất hiện sang mắt còn lại.

    Khi khám mắt thấy: Mi mắt sưng nề đỏ, kết mạc nhãn cầu cương tụ, phù nề. Nhiều dử ghèn (tiết tố) ở bờ mi và bề mặt kết mạc. Một số trường hợp có thể có xuất huyết (chảy máu) dưới kết mạc. Những trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc như: viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc đốm làm cho giác mạc bị mờ đục, khi đó thị lực giảm nhiều và kéo dài dai dẳng hàng tháng. Nếu nguyên nhân là adenovirut thì người bệnh có thể bị sốt nhẹ, chảy nước mũi, có sưng hạch trước tai hoặc hạch góc hàm, viêm họng, amidan sưng viêm.

    Tránh nhầm lẫn

    Viêm kết mạc có thể do nhiều nguyên nhân: do siêu vi, vi khuẩn, dị ứng... Thường gặp nhất là viêm kết mạc cấp tính do siêu vi (virut). Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ nếu gặp phải virut adenovirut có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Bệnh có sự liên kết của nhiều bộ phận như viêm kết mạc ở mắt, đau họng và lên hạch ở gáy phía dưới hai tai nên được gọi là viêm kết mạc - họng - hạch. Rất nhiều người nhầm lẫn với bệnh viêm kết mạc thông thường, nên khi thấy mắt đỏ chỉ nghĩ bị đau mắt hoặc thấy khản giọng thì nghĩ đau họng. Đối với bệnh này, người bị bệnh có thể thấy xuất hiện một số triệu chứng như toàn thân sốt nhẹ, viêm mũi - họng, nổi hạch trước tai.

    Đau mắt đỏ - không thể chủ quan
     
    Không tự ý điều trị khi bị mắc bệnh đau mắt đỏ.

    Tuyệt đối không tự ý điều trị

    Người bệnh khi bị viêm kết mạc nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc về nhỏ mắt, nhất là việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ nhãn khoa trong một số ít trường hợp. Nếu tự ý dùng thuốc có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm hoặc gây biến chứng nguy hiểm.

    Ngoài ra, cũng nên tránh sử dụng các thuốc lá cây để đắp hoặc xông mắt, hoặc thán mực tàu để tránh làm bệnh nặng thêm mà còn có thể gây ra những tổn thương khác cho mắt như bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu, một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây ra một bệnh lý rất nguy hiểm là viêm loét giác mạc. Khi đó việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn, một số trường hợp nặng phải phẫu thuật bỏ mắt.

    Cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, bệnh nhân cần tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý Nacl 0,9% nhiều lần là điều rất quan trọng, có tác dụng rửa trôi ghèn rử mắt cùng tác nhân gây bệnh ra ngoài giúp cho mau khỏi bệnh. Thường tra rửa 10 - 15 lần mỗi ngày. Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo nhỏ mắt ngày 4 - 6 lần, đắp khăn ấm lên mắt để giảm cảm giác khó chịu. Bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng như nước cam, chanh hoặc uống vitamin C...

    Cách phòng bệnh

    Vệ sinh tốt là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan viêm kết mạc cấp. Một khi bị đau mắt cần thực hiện tốt những nội dung sau đây:

    Đối với người bệnh: Không dụi mắt bằng tay bẩn. Rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng nhất là trước khi chăm sóc cho người khác, hạn chế bắt tay và tiếp xúc trực tiếp. Đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc gần hoặc chăm sóc trẻ nhỏ. Nên lau ghèn và nước mắt bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm, và chỉ dùng một lần. Dùng riêng đồ dùng cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, ly chén. Giặt ga giường, vỏ gối, khăn mặt bằng nước tẩy, phơi khô và ủi nóng.

    Đối với những người khác trong gia đình: Không ôm ấp, ngủ chung với người bệnh. Ngay sau khi chăm sóc và nhỏ thuốc cho người bệnh phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô rồi mới chăm sóc cho mình hoặc người khác. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho mình và người khác, điều này nguy hiểm vì sẽ gây lây nhiễm chéo và tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc.

    Đối với trường học: Khi có trẻ đau mắt cần cho nghỉ học cách ly tại nhà, tránh lây lan. Tăng cường công tác vệ sinh, hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay và không dụi tay bẩn lên mắt. Đối với các trường nội trú bán trú không cho học sinh dùng chung đồ dùng cá nhân và ngủ chung giường, nhất là trong các mùa dịch đau mắt. Các cô giáo, cô bảo mẫu cũng phải lưu ý rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang mỗi khi chăm sóc cho từng trẻ. Nếu cô giáo bị đau mắt cũng phải nghỉ cách ly ít nhất 3 - 5 ngày tránh lây cho học sinh khác.

    Theo SKDS